Phát huy vai trò của tuyên truyền viên đồng đẳng

NDO - Trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng là một trong những lực lượng chủ lực của công tác này. Những nỗ lực của họ  đã và đang  góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở những người nghiện chích ma túy,  bán dâm cũng như nguy cơ lây nhiễm của nhóm người này ra cộng đồng.

Chị Cao Thị  Kim Giang, tuyên truyền viên đồng đẳng quận Lê Chân (Hải Phòng) chia sẻ: Công việc hằng ngày của các chị là đến với các nhà hàng, khách sạn, hay các tụ điểm "nhạy cảm" để tiếp cận với các chị em bán dâm. Khi tiếp cận được, chị  sẽ tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực hiện hành vi tình dục an toàn, phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Cùng với việc tư vấn là phát bao cao-su (BCS) miễn phí và hướng dẫn họ cách sử dụng... Không  theo giờ giấc, lúc buổi trưa, khi trời tối, thời gian làm việc của chị Giang hoàn toàn phụ thuộc vào "thời gian biểu" của chị em bán dâm. Chị tranh thủ cả lúc họ đang chờ "đi khách" để tư vấn, phát BCS miễn phí. Thời gian đầu đi tuyên truyền, thấy chị cầm BCS ra vào nhà hàng, khách sạn, người thân  tỏ ý nghi ngờ còn bạn bè gặp chị có ý né tránh. Nhớ nhất có lần chị đến một nhà hàng,  thuyết phục mãi, chủ nhà hàng mới cho vào tiếp cận. Ðang tư vấn thì công an vào kiểm tra. Thế là chị bị "gom" luôn cùng tiếp viên nhà hàng!  Vậy mà đã được sáu năm chị tham gia làm tuyên truyền viên đồng đẳng. Với những kiến thức được học từ dự án (Ngân hàng Thế giới tài trợ) và những kinh nghiệm  trong quá trình làm việc, chị đã hoàn toàn tự tin với công việc của mình. Khó khăn, vất vả nhưng đổi lại chị đã giúp được nhiều người thay đổi hành vi hoặc giảm bớt những hành vi nguy cơ cao, thực hiện các biện pháp an toàn nhằm phòng tránh HIV/AIDS.

Mỗi ngày, khi thành phố lên đèn, trong những góc tối, bằng nhiều hình thức, đội ngũ đồng đẳng viên tích cực tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi  nhận thức, hành  vi của các đối tượng, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ   phòng, chống HIV/AIDS... Có nhiều kênh phân phát  BCS và bơm kim tiêm ở các tỉnh  như trạm y tế xã hoặc bố trí các điểm phân phát cố định qua các  câu lạc bộ đồng đẳng, mạng lưới y tế thôn, bản phối hợp với nhà thuốc tư nhân, nhưng 85% vẫn là do đồng đẳng viên phân phát. Anh Phạm Bá Tuân, nhân viên tiếp cận cộng đồng xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết:  Công việc hằng ngày của anh là tiếp cận cộng đồng phân phát BCS, bơm kim tiêm và truyền thông cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS. Cung cấp và sử dụng bơm kim tiêm sạch, thu gom những bơm kim tiêm đã qua sử dụng và mang đến nơi tiêu hủy an toàn. Bơm kim tiêm sạch không chỉ được phân phát cho nhóm đối tượng nghiện chích ma túy ngay tại những điểm nóng mà còn tại những điểm cố định. Tại một số điểm, các đối tượng tiêm chích ma túy còn tự giác mang những bơm kim tiêm đã qua sử dụng cho vào thùng đựng theo quy định, trước khi lấy bơm kim tiêm sạch. Anh tâm sự: Khi tiếp cận với những người nghiện ma túy, nhất là các bạn trẻ, đồng đẳng viên phải thật mềm mỏng, khéo léo. Hầu hết người nghiện chích ma túy khi "đói thuốc" đều bất chấp tất cả và sẵn sàng làm liều, dùng chung bơm kim tiêm nếu không có sẵn. Khi họ lên cơn nghiện thì mọi lời khuyên của tuyên truyền viên đồng đẳng đều trở nên vô nghĩa. Ðó là chưa kể tới chuyện mình đi vận động lại bị họ "vận động lại", rủ rê cùng chích, nếu không có bản lĩnh sẽ rất dễ sa ngã. Anh kể: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian tham gia tuyên truyền viên đồng đẳng là tuyên truyền, vận động một người nhiễm HIV nhưng vẫn nghiện chích ma túy. Ðể thuyết phục được,  tôi đã theo sát anh ta để tuyên truyền cách phòng tránh lây nhiễm sang  bạn nghiện. Có những lần lên cơn nghiện, trong túi không còn tiền để mua thuốc, anh ta đã uy hiếp tôi. Bằng những kinh nghiệm đã được tập huấn, bằng tấm chân tình và nhất là bằng bài học xương máu của chính bản thân, tôi đã thuyết phục được anh. Niềm tin vào cuộc sống, vào ngày mai trong anh đã chiến thắng. Và bây giờ anh đã là một trong những tuyên truyền viên đồng đẳng tích cực của huyện Quan Hóa.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân cho biết: Ðồng đẳng viên là nhóm hoạt động rất cần thiết của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Họ đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình với cộng đồng. Họ là những người từng qua một thời lầm lỡ, người nghiện ma túy, mại dâm, có người không may bị HIV, nhưng chính lời nói, câu chuyện, bài học thực tế của họ lại có sức thuyết phục.  Hiện nay, có khoảng 300 nghìn người  tham gia đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Những tuyên truyền viên này liên tục được đào tạo và đào tạo lại  hằng năm. Họ được cập nhật kiến thức và cung cấp một số phương tiện, tài liệu hỗ trợ nhằm phục vụ công tác tư vấn, can thiệp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.  Những bài học đắt giá từ chính cuộc đời họ đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Nếu không có sự quyết tâm, lòng nhiệt tình, các đồng đẳng viên sẽ khó bám trụ lâu dài với công tác xã hội này.