Người dân Hà Nội luôn tự hào với truyền thống của nhiều phong trào thi đua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu như phong trào "Ba sẵn sàng" đã động viên lớp lớp thanh niên với "Chiếc gậy Trường Sơn" lên đường đánh Mỹ, "Ba đảm đang" khởi nguồn ở quê hương người phụ nữ Ðan Phượng và phong trào "Người tốt, việc tốt" là nòng cốt của phong trào thi đua của Thủ đô từ năm 1992 đến nay.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của các phong trào thi đua trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, những năm gần đây TP Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều phong trào thi đua mang nét đặc thù gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" lan tỏa trong tất cả tầng lớp dân cư thành phố. Phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô chính thức phát động năm 1992 và được thành phố coi đây là phong trào trọng tâm, quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đổi mới. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nội dung ngày càng thiết thực hơn, gắn với nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội. Phong trào tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày càng đông đảo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 1992 - năm đầu tiên phát động phong trào có hơn 2.000 đơn vị hưởng ứng, đến năm 1996, phong trào có gần 5.000 đơn vị trên địa bàn tham gia. Ðến nay, 100% số đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phong trào Người tốt, việc tốt. Ðặc biệt, việc tổ chức phong trào Người tốt, việc tốt của Thủ đô đã được các bộ, ban, ngành Trung ương trên địa bàn nhiệt liệt hưởng ứng, một số tỉnh, thành phố bạn nghiên cứu, học tập cách làm và tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị mình.
Ngoài việc chỉ đạo các cơ quan báo chí của thành phố tăng cường giới thiệu những tấm gương "Người tốt, việc tốt", hằng năm thành phố đều đặn xuất bản tập sách "Những bông hoa đẹp". Riêng năm 2013, xuất bản ấn phẩm "Hà Nội - 65 năm thi đua yêu nước" nhằm biểu dương, đánh giá đầy đủ các phong trào thi đua tiêu biểu, các gương người tốt, việc tốt, điển hình trong đời sống xã hội thành phố 65 năm qua.
Phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai, nhân rộng với nhiều hình thức đa dạng phong phú.
Sau hai năm thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả tích cực. Ðã có 12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí; 62 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 13 tiêu chí... Ðồng thời hưởng ứng phong trào do thành phố phát động đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký ủng hộ hơn 550 tỷ đồng đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình đã hiến hàng trăm m2 đất làm đường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ năng suất thấp lên năng suất cao, nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình, họ tộc, hương ước làng, bản và cộng đồng được kế thừa, phát triển.
Phong trào thi đua đạt danh hiệu "Nhà doanh nghiệp Hà Nội giỏi", "Cúp Thăng Long", "Sáng kiến, sáng tạo", "Công nhân giỏi Thủ đô" trong các tầng lớp công nhân, lao động, doanh nhân, trí thức Thủ đô được thành phố phát động từ năm 2007. Với nội dung phù hợp, hình thức phong phú, phong trào đã thu hút đông đảo các cấp, các ngành tham gia và có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến hầu hết các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, tạo nên phong trào hành động cách mạng sôi nổi. Ðến nay, số công nhân, viên chức, lao động đạt danh hiệu sáng kiến, sáng tạo cấp cơ sở là 56.638 lượt cá nhân, cấp trên cơ sở là 4.101 lượt cá nhân, cấp thành phố 475 lượt cá nhân, với giá trị làm lợi hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2012, thành phố quyết định công nhận và cấp Bằng "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" cho 100 công nhân, giáo viên, kỹ sư với trên tổng số 167 đề tài, sáng kiến sáng tạo. Trong đó, 73 sáng kiến, giải pháp làm lợi gần 100 tỷ đồng, 27 đề tài khoa học công nghệ xuất sắc và sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào thực tế sản xuất, công tác mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Hằng năm, UBND thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu và sáng kiến sáng tạo Thủ đô nhân Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7), tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong các doanh nghiệp, doanh nhân, người sản xuất, lao động trực tiếp kể cả trong và ngoài nhà nước. Qua bảy kỳ tuyên dương "Công nhân giỏi Thủ đô", đã có hàng trăm nghìn công nhân giỏi các cấp được tôn vinh.
Có thể điểm thêm một số phong trào thi đua riêng, đặc thù của các cấp, các ngành như: phong trào thi đua xây dựng "Gia đình an toàn, thôn xóm an toàn, đơn vị an toàn không để xảy ra các vụ việc gây mất an toàn trật tự" của MTTQ các cấp; phong trào ba sạch "Sạch bếp - sạch nhà - sạch ngõ", "Ngày chủ nhật không túi ni-lông" của Hội Phụ nữ; phong trào "Tôi yêu Hà Nội" của tuổi trẻ Thủ đô; "Cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô Trung thành - Tận tụy - Kỷ cương - Sáng tạo vì Thủ đô bình yên" của Công an thành phố; "Cựu chiến binh Thủ đô giúp nhau xóa đói, giảm nghèo" của Cựu chiến binh thành phố; phong trào "Thi đua vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm"; "Nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn" của Hội Nông dân thành phố... Tuy nhiên, để công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến của thành phố tiếp tục phát triển, đem lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các danh hiệu thi đua đặc thù của ngành, cấp mình nhằm phát hiện những gương sáng tiêu biểu, xuất sắc để biểu dương vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10 hằng năm.
HOÀNG DUY KHANH
Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội