Niềm vui từ những lớp học đặc biệt

Trong những năm gần đây, Bình Phước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nhờ đó đến nay không còn phòng học tạm, phòng học dột nát. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những em học sinh không thể tới trường vì những lý do khách quan, chủ quan khác nhau. Vì thế, công cuộc xóa mù chữ cho bộ phận này vẫn đang được các hội, đoàn thể chú ý với nhiều cách làm hay, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớn tuổi tại lớp học xóa mù chữ tại thôn 6 (xã Long Tân) đang tập đọc.
Học sinh lớn tuổi tại lớp học xóa mù chữ tại thôn 6 (xã Long Tân) đang tập đọc.

Thôn 6 (xã Long Tân, huyện Phú Riềng) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn cho nên một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em vì vậy tỷ lệ mù chữ còn ở mức cao.

Theo ông Vương Ngọc Bửu Sơn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6, xã Long Tân: Khu vực này đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều em trong độ tuổi đi học nhưng chưa biết đọc, biết viết; một số em đã từng đi học nhưng do bỏ học quá lâu nên quên mặt chữ.

Để giải quyết vấn đề này, trong năm 2023, lớp học xóa mù chữ được mở tại thôn 6 đang mang lại niềm vui được đến trường mỗi khi màn đêm buông xuống cho nhiều em trong độ tuổi đến trường cũng như những người lớn tuổi chưa biết chữ. Lớp học được tổ chức vào 7 giờ tối các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Tân, Đỗ Nhật Quang cho biết: Đây là lớp học thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ. Xã Long Tân đã tổ chức khai giảng và đưa lớp học duy trì ổn định từ tháng 7 cho đến nay. Thời gian đầu lớp có 34 học viên đăng ký và đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 42 học viên đang theo học.

Những ngày cuối tháng 9 trên mảnh đất đỏ vùng Đông Nam Bộ, cứ chiều muộn là những cơn mưa nặng hạt trút xuống nhưng không ngăn được bước chân các em học sinh đến lớp tìm con chữ. Dưới ánh sáng đèn điện của Nhà văn hóa thôn 6, tiếng đánh vần, đọc chữ của học sinh đã xua tan màn đêm tĩnh mịch tại một vùng quê.

Trong lớp học, chúng tôi bắt gặp nhiều học sinh đã làm bố, làm mẹ hoặc đã làm ông, làm bà vẫn đến "tìm" chữ. Ông Huỳnh Văn Đấu năm nay đã bước qua tuổi 52 cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo khó nên không được học chữ nhiều. Từ khi nghe chính quyền địa phương vận động đi học xóa mù chữ thì tôi đăng ký ngay. Học để biết chữ, biết tính toán trong làm ăn để phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con cái học hành".

Tương tự, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn cho nên việc học của em Điểu Quyên (18 tuổi) người dân tộc X’tiêng bị gián đoạn. Điểu Quyên kể, ba mẹ em sống bằng nghề đi cạo mủ cao-su thuê. Hằng ngày, em đi theo phụ giúp ba mẹ để kiếm sống cho nên không có điều kiện đến trường. Khi trong thôn mở lớp học xóa mù chữ vào ban đêm, em chăm chỉ đi học, giờ em đã có thể đọc, viết và làm phép toán cộng trừ đơn giản.

Sau những giờ lên lớp, cô Đào Thị Yên, giáo viên Trường tiểu học Lê Hoàng (xã Long Tân, huyện Phú Riềng) vội vàng về nhà lo cơm nước cho gia đình rồi lại lên lớp xóa mù chữ. Cô Đào Thị Yên chia sẻ, điều đặc biệt của lớp học này là không phân biệt tuổi tác, già trẻ, có em mới 12 tuổi, có người lớn hơn tuổi giáo viên.

Những người đến đây không phải học để lên lớp mà mục đích chung là có thêm cái chữ để vận dụng trong cuộc sống tốt hơn. Do đó, những giáo viên đứng lớp ở đây trước hết là tận tâm, tỉ mỉ, tạo không khí vui tươi cho người học hứng khởi, thích thú. Nhờ đó, những người tham gia lớp học đi học thường xuyên, đúng giờ và rất ham học.

Còn tại một xưởng gỗ thuộc ấp 2, xã Tiến Hưng, một xã vùng ven của thành phố Đồng Xoài mới khai giảng một lớp học khá đặc biệt. Nói đặc biệt là bởi học sinh lớp học này ở nhiều độ tuổi khác nhau và lần đầu dự Lễ khai giảng năm học mới.

Lớp học có hơn 30 học sinh độ tuổi từ 6-15, hầu hết là con em của các gia đình người lao động, làm công tại xưởng chế biến gỗ này. Qua tìm hiểu, gia đình các em chủ yếu quê tỉnh Sóc Trăng và là người Khmer, hầu hết các em không có giấy khai sinh...

Sau khi khai giảng năm học mới, các em được các cô tình nguyện dạy cho biết đọc, viết và những kiến thức cơ bản, kỹ năng sống... Ông Đoàn Quang Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng cho biết: Qua điều tra, khảo sát, có hơn 30 em thuộc các gia đình làm việc tại xưởng gỗ này trong độ tuổi đến trường, nhưng lại không đủ điều kiện tới lớp.

Chúng tôi đã báo cáo với thành phố, đồng thời kết nối các nhóm thiện nguyện để tổ chức lớp học. Chủ doanh nghiệp cũng rất ủng hộ và hỗ trợ, khẩn trương dựng lớp học tạm. Chúng tôi đã vận động bàn ghế, trang thiết bị phục vụ các em học tập.

Nhận thấy việc các tổ chức, cá nhân mở lớp học tình thương để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là việc làm tốt, nhưng về lâu dài cần phải huy động các em đến trường theo quy định. Do đó, lãnh đạo thành phố Đồng Xoài đã đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện đưa tất cả các em học sinh trong lớp học tình thương đến Trường tiểu học Tiến Hưng A để bố trí học tập (kể cả các trường hợp không có giấy tờ liên quan đến tuyển sinh và có thể bổ sung sau). Nhờ đó, sau hơn một tuần khai giảng ở phòng học tạm, đến nay tất cả học sinh tại đây đã được đến trường.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành và các hội, đoàn thể đã góp phần giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở cho học sinh trong độ tuổi được tới trường cũng như mở lớp học xóa mù chữ cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó giúp cho những người chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính cơ bản nhất, từ đó giúp họ thuận lợi hơn trong giao tiếp, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.