Thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII

Những vấn đề đặt ra trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Tiếp theo và hết)

Bài 3: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ -

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, có phẩm chất đạo đức, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, là nhân tố quyết định sự thành công của việc đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Do vậy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới các khâu trong quy hoạch, đào tạo, sử dụng và đánh giá cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trở thành yêu cầu, là tiêu chí để đánh giá sự thành công.

Đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ

Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Tỉnh ủy Bắc Cạn có Quy chế 445 về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phương thức lựa chọn là cạnh tranh, khách quan, minh bạch. Tỉnh bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả sát hạch hai vòng (lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ) và chọn nhân sự có số dư. Tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn, với hai phần ba số thành viên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các thành viên khác là thủ trưởng của đơn vị có vị trí ứng cử và các chuyên gia. Ứng viên báo cáo thuyết trình chương trình hành động. Từng thành viên Hội đồng đặt câu hỏi và đánh giá, kết luận, bỏ phiếu kín để lựa chọn.

Tỉnh ủy yêu cầu, tất cả cán bộ trong quy hoạch phải xây dựng và bảo vệ chương trình hành động, là một cách để rà soát quy hoạch. Những người không xây dựng và bảo vệ được chương trình hành động sẽ đưa ra khỏi quy hoạch. Đến nay, tỉnh đã tổ chức hơn 20 đợt sát hạch, bổ nhiệm gần 30 lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Để ngăn ngừa tình trạng chạy phiếu tín nhiệm, chạy chức vụ, Bắc Cạn chỉ đạo linh hoạt phương pháp lựa chọn người đứng đầu sau khi hợp nhất, sáp nhập. Đó là, thực hiện công tác tư tưởng, tuyên truyền để các ứng viên tự đánh giá khả năng của mình có đáp ứng được nhiệm vụ mới hay không, nếu không được thì tự xin rút. Tỉnh tổ chức sát hạch để chọn người xứng đáng nhất trong các ứng viên; người không đạt yêu cầu sẽ từ trưởng phòng xuống phó phòng, phó phòng xuống nhân viên nhưng được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ đã bổ nhiệm. Nếu trong số các ứng viên, có người ở trong cấp ủy thì cấp ủy có thể xem xét phân công giữ chức vụ lãnh đạo. Với cách làm này, tỉnh đã thu gọn đầu mối bên trong, sắp xếp vị trí cho hơn 200 lãnh đạo cấp phòng mà không tạo ra xáo trộn lớn, không có bất cứ đơn thư khiếu nại nào.

Mới đây Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đồng chí Ngô Hữu Quý vừa vượt qua ba ứng cử viên, trúng tuyển vị trí Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí Quý cho biết, để xây dựng đề án và thuyết phục được Hội đồng chấm thi, đồng chí phải nghiên cứu, học tập rất nhiều kiến thức lý luận cùng với những kinh nghiệm thực tiễn về công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, sau khi được giao đảm nhiệm vị trí mới, đồng chí có thể bắt nhịp ngay vào công việc.

Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: Tỉnh đang triển khai đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng. Với phương pháp và những tiêu chí mới, việc thi tuyển bước đầu có kết quả tốt. Những đồng chí được tuyển chọn qua thi tuyển đều vượt trội về phẩm chất và năng lực. Đây là quyết tâm của Tỉnh ủy Lào Cai trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược lâu dài, đồng thời phục vụ công tác sắp xếp, bố trí cán bộ khi thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.

Xây dựng đề án vị trí việc làm

Quá trình đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị phải bảo đảm đồng bộ giữa sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương với phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương, các cấp, các ngành; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Do vậy, cần thiết phải phân loại tổ chức, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đến năm 2025 sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Theo các chuyên gia, xây dựng đề án vị trí việc làm là giải pháp căn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu cán bộ, công chức và cải cách tiền lương. Đề án vị trí việc làm sẽ bảo đảm “một người có thể làm được nhiều việc” và “một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị phụ trách” chứ không để như trước đây là một việc có nhiều cơ quan, nhiều đơn vị tham gia, không có sự phân công cụ thể xem ai, cơ quan nào là người chủ trì để giải quyết, dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm.

Yên Bái là tỉnh tích cực trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy nhưng theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Bùi Huy Toàn, trong quá trình triển khai đã xuất hiện vướng mắc về công tác cán bộ. Khi cơ quan chính quyền sáp nhập cùng cơ quan đảng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải am hiểu cả về công tác xây dựng đảng, quản lý nhà nước và xây dựng chính quyền. Yêu cầu này là bắt buộc và tiêu chuẩn cao với người đứng đầu khi được phân công kiêm nhiệm đồng thời các chức danh của tổ chức đảng và chính quyền. Tỉnh ủy Yên Bái xác định song song với sắp xếp tổ chức, bộ máy là tăng cường bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhưng về lâu dài phải làm sao đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm, gắn với kiểm tra, sát hạch chặt chẽ. Mục tiêu là để mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đảm đương tốt hơn vị trí việc làm được phân công, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Hiện nay bên cạnh một số địa phương đã hoàn thành, nhiều địa phương đang tích cực xây dựng đề án vị trí việc làm. Nhưng theo đánh giá chung của Bộ Nội vụ, việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại các địa phương chất lượng chưa cao. Phần lớn các cơ quan, tổ chức chưa ban hành được quy trình thực hiện và chưa xác định được năng suất lao động bình quân của từng công việc cho nên số lượng phòng, ban, cán bộ cắt giảm không nhiều.

Thực tế cho thấy, ở một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, công tác xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức để làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác. Theo Ban Tổ chức T.Ư, hiện nay phần lớn các cơ quan, tổ chức chưa ban hành được quy trình thực hiện và chưa xác định được năng suất lao động bình quân của từng công việc. Bởi vậy, giả sử nếu bây giờ xác định biên chế của một tổ chức ít hơn số biên chế hiện có, với cách đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay thì sẽ khó chỉ ra được những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hạn chế năng lực để buộc họ chấp nhận thôi việc theo quy định.

Mở rộng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực

Khi sáp nhập các đơn vị, trách nhiệm và quyền lợi của người đứng đầu sẽ rất lớn. Khó khăn lớn nhất đối với người đứng đầu các đơn vị hợp nhất, sáp nhập và những vị trí được bố trí đồng thời hai chức danh là đổi mới tư duy, có khả năng tổ chức công việc hợp lý, tập hợp được những người chung quanh, để nâng cao hiệu suất công việc trong điều kiện khối lượng công việc tăng.

Để có cơ chế kiểm soát, Đảng ủy xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành trong đó xác định rõ chức trách nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Đồng chí Vũ Thị Dung, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá, việc xây dựng quy chế làm việc sẽ là căn cứ để đánh giá chính xác năng lực cán bộ, nhất là người đứng đầu; đồng thời là “khung pháp lý” để ngăn ngừa việc lộng quyền, vượt quyền.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư thì mô hình kiêm nhiệm hay đảm nhiệm đồng thời các chức danh có ưu điểm là giảm số lượng cán bộ lãnh đạo; đồng thời tập trung quyền lực, tạo điều kiện hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để đảm đương được nhiệm vụ người đứng đầu, trước hết cán bộ phải đủ năng lực và phẩm chất đạo đức. Phải có các cơ chế để kiểm soát khi quyền lực tập trung. Thí dụ như đối với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, trước hết cấp ủy đó phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ từng vị trí công tác để làm cơ sở thực hiện. Trong thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện nhất quán nguyên tắc tập trung dân chủ. Cần mở rộng các cơ chế giám sát theo phương châm đa điểm. Giám sát từ cấp trên, từ cấp ủy cùng cấp cũng như từ nhân dân và các tổ chức đoàn thể.

Tại Lào Cai, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị trong triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống nhân dân. Theo đó, tất cả các dự án do UBND các cấp triển khai đều có sự tham gia ngay từ đầu của MTTQ và các tổ chức đoàn thể để cùng làm công tác vận động nhân dân và giám sát việc triển khai thực hiện của các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ liên quan. Đánh giá về giải pháp này, đồng chí Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, khi triển khai đã khắc phục được tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài ở nhiều dự án và tăng cường việc giám sát đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi của cán bộ.

Từ năm 2017, Huyện ủy Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Chủ trương này xuất phát từ yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng và phát huy trách nhiệm, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại từng xã, cấp ủy, chính quyền phối hợp MTTQ phổ biến tới các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội những quy định, nguyên tắc, yêu cầu, nội dung về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm đối với từng cán bộ, công chức của xã.

Hội nghị lấy ý kiến đánh giá cán bộ, công chức do đại diện lãnh đạo xã và MTTQ chủ trì với sự tham gia của đại diện các tổ chức đoàn thể, tổ chức quần chúng từ xã đến thôn, được truyền thanh trực tiếp. Các đại biểu đóng góp ý kiến, bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ với từng cán bộ, công chức của xã. Qua hai năm thực hiện cho thấy, đây là một kênh giúp cấp ủy, chính quyền kiểm soát tốt mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành, bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do vậy, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ và phải được đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư đã nhấn mạnh: Cán bộ là nhân tố “động” của tổ chức, cho nên, xây dựng đội ngũ cán bộ phải gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ trên cơ sở xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, không chồng chéo, trùng lặp, phân quyền và phân cấp rõ ràng, rành mạch, mới bảo đảm cho cán bộ thật sự phát huy tinh thần, trách nhiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình vận hành bộ máy, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một bộ máy thiết kế bất hợp lý không những không phát huy được đầy đủ năng lực của cán bộ, mà trong không ít trường hợp còn làm hỏng cán bộ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ và kiện toàn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phải được tiến hành đồng bộ, đặt trong mối quan hệ hữu cơ, cái này là tiền đề cho cái kia và ngược lại.

Bài 2: Đổi mới phương thức lãnh đạo

Bài 1: Nỗ lực triển khai, kết quả bước đầu

--------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-12-2018.