Những “tượng đài” của khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

NDO -

Là một trong những đơn vị ra đời từ khá sớm của Viện Quân y 108 nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khoa Nội Tim mạch (A2-A) đã không ngừng phấn đấu phát huy truyền thống 65 năm của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước để ngày càng phát triển, khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, trở thành ngọn cờ đầu trong lĩnh vực Tim mạch của ngành quân y, của quốc gia và đang vươn mình ra thế giới.

Những “tượng đài” của khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Có được cơ đồ như ngày hôm nay phải kể đến những đóng góp vô cùng to lớn của những người thầy đi trước. 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn – người thầy của những người thầy

Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang, giáo sư, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn sinh ngày 17/6/1914 tại Hà Nội trong một gia đình dòng dõi tri thức, cha ông là một nhà giáo và sau này giữ chức vụ quan giáo thục của nha học chính Phúc Yên - Phú Thọ.

Ông tốt nghiệp trường Y Đông Dương năm 1939 với giải thưởng đặc biệt dành cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và là bác sĩ trẻ nhất thời bấy giờ. Trong cùng năm ông được trưng tập làm bác sĩ Bệnh viện Đồn Thủy (tiền thân của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Sau một năm ông về mở bệnh viện tư tại số 1 phố Sơn Tây.

Năm 1958 ông và gia đình đã hiến tặng bệnh viện cho nhà nước và bây giờ là địa chỉ của Bệnh viện quận Ba Đình và Sở y tế Hà Nội. Năm 1954, sau cuộc kháng chiến giành độc lập ông và các đồng nghiệp xây dựng ngành quân y Việt Nam. Ông là Tổng chủ nhiệm liên khoa Nội của Viện quân y 108, Viện Phó Viện quân y 108, Phó Chủ tịch Hội đồng dược khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nội khoa, Tổng Hội y dược Việt Nam. Ông là chủ nhiệm khoa đầu tiên của Khoa Nội Tim mạch từ ngày thành lập (1956-1968) và là người đặt nền móng cho sự phát triển của chuyên khoa sau này.

Những tượng đài của khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 -0
 Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang, giáo sư, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Ngọc Doãn – chủ nhiệm khoa 1956-1968

Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn là một danh nhân y học, một nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền dược lý Việt Nam. Ông là người đào tạo nên nhiều thế hệ các thầy thuốc cho ngành y tế Việt Nam, là người có nhiều đóng góp xây dựng kết hợp quân dân y.

Ông là tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, là tác giả của nhiều sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn trong thực hành y khoa. Một số giáo trình đã được sử dụng tại các trường đại học y của cả nước như Dược lý học, Sinh lý bệnh học, Bệnh tim mạch và huyết áp, Bệnh gan mật, Bệnh tiêu hóa, Corticoid trị liệu…Ông được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang năm 1985 và mất ngày 24/2/1987. Tên của ông được đặt cho con phố thuộc Quận Đống Đa, Hà Nội.

Là người được làm việc trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Ngọc Doãn, PGS Vũ Điện Biên (nguyên chủ nhiệm khoa A2 giai đoạn 1999-2007) kể lại những kỉ niệm về người thầy của mình: “Ông là người mẫu mực về lâm sàng, luôn khám bệnh rất cẩn thận, hỏi han tỉ mỉ từng bệnh nhân, nhất là trong trường hợp phức tạp và ông rất nhạy cảm trong chẩn đoán lâm sàng.

Giáo sư đã cùng với các bác sĩ trong khoa và bệnh viện nghiên cứu áp dụng nhiều loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy tim, thấp tim, viêm cầu thận mạn, viêm cột sống dính khớp, bệnh Basedow… ông là người luôn chỉ đạo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Mỗi lần ông nhìn thấy các bác sĩ kê đơn chưa hợp lý, kê nhiều thuốc…ông đều nhắc nhở nhẹ nhàng “uống cháo thuốc thế này thì dễ bị loạn lắm”. Ông đã giúp khoa A2 làm việc nề nếp và khoa học mà nhiều năm sau vẫn được duy trì và phát huy”.

Giáo sư Phạm Tử Dương – người khai sáng Tim mạch Quân đội

Nhắc đến ngành Tim mạch quân đội chắc không thể nào không nhắc tới Thiếu tướng, Giáo sư Phạm Tử Dương. Ông sinh ngày 5/3/1929 tại thôn Hòe Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông tốt nghiệp trung học Bưởi ở Hà Nội (1946) và tốt nghiệp Đại học Y Hà nội (1958).

