Ninh Bình tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

NDO - Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tìm những vướng mắc cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Thường vụ tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức gặp gỡ 130 DN tiêu biểu đại diện cho gần 3.500 DN ở địa phương để nghe tâm tư, nguyện vọng của DN.
Công nhân Nhà máy đạm Ninh Bình kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Công nhân Nhà máy đạm Ninh Bình kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Ông Mai Thế Hệ, Giám đốc Doanh nghiệp cơ khí và là Chủ tịch HÐQT Trường mầm non Mai Thế Hệ cho biết: "Trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng có vẻ rất dễ dàng nhưng thực tế thì khó khăn gấp bội. Các ngân hàng nêu ra rất nhiều điều kiện cần và đủ khiến DN tiếp cận được nguồn vốn tựa như "cá vượt vũ môn", đi năm lần bẩy lượt vẫn thiếu thủ tục "đầu tiên". Hoặc ngân hàng bắt DN phải xây dựng lộ trình, chiến lược phát triển sản xuất lâu dài, hay phải có tài sản thế chấp... cho nên chuyện đến bây giờ, không ít DN vẫn đương đầu vay vốn với lãi suất ở mức 17%/năm. Mặt khác, cách tính giá tài sản thế chấp của ngân hàng cũng thấp hơn một nửa so với giá thị trường. Chẳng hạn một mét vuông đất giá 10 triệu đồng, nhưng chỉ được tính giá trị tài sản thế chấp ở mức bốn triệu đồng. Ðiều này gây khó cho DN ở chỗ phải có gấp đôi số tài sản thế chấp, họ mới được vay vốn như mong muốn. Trên thực tế, không phải DN nào cũng có điều kiện như vậy. Thêm nữa, việc tăng giá điện 5% vừa qua lại càng khiến DN lao đao. Mỗi tháng, Công ty phải trả hơn 200 triệu đồng tiền điện, sau khi tăng giá điện, công ty phải trả thêm 10 triệu đồng nữa".

Còn Giám đốc DN thủ công mỹ nghệ xuất nhập khẩu Ðông Thành Nguyễn Thị Tự bức xúc về chuyện DN xây dựng khu vui chơi giải trí với diện tích ba ha nhưng vẫn thiếu diện tích, muốn xin thêm hai ha để lắp đặt thiết bị mới để có thể đưa vào sử dụng "Tôi đã mua hơn 600 tỷ đồng thiết bị chuyển về Ninh Bình, mà xin mãi hơn hai năm không được cấp thêm đất để xây dựng, trong khi số tiền đã mua thiết bị đang phải tính lãi suất từng ngày". Lại thêm chuyện DN Ðông Thành mua đất để xây dựng siêu thị tại thị xã Tam Ðiệp. Cuối năm 2011, trong dịp động thổ xây dựng siêu thị, lãnh đạo thị xã Tam Ðiệp còn coi đây là điểm nhấn về nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để giúp thị xã lên đô thị loại III vào cuối năm nay, vậy mà đến giờ DN vẫn chưa được cấp "bìa đỏ" cho nên việc xây dựng siêu thị ở Tam Ðiệp đành bỏ nửa chừng. "Dù khó khăn đến mấy, thà chết chứ tôi không bán siêu thị. Sau lưng tôi còn có 1.200 công nhân may và thêu cùng khoảng sáu nghìn lao động ở các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh làm gia công sản phẩm cho cơ sở, tôi phải có trách nhiệm chăm lo đời sống của họ", bà Nguyễn Thị Tự khẳng định.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, từ năm 2011 đến tháng 6-2012 trên địa bàn tỉnh đã có 290 DN giải thể, một DN phá sản, 300 DN tạm ngừng hoạt động, 855 DN hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN Ninh Bình bức xúc là tình trạng một số cán bộ chuyên viên theo dõi ngành chưa sát sao tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của DN, kịp thời hỗ trợ DN. Cụ thể như lời ta thán của giám đốc Mai Thế Hệ "Nghị định 69 của Chính phủ ban hành từ năm 2008 mà đến đầu năm 2012 mới về đến tỉnh!" Hay như Giám đốc Công ty dịch vụ Minh Trí Nguyễn Thị Thu Hà kêu "việc điều chỉnh giấy phép đầu tư một năm sau mới nhận được làm DN lỡ cơ hội hợp tác liên doanh với nước ngoài". Những thủ tục hành chính rườm rà, công việc trì trệ chạy như.. rùa bò hết ngăn kéo của cán bộ quản lý ngành đến nhân viên ủy ban đã cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, DN ngoài quốc doanh đóng góp ngân sách cho địa phương sáu tháng đầu năm nay ở mức khá cao, 321 tỷ đồng/427 tỷ đồng tổng nguồn thu ngân sách. Thế nhưng, bên cạnh những yếu tố khách quan gây bất lợi cho sản xuất, kinh doanh của các DN này thì yếu tố chủ quan cũng gây không ít khó khăn cho DN. Ðó là các cơ quan, đoàn thể tại địa phương chưa thật sự chung vai gánh vác khó khăn cùng DN. Hiệp hội DN vừa và nhỏ, Liên minh Hợp tác xã, câu lạc bộ doanh nhân... chưa tỏ rõ vai trò hỗ trợ DN thành viên gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số ít cán bộ, các ban, ngành chưa nhiệt tình với công việc tham mưu, tư vấn cho DN cũng như lãnh đạo tỉnh để sớm đề ra giải pháp đối phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra. "Phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tác phong làm việc từ cơ sở đến tỉnh" Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Bùi Văn Thắng khẳng định. Nếu đơn vị nào, cán bộ nào cố ý gây khó khăn cho cơ sở phải bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND. Ðề xuất đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện để các DN tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với mặt bằng lãi suất giảm theo quy định của Nhà nước. Ðồng thời thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi cho DN.