Dàn dựng vở “Bóng rối” của tác giả Vũ Hoàng Hoa, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh đã phối hợp Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chí Kiên để đưa loại hình nghệ thuật rối lên sân khấu kết hợp cùng kịch nói, mang lại những hiệu ứng ấn tượng về nội dung và ý nghĩa mong muốn chuyển tải đến người xem ở từng màn diễn.
Các loại hình rối bóng, rối mặt nạ, rối đen xuất hiện, trình diễn cùng các diễn viên của sân khấu kịch nói, là một phần tương tác, soi chiếu các nhân vật ở những góc nhìn khác nhau. Có khi đó là điểm mờ khuất tâm hồn, là phần bí ẩn thẳm sâu nhất, luôn vật vã, day dứt, là những khao khát vượt ra khỏi các định kiến, sự dè bỉu và chưa được chấp nhận từ sự nhìn nhận của xã hội, của người đời.
Sự kết hợp giữa diễn viên và những con rối là thể nghiệm mới mang lại hiệu ứng. |
Rối và người đã hòa quyện vào nhau trên sân khấu, là thể xác và cũng là tâm hồn của nhân vật, là mặt sáng và tối, là nỗi đau và niềm vui được giải tỏa.
Những lớp diễn dẫn dắt người xem đi qua trường đoạn cuộc đời, trở về quá khứ để soi tỏ hiện tại, thông qua các màn tạo hình đẹp mắt cùng vũ điệu hình thể khi trữ tình, sâu lắng, lúc cuồn cuộn, bùng nổ theo biến chuyển tâm lý cùng các nút thắt, xung đột kịch được đẩy lên cao trào và cởi bỏ mà ở đó có những vấn đề khó diễn tả, bộc lộ bằng lời thoại.
Câu chuyện kịch là hành trình trở lại quá khứ để lần giở sự thật. |
Câu chuyện kịch mở đầu trong bối cảnh nhân vật Kiên trở về nhà khi nhận tin bố qua đời đột ngột. Sự mơ hồ và bí ẩn dần được giải tỏa khi anh lần trở về những sự kiện trong quá khứ gia đình.
Những tuyến nhân vật được bóc tách như một lời giải thích về nguyên nhân các bi kịch, từ sự bao bọc, khắc nghiệt trong các quan điểm giáo dục xưa cũ chỉn chu, áp đặt, cho đến lối sống quá cởi mở, buông thả, thỏa mãn ích kỷ của cá nhân cùng sự cam chịu, đè nén các khao khát và không ai trong số họ hạnh phúc, được thỏa mãn, được sống như mình mong muốn. Khi đến một thời điểm, những ẩn khuất tâm lý cũng bật tung để mang lại không ít điều đáng tiếc.
Ấn tượng và cộng hưởng với diễn xuất của diễn viên và hình ảnh các con rối là thiết kế sân khấu với nhiều lớp màn luôn được lật giở trong từng cảnh diễn như từng lớp sự thật được tách mở, làm sáng rõ, có khi như màn sương mờ ẩn khuất, là những rối loạn khó phân biệt đúng-sai, đen- sáng cùng hiệu ứng âm thanh thổn thức từng nhịp tim đập hồi hộp, lo âu.
Vở diễn cho thấy những sự khác biệt, ẩn khuất trong mỗi cá nhân |
“Được sống là chính mình” đặt ra trong vở “Bóng rối” không chỉ khai thác câu chuyện về một cộng đồng, về vấn đề giới tính, về một hiện tại của xã hội hiện đại mà còn thể hiện các giá trị nhân văn.
Từ những tổn thương trong tâm lý, những khao khát, xu hướng có tính chất tự nhiên ở các cá nhân nhất định, sai lầm trong lối sống áp đặt của gia đình, sự nhìn nhận, quan niệm mang tính phân biệt của xã hội, nó đã trở thành bi kịch cho họ và cho chính gia đình họ.
Đó là cuộc đấu tranh giữa ranh giới mong manh của vô thức và ý thức, giữa nhận thức cá nhân và bổn phận trách nhiệm, nhưng cũng không kém phần phức tạp và khốc liệt ở mỗi người để được nhìn nhận và chấp nhận trong sự hiểu biết và bao dung.
Vở "Bóng rối" thể hiện những góc nhìn nhân văn, chia sẻ và bao dung. |
Với lối dàn dựng tinh tế, sự kết hợp nhuần nhuyễn và ấn tượng của hai loại hình kịch nghệ, phá cách những quy tắc sân khấu truyền thống, đạo diễn Tạ Tuấn Minh đã bóc tách, làm lộ rõ một phần những điều bí mật thẳm sâu được giấu kín, che đậy trong cuộc sống con người, cho thấy khả năng phân tích tâm lý, khắc họa tính cách nhân vật điêu luyện, để rồi mở ra những gợi mở, tháo gỡ đầy tình nhân ái về một vấn đề xã hội.