"Methadone giúp tôi làm lại cuộc đời"
Đều đặn hàng ngày tại Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, hơn 80 bệnh nhân đến uống methadone điều trị nghiện. 6-7 năm qua, anh K cũng như nhiều người khác, lựa chọn nghề nghiệp loanh quanh thành phố để đến uống thuốc đúng giờ.
11 năm trước, tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Điện Đồng Tháp, anh K. về công tác tại Bưu điện huyện Lấp Vò, lập gia đình. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ bỏ đi, buồn chán, nghe lời bạn bè rủ rê, anh bắt đầu thử ma túy. Chỉ 1 năm sau, anh trở thành “con nghiện”.
Số tiền sau khi cưới có vài trăm triệu, anh nướng dần vào ma túy, bỏ việc nhà nước, sống vất vưởng. “Khi chỉ còn vài triệu trong túi, tôi bắt đầu sợ không biết tới đây, mình làm gì có tiền để tiếp tục chơi. Dồn tí tiền mua xe ba gác chạy, tôi cũng đấu tranh mình phải cai nghiện bằng được”, anh K kể.
Một người bạn của anh dẫn tới Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất của thành phố. Nghe bác sĩ Nguyễn Tấn Minh, Trưởng Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tư vấn, anh bắt đầu uống những liều đầu tiên. “Lúc đầu uống khó chịu lắm, vật vã. Nhưng uống rồi, chơi lại ma túy không còn hưng phấn như xưa”, K kể.
Anh N.T.T (đường Nguyễn Sinh Sắc, phường 2, TP Sa Đéc) cũng có một thời thanh niên oanh liệt khi va vào ma túy từ 13 năm trước. Phê pha trong những liều chích heroin, anh T nhiều năm vật vờ, xin tiền nhà, trộm cắp. Cai nghiện nhiều lần không thành công, anh từng bị bắt vì sử dụng trái phép chất ma túy.
Một ngày đến trung tâm điều trị nghiện chất, anh T cũng gồng mình vượt qua những cảm giác ban đầu của phản ứng phụ với methadone. “Tôi ngủ li bì, chưa thích nghi với thuốc, cũng có lúc chán nản, va lại ma túy. Thấy nhiều bạn chung quanh chết vì HIV, mình tự nhủ phải quyết tâm làm lại cuộc đời”, T kể.
6 năm uống methadone, giờ anh T béo tốt hơn xưa. Mưu sinh bằng nghề lái xe thuê cho chủ, cuộc sống tốt hơn trước nhưng T bẽn lẽn bảo vẫn chưa dám lấy vợ vì chả ai theo và chưa có việc làm ổn định để nuôi vợ con.
Bệnh nhân uống thuốc methadone hàng ngày tại cơ sở điều trị. |
Còn rất trẻ, T.M.H (sinh năm 1994, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) nghe lời rủ rê của bạn bè xài thuốc từ năm 2012. Là con út, được chiều từ nhỏ, khi không thể xin xỏ được cha mẹ, H đi ăn trộm.
Uống methadone 2015 được 2 năm, nghe bạn rủ nhau vận chuyển ma túy kiếm tiền, H bị bắt đi tù 18 tháng. Năm 2019 ra tù, H lại xin đi điều trị methadone.
Nhưng cuộc sống xô đẩy, H lại phải chăm chị ốm nặng trên TP Hồ Chí Minh, bỏ điều trị. Và đương nhiên, trong thời gian ấy, H lại tái nghiện, bằng tiền của chị gái.
Gặp H ở TP Sa Đéc cuối tháng 5, H bảo, em vừa về lại quê và xin đến uống methadone lại. “Lần này em quyết tâm cai nghiện, không theo lời bạn bè nữa”, H bảo.
Đồng hành với người nghiện ma túy làm lại cuộc đời
Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp hiện đang quản lý khoảng 84 bệnh nhân ở các địa bàn Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Sa Đéc và 1-2 bệnh nhân ở Bệnh viện Cao Lãnh.
Đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị methadone tại đây duy trì khá ổn định. Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc có 7 nhân sự, thực hiện công việc xác định tình trạng nghiện, điều trị methadone, các nhân viên y tế còn thêm nhiệm vụ điều trị dự phòng Prep.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Minh, Trưởng Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. |
Bác sĩ Nguyễn Tấn Minh, Trưởng Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện khoa duy trì điều trị dưới 90 bệnh nhân. Trong thời gian điều trị, cũng có trường hợp bệnh nhân tái nghiện lại, nhưng sau khi được điều trị methadone, bệnh nhân có tái hút chích không còn cảm giác hưng phấn như xưa.
“Chúng tôi thực hiện khám xét định kỳ cho bệnh nhân, khai thác các thông tin về khả năng thích ứng với liều thuốc điều trị, có bị hội chứng cai hay không để quyết định duy trì liều hay tăng, giảm cho người bệnh”, bác sĩ Minh cho hay.
Chia sẻ về kết quả điều trị, bác sĩ Minh cho biết, cai nghiện cho đối tượng nghiện ma túy bằng phương pháp mới là điều trị methadone tại đây tương đối tốt. Hiện có 1-2 bệnh nhân sau được điều trị giảm liều ổn định, được bác sĩ tư vấn ra chương trình nhưng vẫn còn băn khoăn.
