Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh sản xuất hơn hơn 17.321ha cây lúa, 13.974ha cây màu và khoảng 12.700ha cây lâu năm. Hiện, các địa phương đang thu hoạch, sẽ kết thúc mùa vụ vào cuối tháng 4.
Nhiều hồ cạn nước
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến ngày 8/4, tổng lượng nước tích tại 23 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn hơn 186 triệu/417 triệu m3 tổng dung tích thiết kế (chỉ nêu số tròn).
Lượng nước hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ còn 104 triệu/165 triệu m3 so với dung tích thiết kế. Hiện, có 3/23 hồ chứa, gồm: CK7, Bầu Ngứ và Ông Kinh đã xuống đến mực nước chết. Nếu không có mưa, sắp tới sẽ có thêm 6 hồ chứa khác thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Hải là: Hồ Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Lanh Ra, Bầu Zôn bị cạn kiệt.
Hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có dung tích 0,83 triệu m3, nay đã cạn kiệt, chỉ còn lác đác vài hố nước nhỏ trong lòng hồ. |
Tại huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi lớn, gồm: hồ Ông Kinh, Thành Sơn và Nước Ngọt (cộng tổng dung tích cả 3 hồ được hơn 5 triệu m3), nhưng đến thời điểm này, cả 3 hồ chỉ còn lại khoảng 2 triệu m3. Riêng hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải đã cạn khô hơn 1 tháng nay. Một số ao, giếng tại các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải đang đứng trước nguy cơ cạn nước và nhiễm mặn, khiến cho sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây rất khó khăn.
Nông dân Đỗ Hội ở thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, cho biết: “Mạch nước ngầm tại rẫy trồng 2 sào (2.000m2) cây hành tím đã bị cạn, tôi chỉ còn cách là cố nạo vét một cái hố giữa đáy lòng hồ Ông Kinh đã bị cạn (cách rẫy khoảng 1,5km) để tìm nguồn nước, từ đó, lắp ống để bơm nước về các bể chứa, tìm cách cứu 2 sào hành tím đang chuẩn bị thu hoạch. Để đủ nước cho mỗi lần bơm tưới, máy bơm phải vận hành liên tục 2 ngày, đêm”.
Nông dân Đỗ Hội ở thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải tìm đến hồ Ông Kinh để nạo vét 1 cái hố giữa đáy lòng hồ, tìm nguồn nước bơm về bể chứa gần đó để dẫn nước cứu hai sào trồng cây hành tím đang cận ngày thu hoạch. |
Nhiều hộ sản xuất khác nằm trong vùng, tuy đã giảm xuống 50% diện tích trồng, nhưng thiếu nước tưới, nên hằng ngày cứ thấp thỏm đợi mưa, mong được cứu nạn.
Ông Trần Văn Phước ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải trồng 3/6 sào (6.000m2) cây hành tím và nuôi hơn chục con bò, chia sẻ: “Các giếng khoan bị nhiễm phèn nặng, nên cả 3 sào trồng hành tím bị thối rễ, cây sinh trưởng kém; củ hành sau thu hoạch không đạt chất lượng nên thương lái không thu mua, tôi đành phải giữ lại củ để làm giống cho vụ tới”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải Nguyễn Khắc Hòa cho biết, hiện có hơn 150ha đất sản xuất tại các xã: Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải và khu vực hồ Thành Sơn thuộc xã Xuân Hải bị ảnh hưởng nặng. Một số khu vực khác trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, do đó, cần đấu nối hệ thống cấp nước từ các vùng lận cận với những vùng đang bị hạn, để điều tiết bổ sung hoặc chở nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các khu vực sử dụng nước từ hệ thống cấp nước Mỹ Tường.
Tập trung nguồn lực để ứng phó
Trước tình trạng nắng hạn, tỉnh Ninh Thuận đã khẩn trương đưa ra nhiều giải pháp và chỉ đạo triển khai đồng bộ để giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp ứng phó. Trước mắt, sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ và nguồn nước mặt được tích trữ tại các hồ trên địa bàn để phục vụ nước uống, sinh hoạt cho người dân theo hướng tiết kiệm.
Về sản xuất, các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn cây trồng vụ đông xuân; thu gom, chế biến và dự trữ phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô.
Các xã, thị trấn phối hợp trạm thủy nông nhanh chóng duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi để hạn chế thất thoát nước; phát dọn kênh mương để khơi thông dòng chảy; nạo vét giếng và đào thêm giếng, ao ở các nơi còn nguồn nước ngầm; tổ chức vận hành hiệu quả công trình kênh tưới thủy lợi theo từng thời điểm, bảo đảm ổn định nguồn nước trong nội đồng.
Vận động nông dân tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng gieo trồng những loại cây trồng cạn, cây chịu hạn, ít sử dụng nước và đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm.
Nhiều hồ chứa nước khô cằn khiến cho đàn gia súc của nông dân tỉnh Ninh Thuận vất vả tìm nguồn thức ăn và nước uống. |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Trương Khắc Trí, tỉnh đã có 2 phương án để ứng phó với nắng hạn.
Cụ thể: Nếu nắng nóng kéo dài và đến tháng 5/2024 mà trên địa bàn tỉnh vẫn không có mưa, thì vụ hè thu năm 2024 sẽ triển khai theo phương án 1, là chỉ tổ chức sản xuất khoảng 24.102ha cây trồng các loại và nuôi trồng thủy sản (tạm dừng sản xuất hơn 7.500ha so cùng kỳ năm 2023), bằng cách điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa trên toàn tỉnh để cung cấp nước.
Riêng đối với một số khu vực không bảo đảm nguồn nước tưới như: khu tưới tại các hồ Lanh Ra, Phước Trung, Phước Nhơn, Ông Kinh, CK7, Bầu Ngứ, Suối Lớn... sẽ không sản xuất, chỉ ưu tiên lượng nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây lâu năm, cây màu và ngành kinh tế trọng điểm.
Trường hợp đến tháng 5, trên địa bàn tỉnh có mưa thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của tất cả 23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý để tưới cho tổng diện tích sản xuất toàn tỉnh là 29.265 ha (tạm dừng sản xuất 1.785ha so cùng kỳ năm 2023).
Hiện, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước, bảo đảm cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.