Hơn bảy năm qua, Bếp cơm từ thiện Mỹ Long do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long, TP Long Xuyên quản lý đã trở thành điểm đến quen thuộc của sinh viên, học sinh, người lao động, người bán vé số và những cảnh đời khó khăn khác.
Bếp ăn hoạt động sáu ngày trong tuần, chỉ nghỉ ngày chủ nhật, mở cửa từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Mỗi ngày, bếp ăn phục vụ từ 800-1.200 suất cơm ăn tại chỗ và mang về.
Bếp ăn phục vụ miễn phí nhưng không vì thế những đầu bếp phục vụ sơ sài, mà nấu nướng luôn chu đáo, thực đơn tuy nấu món chay nhưng luôn thay đổi giúp người ăn ngon miệng từ các món canh, xào và món kho. Trước đây, người tới ngồi ăn tại bếp hay mang cơm về nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19, bếp ăn cho cơm, canh, đồ xào… vào bọc để người nghèo mang về nhà ăn.
Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người tới nhận cơm về cũng rất ý thức, không tụ tập đông người, đứng giãn cách nhau, tuần tự nhận cơm mang về. Những người đến bếp ăn đều là người nghèo: làm bảo vệ, xe ôm, bán vé số, thợ hồ, người neo đơn… Có người đến lấy phần ăn của mình xong còn nhận lãnh thêm mấy phần giùm người khác do không có điều kiện đi lại bởi bệnh hay bị tật nguyền đi lại khó khăn.
Bà Châu Thị Hai, 65 tuổi, tạm trú ở phường Mỹ Long bán vé số bộc bạch: “Mấy ngày nay các hàng quán thực hiện phòng chống dịch, mỗi quán không quá 20 người nên không bán được vé số nhiều như trước đây. Vé số ế, người bán cũng giảm thu nhập theo, cũng may có nhiều bếp ăn tình thương như này nên người nghèo như chúng tôi mỗi ngày tiết kiệm được vài chục nghìn đồng, số tiền đó rất lớn đối với người nghèo”.
Bên cạnh việc phục vụ miễn phí ăn trưa cho người đến nhận, các thành viên của bếp ăn còn tổ chức phát cơm lưu động đến những người tàn tật, người già neo đơn đi lại khó khăn ở khu vực chợ Long Xuyên.
Qua bảy năm hoạt động, bếp ăn đã phục vụ hàng trăm nghìn suất cơm cho sinh viên, học sinh, người lao động, người nghèo. Ông Hồ Mong Thọ - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo phường Mỹ Long kiêm quản lý bếp ăn chia sẻ, để hoạt động dài lâu như vậy, hằng ngày, bếp ăn đã nhận được sự hỗ trợ của tập thể, các nhà hảo tâm, cá nhân đã ủng hộ từ vật chất đến tinh thần, nơi thì cho gạo, chỗ thì cho rau củ quả… nhờ thế bếp ăn luôn đỏ lửa.
Các đầu bếp của bếp ăn đều trải qua khóa học nấu ăn và được cấp giấy chứng nhận. Tại bếp ăn có 10 tổ nấu, mỗi tổ từ 10-15 thành viên, luân phiên nhau nấu ăn. Ai cũng cố gắng hết sức để phục vụ cho người nghèo có bữa cơm ấm lòng trong mùa dịch này. Nói như lời tâm tình của những người nghèo tới nhận phần cơm: “Nhờ có mấy bếp ăn mà người nghèo bớt lo tiền ăn uống, cảm ơn lắm”.