Ninh Bình tiêu hủy gần 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm hành chính

Ngày 28/5, tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Hội đồng xử lý tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình tổ chức tiêu hủy gần 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm hành chính, bị phát hiện, thu giữ từ đầu năm đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm đếm các mặt hàng trước khi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng kiểm đếm các mặt hàng trước khi tiêu hủy.

Các loại hàng hóa bị tịch thu tiêu hủy gồm: rượu, bánh kẹo, mỹ phẩm, xe máy điện, quần áo, đồ chơi trẻ em, phụ kiện ô-tô, thuốc lá điện tử, đồ điện các loại … với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Đây là những mặt hàng vi phạm do không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường,...

Ninh Bình tiêu hủy gần 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm hành chính ảnh 1

Gần 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu tiêu hủy.

Trước sự chứng kiến của Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm và tiêu hủy các loại hàng hóa kể trên bằng cách cắt, nghiền nát các mặt hàng, đến khi không còn giá trị sử dụng, sau đó được vận chuyển bằng xe chuyên dụng tới xử lý tại bãi rác thải tập trung tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình tiêu hủy gần 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm hành chính ảnh 2

Các loại hàng hóa vi phạm được tiêu hủy bằng cách dùng xe lu nghiền nát đến khi không còn giá trị sử dụng.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình, hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình tổ chức đợt tiêu hủy này để tuyên truyền, răn đe đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm.

Thời gian tới, trước mắt là Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.