Những người “ra khỏi màn sương”

NDO - Có lẽ hiếm thấy một cuộc tọa đàm nào về bình đẳng giới lại thu hút đông đảo khán giả trẻ, đặc biệt là khán giả nữ, ngồi đến tận khi kết thúc vẫn nán lại tìm gặp diễn giả, đồng thời chia sẻ những câu chuyện của riêng mình về cơ hội tìm kiếm hạnh phúc trong hành trình đấu tranh cho giới của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Má Thị Di và mẹ Châu Thị Say chia sẻ tại tọa đàm.
Má Thị Di và mẹ Châu Thị Say chia sẻ tại tọa đàm.

Chương trình tọa đàm “Ra khỏi màn sương” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn phát triển Thịnh Vượng Việt Nam tổ chức, trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

Hai mẹ con chị Châu Thị Say và em Má Thị Di (thị trấn Sa Pa, Lào Cai) là hai vị khách mời đặc biệt của tọa đàm, không chỉ vì họ là những nhân vật chính trong bộ phim tài liệu nổi đình đám thời gian của của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm “Những đứa trẻ trong sương”, mà còn bởi những câu chuyện hết sức xúc động và truyền cảm hứng của họ.

Má Thị Di, cô bé bị “bắt vợ” khi mới 13 tuổi năm nào trong phim, nay đã 19 tuổi, có gia đình với người chồng 26 tuổi, cùng 1 em bé. Cô hiện tại còn đang làm khởi nghiệp với một cơ sở dệt truyền thống. Chồng của Di đã tốt nghiệp đại học, sinh ra trong gia đình có cả bố và ba anh em trai đều học đại học. Hạnh phúc mà cô có được là do những nỗ lực không mệt mỏi trong việc vượt ra khỏi những khuôn mẫu, định kiến về giới, về số phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của người phụ nữ vùng cao.

Di kể lại, năm đó Hà Lệ Diễm đến ghi hình ở nhà Di, và tình cờ bắt gặp vụ “bắt vợ” của Di. Năm đó Di mới 13 tuổi, anh bạn trai đến bắt Di làm vợ ở nơi khác, mới quen, và theo lời Di thì chưa hiểu nhau nhiều. Bố mẹ Di cũng là những người có tư tưởng khá mới, đã cho phép Di thỏa thuận với anh bạn là trong vòng 15-20 phút, nếu Di không đồng ý thì phải để Di trở về nhà.

Chỉ cần tìm được một người yêu thương, hiểu mình và cùng thực hiện ước mơ của mình.

Má Thị Di

Trong suốt thời gian Di bị kéo đi, vì điện thoại của em hết pin, nên mẹ và gia đình không thể liên lạc được với cô bé. Mẹ Di, chị Châu Thị Say đã rất lo lắng, chạy khắp xóm để tìm thông tin về người con trai đã kéo Di đi. Chỉ khi gặp được một người quen, có biết cả anh chàng này, biết Di an toàn và sắp về nhà, mẹ mới yên tâm. Mẹ Say cũng là một người dám thay đổi khi phải trải qua những giằng xé nội tâm giữa việc theo tục lệ truyền thống của dân tộc mình hay tôn trọng hạnh phúc và quyết định của con.

Khi đó, Di kể, cô chưa sẵn sàng để bước vào một hành trình mới: hành trình xây dựng gia đình, làm vợ. “Em chưa đủ tự tin và khả năng làm con dâu nhà người ta, vẫn muốn đi học. Em sợ khi đi học mà có chồng thì bạn bè sẽ xa lánh. Em thấy chưa đủ trưởng thành để xây dựng gia đình. Khi đó, mình phải tự tin, mạnh mẽ lên để tự cứu mình, cho nên em đã dứt khoát từ chối” - Di kể.

Thoát khỏi cuộc “bắt vợ” không mong muốn, Di trở về tiếp tục đi học, tìm cách thoát nghèo, và cuối cùng cũng đã tìm được hạnh phúc. “Em gặp chồng hiện tại, quen với nhau, thích nhau và em theo anh ấy về mà không cần phải bắt vợ” - Di chia sẻ.

Những người “ra khỏi màn sương” ảnh 1

Hai mẹ con chị Say và Di cùng các khách mời, đại biểu tại chương trình.

Phần thưởng xứng đáng của cô gái trẻ không chỉ là hạnh phúc của riêng mình, mà còn cả những thay đổi của những người trong bản khi chứng kiến những gì đã diễn ra đối với Di và gia đình: “Mọi người trong bản hâm mộ mẹ em được con gái dẫn đi khắp nơi, được bố yêu thương. Khi chứng kiến những thay đổi trong gia đình em như vậy, họ có mong muốn được vươn lên, thay đổi, muốn ra ngoài để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, để thấy còn nhiều điều rất tuyệt vời”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Má Thị Di. Tại cuộc tọa đàm, cả cử tọa ai nấy đều bất ngờ khi nghe câu chuyện của Mùa Thị Mai, một cô gái dân tộc Mông khác, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Bất ngờ vì bộ trang phục Mông lộng lẫy nổi bật của cô trong hội trường, và bất ngờ vì sự tự tin, mạnh dạn của cô khi mang đến câu chuyện của riêng mình.

Những người “ra khỏi màn sương” ảnh 2

Mùa Thị Mai chia sẻ tại chương trình. (Ảnh: MỸ HẠNH)

Mùa Thị Mai ở bản Tà Số (Mộc Châu, Sơn La), cũng là một cô gái mạnh mẽ, không muốn lập gia đình sớm và chôn vùi tương lai với vai người vợ, người mẹ từ khi còn quá trẻ. Từ năm học lớp 10, cô chỉ quan tâm đến việc đi học và thay đổi suy nghĩ về tập tục lạc hậu này. Đó là cả một hành trình dài và đầy khó khăn. Mai kể lại, khi đó một mình cô khác biệt với tất cả mọi người, và cũng đã nhận lại sự xa lánh, ghẻ lạnh bởi dám khác biệt. Đã có lúc cô rơi vào trạng thái trầm cảm bởi sự xa lánh này.

Nhưng Mùa Thị Mai vẫn còn rất may mắn so với người bạn của mình. Mai kể lại, một người bạn thân của cô đã bị bắt vợ, không thể phản kháng lại được và phải chịu chấp nhận từ bỏ tương lai của mình. Đó là một anh chàng mới quen trên mạng xã hội, bắt vợ theo kiểu “bắt cóc”, nhốt vào ô tô và chở đi, khiến cô gái không thể thoát được.

Những thân phận phụ nữ vùng cao, theo Mùa Thị Mai và Má Thị Di, nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình, trốn đi hoặc bị bán đi, nếu ở nhà cũng phải lao động nặng nhọc, không được học hành, trong khi chồng say xỉn... “Các bạn bằng tuổi em đều bị bắt đi lấy chồng, đi làm kiếm tiền. Họ không thể thực hiện được những ước mơ của mình. Có những bạn đã bỏ nhà đi…” - Má Thị Di chia sẻ.

Chính vì thế, thông điệp mà các cô gái mong muốn gửi đến tất cả mọi người, cũng chính là mơ ước của họ, đó là có tiếng nói cho phụ nữ dân tộc thiểu số, được yêu thương hơn, được thực hiện những gì mình mong muốn.

Đó cũng là mục tiêu mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang hướng tới, như bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội chia sẻ, với các dự án liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng cao, dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi nhận thức và cuộc sống của họ.

Với những cô gái như Má Thị Di, Mùa Thị Mai, họ là những người đã “ra khỏi màn sương” của những tập tục, rào cản vô hình đối với phụ nữ vùng cao, và đang tìm cơ hội kéo những phụ nữ khác ra khỏi màn sương này.

Dự án thành phần số 8:

Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4 nội dung can thiệp của dự án gồm:

- Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

- Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số.

- Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.