Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận thu ngân sách đạt 3.965 tỷ đồng, đạt 117% (3.965/3.393 tỷ đồng) so với dự toán Bộ Tài chính giao; đạt 108% (3.965/3.658 tỷ đồng) so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn ổn định ngân sách năm 2022-2025. Trong đó, thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh hơn 203 tỷ đồng (đạt hơn 100% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao) và thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp huyện hơn 269 tỷ đồng (đạt 140% so với dự toán được giao).
Năm 2024, Ninh Thuận dự kiến thu ngân sách quý 1 hơn 1.000 tỷ đồng (đạt 26% dự toán); quý 2 thu 984 tỷ đồng (đạt 24,6%); quý 3 thu 941 tỷ đồng (đạt 29,4%) và quý 4 tập trung thu hoàn thành dự toán cả năm đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Trong đó, tập trung thu các khoản tiền thuế và tiền thuê đất đã được gia hạn, khẩn trương hoàn thành dự toán đối với khoản thu tiền sử dụng đất các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư vào cuối năm.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, ngành đã đề ra cụ thể 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Theo đó, Cục Thuế sẽ tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; các nguồn thu vãng lai phát sinh trên địa bàn.
Cục trưởng Thuế tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Dũng phát biểu tham luận về những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024. |
Đặc biệt, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; triển khai đề án chống thất thu trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, mở rộng sang một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh thế mạnh, dự báo phát triển mạnh thời gian tới của địa phương nhằm mở rộng cơ sở tính thuế, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách.
Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chống thất thu và thu hồi nợ đọng tại cơ quan Cục thuế, tập trung rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân để đẩy nhanh việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu trong quản lý thuế; đôn đốc việc kê khai, nộp thuế; phát hiện kịp thời các trường hợp khai không đúng, không đủ để có biện pháp thu hồi kịp thời; đặc biệt kiên quyết xử lý doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động thương mại điện tử; tăng cường công tác quản lý hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; triển khai hiệu quả công tác đối thoại với doanh nghiệp, tiếp nhận, và giải quyết kịp thời những vướng mắc cho người nộp thuế, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận Hồ Xuân Ninh cho biết, trong tổng dự toán thu ngân sách năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao thu tiền sử dụng đất đạt 800 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của sở.
Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị để đưa ra các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn tồn tại từ nhiều năm qua về xác định giá đất, việc thu, bán, đấu giá đất, thu chuyển mục đích sử dụng đất trong dân… nhằm triển khai hiệu quả công tác quản lý, góp phần thu đạt mục tiêu dự toán từ tiền sử dụng đất.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam xác định, muốn đạt được mục tiêu do Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh giao, cả hệ thống chính trị phải triển khai quyết liệt việc thu ngân sách với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đồng thời, nghiên cứu các giải pháp tạo thêm nguồn thu mới và nuôi dưỡng các nguồn thu cân đối của tỉnh trong các năm tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
“Tỉnh sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tận dụng các cơ hội để hoàn thành mục tiêu được phân công theo từng lĩnh vực cũng như trách nhiệm quản lý đối với từng sở, ngành.
Cụ thể, các khoản thu do ngành thuế quản lý đạt hơn 3.000 tỷ đồng; các khoản thu do Sở Tài chính quản lý đạt hơn 61,5 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 800 tỷ đồng và thu từ xuất, nhập khẩu do Chi cục Hải quan tỉnh quản lý thu 53 tỷ đồng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết.