Nợ công cao làm tăng nguy cơ thảm họa nhân đạo

Một nghiên cứu do năm cơ quan của Liên hợp quốc thực hiện cảnh báo, 3,3 tỷ người đang phải chịu hậu quả do các chính phủ cần ưu tiên thanh toán lãi nợ công hơn các khoản đầu tư thiết yếu cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) hay quá trình chuyển đổi năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Lũ lụt phá hủy mùa màng ở Nam Sudan. (Ảnh WFP)
Lũ lụt phá hủy mùa màng ở Nam Sudan. (Ảnh WFP)

Báo cáo do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) phối hợp thực hiện cho thấy, bên cạnh nạn đói gia tăng, khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh cũng suy giảm nhanh trên toàn cầu, khiến hơn 3,1 tỷ người không còn đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh trong năm 2021.

Giám đốc điều hành UNICEF cảnh báo, suy dinh dưỡng đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” ước tính, số người phải đối mặt với nạn đói năm 2022 cao nhất lên đến 783 triệu người.

Nạn đói gia tăng nhanh chóng ở khu vực Tây Á, Caribe và khắp châu Phi, những nơi cứ năm người thì có một người phải đối mặt nạn đói, tương đương gấp hơn hai lần mức trung bình toàn cầu. Chỉ có châu Á và Mỹ Latin đã đạt được tiến bộ trong cải thiện an ninh lương thực.

Cũng theo báo cáo, có tới 148 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được xếp loại còi cọc (được ghi nhận bằng cách so chiều cao theo độ tuổi), 45 triệu trẻ bị thiếu cân và 37 triệu trẻ bị thừa cân, thường là dấu hiệu của tình trạng dinh dưỡng kém.

Đồng thời, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, khi tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở nông thôn (35,8%) cao hơn đáng kể so với mức ở thành thị (22,4%).

Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, quy mô của cuộc khủng hoảng dinh dưỡng đòi hỏi hành động mạnh mẽ hơn tập trung vào trẻ em, bao gồm ưu tiên thúc đẩy khả năng tiếp cận chế độ ăn bổ dưỡng và hợp túi tiền, cũng như các dịch vụ dinh dưỡng, chuỗi cung ứng thực phẩm và dinh dưỡng thiết yếu, nhằm bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi thực phẩm nghèo dinh dưỡng và chế biến sẵn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, một nửa nhân loại sống ở các quốc gia buộc phải chi nhiều hơn để trả nợ thay vì chi cho y tế và giáo dục là một thảm họa phát triển.

Trong bối cảnh các nước đang phát triển phải gánh mức nợ công khổng lồ, ông Guterres nhận định, đây là một sự thất bại mang tính hệ thống, do sự bất bình đẳng được xây dựng trong hệ thống tài chính lỗi thời của thế giới.

Với 52 quốc gia (gần 40% nhóm quốc gia đang phát triển) có vấn đề nghiêm trọng về nợ nần, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi cứu trợ tài chính khẩn cấp đối với nhóm các quốc gia này, nhất là khi chi phí vay đối với các nước châu Phi đang cao gấp bốn lần so với Mỹ và gấp tám lần so với các nền kinh tế lớn ở châu Âu.

Báo cáo Một thế giới nợ nần của Liên hợp quốc cũng đề xuất một số biện pháp khắc phục khẩn cấp, như một cơ chế xử lý nợ hiệu quả nhằm hỗ trợ tạm dừng thanh toán, gia hạn thời hạn cho vay dài hơn, với lãi suất thấp hơn, nhất là đối với các nước thu nhập trung bình và dễ bị tổn thương.

Giảm gánh nặng nợ công được kỳ vọng góp phần giúp các nước đang phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài khi phải trả nợ bằng ngoại tệ có thêm ngân sách cho các chính sách xã hội.