Thấp thỏm sống ở “rốn lũ”
Tân Phú là xã có địa hình trũng thấp, đất chật người đông, trong đó có nhiều hộ sinh sống ở ngoài đê sông Cầu. Trũng thấp nên được coi là vùng “rốn lũ” của sông Cầu, mỗi năm người dân thường phải hứng chịu từ một đến ba trận lũ lụt, mỗi trận lũ ngập từ ba đến tám ngày, lũ lớn ngập đến mái nhà nên đời sống người dân rất khó khăn, tách biệt hoàn toàn với trung tâm xã ở trong đê sông Cầu.
Chủ tịch UBND xã Tân Phú Lê Ngọc Kha chia sẻ: “Năm nào người dân ở ngoài đê cũng phải hứng chịu ít nhất là một trận lũ, lũ lên báo động cấp một là tách biệt với trung tâm xã, nội bất xuất, ngoại bất nhập trong vài ngày. Có năm lũ lớn ngập đến tận mái nhà trong gần mười ngày, rác rưởi, xác động vật chất trôi dạt gây ô nhiễm môi trường làm đời sống người dân rất khó khăn, nguy hiểm”.
“Đặc biệt, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, dòng chảy thay đổi, lũ sông Cầu chảy siết, “đánh” mạnh vào bờ bên phía Tân Phú dẫn đến sạt lở rất lớn, “ngoạm” vào bờ từ 40 đến 50 mét, nhiều nhà dân chỉ còn cách điểm sạt lở năm mét nên tính mạng và tài sản bị uy hiếp nghiêm trọng. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, người dân lại thấp thỏm lo âu tài sản sẽ trôi theo dòng nước”- ông Kha trần tình.
Do dòng chảy thay đổi, sạt lở bờ sông Cầu liên tục xảy ra bên phía Tân Phú, dọc bở sông dài hàng cây số thấy sạt lở tiến sát khu dân cư. Đường giao thông nông thôn dọc xóm Phú Cốc được đổ bê-tông từ mười năm trước, khi đó còn cách bờ sông vài chục mét, nay sạt lở đã tiến sát móng đường, nhiều đoạn hở hàm ếch, mặt đường có thể đứt gãy bất cứ lúc nào.
Ông Trần Văn Chính năm nay gần 80 tuổi ở xóm Phú Cốc kế: “Tôi xây căn nhà cấp bốn cách đây gần 20 năm, khi đó nhà cách bờ sông Cầu một bãi soi rộng hàng trăm mét. Vậy mà nay, sạt lở “đánh” mất bãi soi, mép nước sông Cầu tiến sát, chỉ còn cách nhà năm mét. Mùa mưa đến là lại thấp thỏm lo Hà Bá “nuốt” mất ngôi nhà bất cứ lúc nào nên hễ có mưa lũ là cả gia đình năm người phải di tản”.
Niềm vui của người dân
Chủ tịch UBND xã Tân Phú Lê Ngọc Kha cho biết: “Do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ có cường độ mạnh, sạt lở bờ sông Cầu trải dài, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ui hiếp tính mạng, tài sản của người dân là nỗi trăn trở, lo lắng của cấp ủy, chính quyền địa phương từ nhiều năm qua mà chưa có điều kiện di dời dân đến nơi ở mới”.
Niềm vui đến với người dân và cấp ủy, chính quyền xã Tân Phú khi tháng 10- 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư tập trung vùng sạt lở bờ sông và ngập úng xã Tân Phú. Nhưng do ngân sách khó khăn nên hai năm sau, vào tháng 10- 2019 dự án xây dựng khu tái định cư này mới được phê duyệt lại để tổ chức triển khai thi công.
Đáp ứng mong đợi của người dân vùng sạt lở, chủ đầu tư khu tái định cư là Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với UBND thị xã Phổ Yên và chính quyền xã Tân Phú trong thời gian rất ngắn đã giải phóng xong mặt bằng với diện tích 3,3 ha ở thôn Vân Trai, nằm trong đê để xây dựng khu tái định cư, làm chỗ ở mới cho nhân dân.
55 hộ dân trong diện bị sạt lở đe doạ huy hiểm nhất, nhà cách vị trí sạt lở từ năm mét trở lên sẽ được ưu tiên chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư xã Tân Phú. Khu tái định cư được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, bao gồm đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước, tạo cảnh quan và mỗi hộ được cấp 300 m2 đất để xây nhà mới ổn định cuộc sống lâu dài. Bên cạnh đó, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng, hộ nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để chuyển nhà đến khu tái định cư.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên Dương Văn Toản cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các hạng mục tại khu tái định cư, dự kiến cuối năm nay sẽ cấp đất để các hộ dân xây nhà, từ mùa mưa lũ sang năm sẽ chuyển toàn bộ lên khu tái định cư để bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài”.
Được chuyển đến nơi ở mới, ông Trần Văn Chính và các hộ gia đình khác rất phấn khởi, coi đó là sự đổi đời.
Ông Chính vui mừng: “Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm xây dựng khu tái định cư, chăm lo đời sống người dân vùng lũ lụt, sạt lở. Từ mùa mưa lũ tới đây, chúng tôi sẽ được chuyển lên khu tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài, không phải sống trong cảnh ngập lụt, sạt lở đe dọa nữa”.