Ông có một thời gian công tác liên tục trong ngành quân y và trưởng thành trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Ông đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó từ vị trí trợ lý huấn luyện, Chủ nhiệm quân y, Chủ nhiệm khoa và sau này là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch quốc gia Việt nam, chuyên viên đầu ngành Tim – Thận – Khớp của Cục Quân Y, Trưởng Tiểu ban Nội – Hội đồng khoa học Y học Quân sự - Bộ Quốc phòng.

Mặc dù, ông làm Chủ nhiệm khoa Nội Tim - Thận - Khớp (A2) trong một thời gian không dài (1973-1974) nhưng ảnh hưởng của ông lên sự phát triển của chuyên ngành Tim mạch của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108,  ngành Quân y và ngành Tim mạch Việt nam là vô cùng to lớn.

Trong hơn 50 năm cống hiến cho ngành y, ngành Quân y nói chung và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng bên cạnh tấm gương đạo đức hết lòng vì người bệnh,  Giáo sư đã để lại cho các thế hệ bác sĩ sau này là tinh thần say mê nghiên cứu khoa học không biết mệt mỏi. Ông bắt đầu làm quen với việc nghiên cứu và viết sách, báo khi còn là một sinh viên trường y và sau này khi đã bước sang tuổi 80 ông vẫn miệt mài nghiên cứu và đào tạo các thày thuốc trẻ phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân.

Ông đã để lại 89 công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực cho các thế hệ sau này. Nhiều thế hệ sinh viên trường y và các bác sĩ đã ra trường vẫn đang sử dụng cuốn sách “Hóa nghiệm sử dụng trong lâm sàng” mà ông cùng với Giáo sư Nguyễn Thế Khánh xuất bản năm 1956 và đã tái bản tới 12 lần. Những cuốn sách mà ông tham gia biên soạn đã trở thành những cuốn sách gối đầu giường của các bác sĩ làm trong lĩnh vực tim mạch như cuốn Thuốc tim mạch (tái bản 6 lần), Bệnh tăng huyết áp (tái bản 7 lần), Suy tim (viết cùng Phó giáo sư Phạm Nguyên Sơn) …

Những tượng đài của khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 -0
 Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Phạm Tử Dương – chủ nhiệm khoa giai đoạn 1973-1974.

GS Phạm Tử Dương vẫn thường căn dặn những bác sĩ làm lâm sàng như chúng tôi “muốn trở thành thầy thuốc giỏi thì trước hết và trên hết phải giỏi về lâm sàng, muốn giỏi về lâm sàng thì phải nắm chắc về sinh lý, sinh lý bệnh và bệnh học nội khoa. Để có được chẩn đoán sớm và đúng thì phải căn cứ vào những triệu chứng lâm sàng thực thể, kết hợp với triệu chứng toàn thân để “luận chứng và biện trị”. Các xét nghiệm lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh như X-quang, điện tim, siêu âm cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ, chỉ giúp thầy thuốc có định hướng trong chẩn đoán”.

Ngày nay, khi các phương tiện chẩn đoán ngày càng trở nên hiện đại giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị nhưng những lời dạy mà giáo sư để lại cho chúng tôi vẫn luôn luôn đúng. Tư tưởng đó đã tiếp tục được các thế hệ những học trò xuất sắc của GS Phạm Tử Dương như PGS, TS Vũ Điện Biên (nguyên chủ nhiệm khoa 1999-2007), PGS, TS Phạm Nguyên Sơn (nguyên chủ nhiệm khoa 2007-2013) thấm nhuần và phát triển trong tư duy thực hành lâm sàng .

Những tượng đài về khoa học và nhân cách của thầy Nguyễn Ngọc Doãn và thầy Phạm Tử Dương... như là những cánh buồm giúp chúng tôi - những thế hệ kế tiếp của Khoa Nội Tim mạch (A2A) - tiếp tục vươn mình ra biển lớn. Cùng với sự phát triển chung của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngành y tế và đất nước, khoa A2A đang ngày một lớn mạnh với những mục tiêu cao cả, đó là đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân, là phát triển nghiên cứu khoa học, tiếp thu những thành tựu mới của thế giới để mang lại cuộc sống mạnh khỏe hơn cho những người bệnh thân yêu.