Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV

NDO - 3 năm kể từ ngày biết mình nhiễm HIV, Phan Ngọc H. “đoạn tuyệt” với các bạn tình. H. lao vào làm việc, nhận tới 5 công việc khác nhau, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. H. bảo đó là cách để em quên đi quá khứ kinh khủng ập đến với em vào đúng ngày sinh nhật 3 năm trước. “Em không thể quay ngược thời gian cuộc đời mình. Điều em làm được, là phải giúp các bạn khác, không nhiễm HIV”, H. tâm sự.
0:00 / 0:00
0:00
Trường hợp nguy cơ cao được giới thiệu xét nghiệm tại Phòng khám đa khoa Mỹ Thạnh, An Giang.
Trường hợp nguy cơ cao được giới thiệu xét nghiệm tại Phòng khám đa khoa Mỹ Thạnh, An Giang.

Điểm tựa cho nhóm MSM, LGBT

Lớp 4, H. thấy mình khác với các bạn trai khác, em chỉ thích nam giới. Cuối lớp 9, giới tính hình thành rõ nét. Những ngày đầu tiên bước chân vào Cao đẳng nghề An Giang, kết quả khám sức khỏe ban đầu cảnh báo H. có nguy cơ nhiễm H, được tư vấn làm xét nghiệm khẳng định.

H. biết mình cầm sẵn trên tay giấy tờ kết luận nhiễm H – một cái chết được báo trước. Những năm tháng sống với bạn tình lâu dài ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã mang đến một kết quả khốc liệt cho N.

H. khóc nhiều vào ngày mẹ và gia đình phát hiện em nhiễm H, nhưng mẹ không tin. H. đã cầu cứu Doanh nghiệp Sunshine An Giang (nhóm đồng đẳng viên - CBO) để “chữa lành” cho mẹ. Tiếp theo đó, những ngày tháng sau này, H. tự chữa lành cho chính mình. Nhưng khác với nhiều bạn MSM khác, H. chữa lành một cách hà khắc với bản thân.

H. đoạn tuyệt với các bạn tình. Dù chỉ thời gian ngắn sau điều trị ARV, em đã trong ngưỡng an toàn, không lây nhiễm cho bạn tình. H. chọn cách sống cho bản thân mình và trở thành thành viên năng nổ nhất trong doanh nghiệp xã hội đã từng “cứu vớt” em khỏi vũng lầy tâm lý năm nào.

Mở to đôi mắt sáng trong veo như có cảm giác chưa từng giông bão cuộc đời nào ập đến, H. bảo, ngày xưa em và mẹ rất xa cách, nhưng chính cú sốc này, giúp cho em hướng về gia đình nhiều hơn, mẹ con gần gũi nhau hơn. Cũng chính cú sốc ấy, thôi thúc H. phải trở thành một người có ích, phụng sự cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng hẹp của nhóm MSM.

Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV ảnh 1

Phan Ngọc H. trao đổi với bác sĩ để có thêm kiến thức tiếp cận, tư vấn cho nhóm MSM.

Làm tới 5 nghề để sinh sống, là CBO giống như là món nợ mà H. bảo muốn giúp các bạn nhóm MSM không vì thiếu hiểu biết mà đưa đẩy vào con đường nhiễm H. Không ít lần, H. phải vượt qua những thách thức và bỏ tiền túi để giúp các bạn trẻ khác.

Vươn cánh tay ra khỏi An Giang, một lần, H. nhận được sự cầu cứu của gia đình một người MSM khi phát hiện con mình tự tử sau khi uống 1 hộp paracetamol. Bạn MSM 24 tuổi, trong giây phút cuối cùng mấp máy môi nói với gia đình gọi cho H.

Nghe cuộc gọi, H. tức tốc lên TP Hồ Chí Minh, quãng đường đi em cầu mong người bạn này không gặp gì bất trắc. May mắn cứu kịp thời, bệnh nhân chỉ bị nhiễm độc gan và sau đó được đưa vào điều trị ARV.

