Ðến nay, Ninh Bình đã nâng cấp, làm mới được 16.904 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 2.138,7km. Bảy trong tổng số tám huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tất cả 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Diện mạo miền quê đáng sống
Về huyện Yên Khánh (Ninh Bình), điều dễ nhận thấy nhất là những thôn, làng hình thành từ bao đời nay đã khoác “tấm áo” mới. Những con đường trải nhựa, thảm bê-tông rộng thênh thang. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang với đủ loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc, mang đến diện mạo mới cho nông thôn ở Yên Khánh, nhất là từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Huyện Yên Khánh đã huy động được 4.713 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Phần lớn số tiền nêu trên được nhân dân, con em quê hương ở mọi miền đóng góp. Phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các xã trong huyện. Cách đây không lâu, huyện Yên Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, huyện Yên Khánh đang tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới, trong đó có tiêu chí đánh giá về “sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới” do tỉnh Ninh Bình chỉ đạo. Ðến nay, nhiều xã trong huyện như các xã Khánh Thiện, Khánh Thành đã được công nhận là nông thôn kiểu mẫu của tỉnh, trở thành những vùng quê đáng sống, góp phần xây dựng huyện Yên Khánh theo hướng nông thôn kiểu mẫu, giàu mạnh, văn minh trong những năm tới.
Ðó là “cái mới” trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình. Mới từ diện mạo làng quê, từ nếp nghĩ và sự đồng thuận của người dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới. Mới về sáng kiến: Ðánh giá sự hài lòng của người dân làm tăng tiêu chí công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chặt chẽ hơn, được các ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao.
Phát huy thế mạnh địa phương
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: Ninh Bình xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình đi lên không ngừng. Tỉnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kết hợp điều chỉnh việc xây dưng nông thôn mới phù hợp từng địa bàn, từng vùng. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không sa vào “bệnh thành tích” mà lấy hiệu quả xây dựng nông thôn mới làm thực chất.
Theo đó, các cấp ủy, chính quyền nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các tổ chức, đoàn thể chính trị cùng vào cuộc triển khai thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua “Nhà sạch vườn đẹp”, vận động hội viên góp của, góp công, hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Thực hiện phong trào thắp sáng đường quê; ngày thứ bảy tình nguyện, chủ nhật xanh; trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, tỉnh cũng ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, bảo đảm nguồn lực hỗ trợ các huyện, thành phố. Tỉnh giao cho ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các xã đặc thù, khó khăn. Ðiều đó, tạo ra sự khác biệt trong khơi dậy sức mạnh cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới, là kinh nghiệm để các địa phương tham khảo.
Hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới đã tạo cho Ninh Bình chuyển biến mới về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” tạo cơ hội phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch homestay, thu hút hơn 82 nghìn lao động địa phương, tạo thêm cơ sở để Ninh Bình phấn đấu là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.