“Đây là trường hợp cũng đã từng dừng thuốc, nhưng sau đó tái nghiện lại. Vì thế, dù lần này được kê liều điều trị gần như thấp nhất, rất ổn định, chúng tôi tư vấn cho họ ra khỏi chương trình nhưng họ chưa đồng ý vì tư tưởng chưa vững, sợ tái nghiện lại”, bác sĩ Minh cho hay.
Đồng Tháp hiện có 3 cơ sở điều trị methadone gồm: TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và huyện Thanh Bình với tổng số 149 người điều trị. Trong đó, Sa Đéc là địa bàn có nhiều bệnh nhân điều trị methadone nhất với 84 trường hợp.
So với chỉ tiêu Thủ tướng chính phủ giao cho tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là 100 bệnh nhân nhưng hiện tại đã điều trị cho 149 bệnh nhân đạt tỷ lệ 149%. Tỷ lệ đáp ứng điều trị là 100% trên tổng số bệnh nhân hiện tham gia điều trị.
"Việc triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại bằng thuốc điều trị thay thế methadone tại Đồng Tháp tuy muộn so với một số tỉnh bạn, nhưng đã và đang giúp người nghiện ma túy: từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình, làm người hướng thiện, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm", bác sĩ Tấn Minh cho hay.
Bệnh nhân ký nhận uống thuốc methadone hàng ngày. |
Tính đến 31/3/2024, toàn quốc có 48.847 bệnh nhân tham gia điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế tại 343 cơ sở điều trị và 302 cơ sở cấp phát thuốc tại 63 tỉnh/thành phố.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã đem lại hiệu quả: cải thiện sức khoẻ của người bệnh (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu; nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần), đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng (phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện ma túy); giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong những người tham gia điều trị methadone.
Nhiều thách thức trong điều trị methadone tại Đồng Tháp
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 2.500 người nghiện các chất gây nghiện quản lý được (chủ yếu là loại ma túy tổng hợp, số sử dụng heroin rất thấp). Một số bệnh nhân sử dụng đồng thời 2 loại ma túy là heroin và ma túy đá, xu hướng này đang tăng nhanh.
Đến nay, một số người sau khi cai nghiện một số đã có việc làm, tạm thời bảo đảm cuộc sống. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy trên địa bàn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều trường hợp đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đã cắt cơn nhưng đã tái nghiện.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC Đồng Tháp) cho hay, nguyên nhân là do trong cộng đồng vẫn còn nặng về định kiến, thiếu tin tưởng nên không chấp nhận những người này. Bên cạnh đó, thị trường lao động việc làm dành cho người cai nghiện đang cạnh tranh gay gắt khiến họ càng khó tìm kiếm việc làm; bản thân người nghiện được cai nghiện vẫn chưa thoát được mặc cảm lỗi lầm quá khứ nên dễ tổn thương trước kỳ thị của cộng đồng dẫn đến hành vi lệch lạc.
Tình trạng thiếu nhân sự, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng là điều diễn ra tại nhiều cơ sở điều trị methadone.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp đề xuất chính sách cho cán bộ làm công tác điều trị methadone. |
Khoa tư vấn và điều trị nghiện chất, TP Sa Đéc có 7 nhân sự, một nhân sự đi học, một người nghỉ không lương, một cán bộ mới về chưa được đào tạo, trong khi nhiệm vụ phải kiêm nhiệm rất nhiều, đi làm cuối tuần và ngoài giờ nên công việc tại trung tâm có phần quá tải.
Cán bộ y tế làm việc tại cơ sở methdone phải làm ngoài giờ nhiều, môi trường làm việc phức tạp, nhiều áp lực, nguy hiểm và tiếp xúc với những bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như: Viêm gan Virus B,C, nhiễm HIV, lao và trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, Khoa vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa phân công nhân sự hỗ trợ đi chống dịch hàng ngày nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.
Dược sĩ Hồ Vũ Linh, Phòng Tư vấn và điều trị nghiện chất, Trung tâm Y tế TP Sa Đéc cho biết: “Theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP, bác sĩ điều trị tư vấn, xét nghiệm, được hưởng 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, nhưng nhân viên dược chỉ được hưởng 30%. Chúng tôi đều làm công tác chuyên môn trong môi trường độc hại như nhau, vì vậy rất thiệt thòi. Chúng tôi mong Bộ Y tế có đề xuất, điều chỉnh cho chúng tôi được hưởng chế độ xứng đáng với vị trí việc làm, để chúng tôi yên tâm làm việc”.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp đề xuất chính quyền đại phương nên quan tâm đề xuất thêm các hỗ trợ cho bệnh nhân nghiện, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xã hội trong đó tập trung vào đào tạo nghề và tạo việc làm, truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Sở Y tế xem xét, giải quyết về các chế độ chính sách cho viên chức và người lao làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh, cụ thể là chế độ phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ làm việc các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và lễ tết theo hướng thống nhất chung, giống nhau; các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị về Trung ương ban hành bổ sung các chế độ chính sách cho nhân viên làm việc tại các cơ điều trị Methadone.
Sở Y tế sớm mở thêm các cơ sở điều trị ở các huyện có số lượng bệnh nhân đông, có khoảng cách đi lại xa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị, thu hút thêm bệnh nhân mới tham gia điều trị.
Bộ Y tế tiếp tục triển khai Đề án duy trì và mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các CDTP. Tính đến ngày 30/1/2024, tổng số bệnh nhân được cấp phát thuốc methadone nhiều ngày khoảng 3.000 bệnh nhân tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Điện Biên: Lai Châu: Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An.