“Cứu được một mạng người ở giây phút cuối thật sự đặc biệt có ý nghĩa và là động lực cho em tiếp tục với hành trình này”, H. tâm sự.

Trong hành trình phụng sự ấy, có không ít lần H. bỏ tiền túi cho các bạn đi xét nghiệm khẳng định, mua thuốc ARV. Có bệnh nhân đang học dở, nhưng vì điều kiện không có, H. cũng cố gắng tìm kiếm học bổng để hỗ trợ người bạn này.

Trong năm 2023, Phan Ngọc H. (An Giang) tiếp cận được hơn 70 trường hợp MSM và giới thiệu điều trị 16 ca PrEP và 2 ca điều trị ARV.

Mạng lưới LGBT của Trương Hoàng Bảo Ngọc được thành lập nhiều năm qua, trở thành điểm tựa cho cộng đồng MSM tại An Giang. Bôn ba nhiều năm ra bắc, vào nam, Ngọc lựa chọn quay trở về quê hương, dù lúc đầu chuyển giới, em cũng bị gia đình từ mặt.

Cô hiểu, sẽ có bao nhiêu mảnh đời như mình, bơ vơ trong chính gia đình mình, khi muốn sống đúng với giới tính của mình. Bởi vậy, khi bản thân tìm ra được ánh sáng cuối đường hầm, Ngọc thấy mình có thể trở thành điểm tựa cho rất nhiều bạn trong mạng lưới LGBT để HIV không len lỏi trong cộng đồng.

Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV ảnh 2

Mạng lưới cộng đồng LGBT tại An Giang hỗ trợ cho rất nhiều bạn trẻ.

Từ nhóm nhỏ ban đầu, Ngọc gây dựng mạng lưới cộng đồng LGBT tại An Giang ngày càng lớn và gắn kết. Từ lúc gia đình từ mặt nhiều năm, cho tới khi công nhận Ngọc là con gái và tự hào, đó là cả một hành trình dài mà Ngọc bảo không biết bao nhiêu nước mắt, stress và cả những ý định tự tử.

Sau này, khi đồng hành với nhiều bạn trong nhóm MSM, Ngọc luôn lấy câu chuyện cuộc đời mình để giúp các bạn có thêm động lực sống. Bởi vậy có bao nhiêu bạn nhiều lần muốn tự tử, cũng đã tìm lại được ý nghĩa sống và sống một cách có ý nghĩa khi cùng đồng hành với Ngọc phụng sự cộng đồng. Ngọc cũng là Fouder Team Community You&Me – một nhóm cộng đồng lãnh đạo trẻ.

Năm 2023, nhóm đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng, như chuỗi hướng nghiệp “Trái giới, Trái ngành” lồng ghép các kiến thức tính dục an toàn cho các bạn LGBT trẻ tuổi ở huyện Tịnh Biên, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. Nhóm của Bảo Ngọc còn kêu gọi gây quỹ “Đem yêu thương đến trẻ em vùng biên giới” hỗ trợ các em bé nghèo tại khu vực biên giới.

Từ tháng 8/2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạnh, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện nho nhỏ làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho người LGBT.

Hàng tháng, Mạng lưới cũng tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế thành phố Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế. Vì thế, nhóm LGBT đều có kiến thức tốt để tránh lây nhiễm HIV trong bối cảnh HIV từ nhóm MSM đang là nguy cơ lớn nhất.

“Có những trường hợp ở vùng sâu của tỉnh, chúng tôi cũng cố gắng giúp đỡ để bạn ấy có thể tới viện điều trị. Có những bạn nhiễm HIV, nghi ngờ sự tốt bụng của chúng tôi, nhưng bằng kết quả là sức khỏe họ tốt hơn, được hỗ trợ phần nào trong cuộc sống, họ đã tin, chúng tôi làm việc này vì cộng đồng”, Ngọc tâm sự.

Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV ảnh 3

Các bạn có các chương trình tư vấn thiết thực cho các bạn trẻ trong nhóm MSM, LGBT bảo vệ mình trước nguy cơ nhiễm HIV.

Các bạn còn tổ chức nhiều chương trình vui chơi gắn với nội dung phòng, chống HIV/AIDS cho CBO các tỉnh miền Tây, tổ chức Pflag. Điều mừng nhất là với nỗ lực tự khẳng định của từng thành viên, gia đình nhiều bạn LGBT đã không chỉ thông cảm mà còn tham gia và hỗ trợ cho hoạt động của Mạng lưới.

Là nhóm CBO tư nhân duy nhất tại Đồng Tháp, Bùi Văn D., thành viên Ban điều hành nhóm S66 tâm sự, mục tiêu của doanh nghiệp là giúp các bạn trẻ, trong nhóm MSM biết cách bảo vệ sức khỏe của mình.

Tuổi còn rất trẻ, D. cũng đã vượt qua những năm tháng tự ti, sống khép kín mình để trở thành một CBO tự tin, lạc quan như ngày hôm nay. “Tôi đang điều trị PrEP và tôi hiểu, cộng đồng MSM của chúng tôi bị yếu thế, nhiều bạn còn hoang mang, chưa biết cách bảo vệ mình, không biết tìm kiếm sự hỗ trợ của ai”, D. kể.

Thế nhưng không phải lúc nào trên hành trình hỗ trợ các bạn trẻ phòng HIV đều suôn sẻ. D. buồn bã kể lại cho chúng tôi câu chuyện về người bạn thân của mình cũng là sinh viên Đại học Đồng Tháp. Năm 2020, người bạn này có kết quả dương tính với HIV, suy sụp hoàn toàn.

Nhiều lần bạn mình tìm tới cái chết, D. chỉ biết ôm bạn khóc ròng vì bất lực vì nhìn thấy bạn đau đớn trong điều trị và tinh thần sa sút nghiêm trọng. Những gì có thể chia sẻ được, giúp được, D. đã làm hết mình. D. chỉ tiếc một điều, bao năm đồng hành bên bạn, đã tư vấn cho bạn cách bảo vệ bản thân nhưng bạn không nghe, không tin và không làm theo.

Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV ảnh 4

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp (bên phải) trao đổi với các bạn trẻ của Doanh nghiệp tư nhân S66.

Nhiều năm qua, tại Đồng Tháp, doanh nghiệp tư nhân S66 trở thành điểm tựa cho nhiều người trong cộng đồng MSM với hơn 600 người điều trị dự phòng PrEP thường xuyên.

Là nhóm CBO duy nhất tại Đồng Tháp, S66 có độ phủ sóng rộng như kết nối CBO các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Nhờ thế, không chỉ hỗ trợ được cho các bạn trẻ trong nhóm MSM tại Đồng Tháp, mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành phố lân cận tại đồng bằng sông Cửu Long. Những buổi truyền thông nhóm nhỏ, những hoạt động hỗ trợ tăng dần, phủ sóng thông tin tới cộng đồng MSM, nhóm LGBT.

Đ. tâm sự, tới đây, nhóm S66 rất muốn mở rộng mạng lưới tìm kiếm nhân lực cho doanh nghiệp từ các bạn tại Cao đẳng Y tế Đồng Tháp. Đây là nhân lực CBO có kiến thức nền, sẽ hiệu quả hơn trong việc tư vấn, truyền thông cho các bạn MSM.

Cần chính sách hỗ trợ cho nhân viên tiếp cận cộng đồng

Ước tính toàn tỉnh An Giang có khoảng 8.000 người trong nhóm MSM. Tuy nhiên, để tiếp cận nhóm đối tượng nguy cơ này có nhiều thách thức. Ngoài lực lượng nhân viên y tế mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, thì các bạn MSM khá nhạy cảm, ẩn mình, khó tiếp cận để thuyết phục đi xét nghiệm nguy cơ cũng như tư vấn uống PrEP dự phòng.

Để mang thông điệp đến nhóm MSM, lâu nay, CDC các tỉnh dựa vào các nhóm tiếp cận cộng đồng (CBO). Nhiều địa phương, nhóm CBO hoạt động rất mạnh, nhưng nhiều địa phương, lực lượng này còn rất mỏng.

Phan Ngọc H. tâm sự, hiện An Giang không có cơ chế chung quản lý từ đồng đẳng viên. Ở một số địa phương khác, khách hàng tìm đến nhóm CBO có thể được hướng dẫn kiểm tra, test khẳng định và đưa vào điều trị dự phòng PrEP hoặc điều trị ARV ngay lập tức khi phát hiện bệnh.

Nhưng nhân lực mỏng, nhóm CBO của H. chỉ có thể giới thiệu đến OPC (cơ sở điều trị ARV), như thế, H. sẽ không thể nắm được khách hàng của mình có đến hay không và có tuân thủ điều trị hay không. Có không ít trường hợp tiếp cận, thuyết phục đến xét nghiệm HIV, nhưng sau khi có kết quả âm tính, họ lại từ chối điều trị dự phòng PrEP.

An Giang là địa bàn giáp ranh biên giới Campuchia, có nhiều vùng sâu, vùng xa không tiếp cận được nhóm MSM. Việc sử dụng mạng xã hội tiếp cận còn hạn chế. Do không còn sự hỗ trợ của các tổ chức, nên số cộng tác viên của doanh nghiệp đã rơi từ 120 người xuống chỉ còn 5 bạn hoạt động.

Những tình nguyện viên thầm lặng trong cuộc phòng, chống HIV ảnh 5
Bác sĩ Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang chia sẻ về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh An Giang.

Bác sĩ Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang cho hay, trong năm 2024, CDC tỉnh tuyển được 55 nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhưng riêng đối với nhóm nam MSM, mỗi cơ sở chỉ tuyển 1-2 bạn, mỏng so với nhu cầu chống dịch thực tế. Việc đào tạo cho đội ngũ này cũng chưa được triển khai bài bản.

"An Giang đang thiếu các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội tham gia vào phòng, chống HIV; thiếu mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện. An Giang thiếu kết nối giữa cơ quan phòng, chống HIV với doanh nghiệp xã hội", bác sĩ Linh cho hay.

Bởi vậy, với sự hỗ trợ của các dự án tài trợ, CDC An Giang đang cố gắng huy động sự tham gia của nhiều tổ chức tư nhân, hỗ trợ về mặt pháp lý các nhóm CBO tự phát thành doanh nghiệp xã hội.

Trương Hoàng Bảo Ngọc tâm sự, hiện Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối được với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEp dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, vùng sâu, biên giới.

Việc “mất dấu” khách hàng cũng là thách thức với các CBO. Có không ít bạn đến chỉ để kiểm tra sức khỏe, nhưng khi thấy kết quả âm tính, từ chối điều trị PrEP mà không hiểu những nguy cơ rình rập nếu bỏ qua dự phòng.

Dù khó khăn là thế, nhưng mỗi CBO mà chúng tôi gặp, họ đều nhoẻn miệng cười bảo, họ làm vì phụng sự cộng đồng, vì không muốn các bạn trẻ vì thiếu hiểu biết mà rơi vào con đường bệnh tật. Nhiều CBO chúng tôi gặp mang trong mình virus HIV, nhưng luôn lạc quan, nhiệt huyết và hết mình cho cộng đồng. Với họ, khi không thể quay ngược thời gian cuộc đời mình, thì luôn nỗ lực để các bạn trẻ MSM sẽ không bị sa lầy vào đau đớn, sợ hãi, bệnh tật, sợ bị kỳ thị mà họ đã từng nếm trải.