Sinh ra ở một huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn, Diễm cũng là một đứa trẻ trong sương. Mong ước lớn nhất của Diễm năm 16 tuổi là ra ngoài và ngắm nhìn thế giới: "Mình không muốn sinh ra ở một chỗ rồi mất đi cũng ở một chỗ". Năm 2023, cô trở thành nữ đạo diễn Việt Nam đầu tiên có phim tài liệu lọt đề cử Giải Oscar.

Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu dài đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách đề cử Oscar 2023.

Bộ phim được thực hiện bởi một nữ đạo diễn sinh năm 1992 - Hà Lệ Diễm. Giống như nhân vật của mình, Diễm là người dân tộc thiểu số.

Cô bấm máy Những đứa trẻ trong sương vào năm 2017 và hoàn thành cuối 2021. Bản nháp phim được quay trong 3 năm rưỡi. Dịch tiếng H'Mông sang tiếng Việt và tiếng Anh mất 4 tháng. Hậu kỳ, xem nháp, dựng thô mất hơn 6 tháng. Tiếp đó, phim được gửi hậu kỳ ở Thái Lan thêm 1 tháng rưỡi, hòa âm, chỉnh màu khoảng 2 tuần.

5 năm trời để đổi lấy một bộ phim 90 phút. Hà Lệ Diễm là đạo diễn và cũng là quay phim duy nhất của Những đứa trẻ trong sương.

“Cũng bình thường mà” - Diễm gẩy sợi mỳ trong bát vào lúc 2 giờ chiều rồi cười khúc khích. Đó là bữa trưa và cũng là buổi trả lời phỏng vấn của cô với báo chí.

PV: Diễm này, Những đứa trẻ trong sương là bộ phim kể về câu chuyện gì vậy?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Bộ phim kể về Di, cô bé người H’Mông 13 tuổi. Di sống ở SaPa, Lào Cai. Theo chân Di từ lúc còn là một bé gái cho tới khi trưởng thành, mình muốn kể về nỗi sợ hãi, sự cô đơn, lạc lõng khi một đứa trẻ phải lớn lên, về cách mà một tuổi thơ biến mất.

Mình gặp Di cũng rất tình cờ. Khi lên SaPa, mình được ở ghép với gia đình Di. Di rủ mình lên những sườn đồi cùng với các bạn. Di giống mình. Hồi mình bằng tuổi Di, mình cũng có các bạn. Nhưng đến hết lớp 9, các bạn đi lấy chồng hết. Đi đám cưới mình vừa ăn, vừa khóc. Mình không hiểu tại sao các bạn mình lại lấy chồng sớm như thế?

Tuổi thơ của Di sẽ trôi qua nhanh y hệt như tuổi thơ của mình. Vì vậy, mình muốn làm một bộ phim ghi lại những gì ngây thơ và trong trẻo nhất của tuổi thơ.

Hôm đó, mình hỏi Di:

-      Di ơi, chị có thể đi theo Di, quay Di cho tới khi Di lớn để hiểu là tại sao Di lớn được không?

-      Nhưng mà phim của chị có mang Di từ lúc Di lớn về lúc Di còn bé được không?

PV: Nhưng Những đứa trẻ trong sương có phải là một câu chuyện trong trẻo đâu? Tôi nhớ một khán giả còn thốt lên rằng: Quá nhiều bạo lực!

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Đúng là như vậy. Khi mới bắt đầu mình thấy tuổi thơ của Di trong veo. Nhưng khi Di lớn dần lên, những áp lực về giá trị truyền thống và hiện đại ập vào. Những áp lực đó khiến tuổi thơ biến mất.

Là người dân tộc thiểu số, Di có rất nhiều áp lực. Ngay cả việc đi học và thi bằng tiếng Việt đã là một áp lực. Vì Di lớn lên bằng tiếng H’Mông.

Năm 2018, mình chứng kiến cảnh Di bị kéo vợ. Đó là một cảnh bạo lực. Sự kiện này là một cột mốc đánh dấu việc Di trở thành một người phụ nữ từ một đứa trẻ. Di phải đóng vai một người phụ nữ trưởng thành. Em phải giải thích với mọi người là tại sao em chưa muốn lấy chồng? Tại sao em muốn đi học tiếp?

Trước đó, mình nghĩ tục kéo vợ chỉ là một câu chuyện cổ tích. Nhưng khi gặp Di, gặp chị em họ của Di - những người đã từng có trải nghiệm kéo vợ, hầu hết họ đều rất sợ. Tục kéo vợ là một cơn ác mộng.

PV: Tại sao Diễm lại đặt tên phim là Những đứa trẻ trong sương?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Cái tên này do Hiếu - cố vấn của mình nghĩ ra. Nhưng cái tên đó khiến mình nhớ tới nỗi sợ sương mù khi còn bé.

Mình sống trong một cái nhà đất nằm gọn trong rừng. Con đường đến trường rất bé và hẹp. Mùa đông đến, mình vừa bước ra khỏi nhà thì con đường đến trường cũng biến mất. Sương mù bao quanh nhà của mình. Mình cứ nghĩ trước mặt mình là một bức tường trắng mà không thể nào đi qua được. Ai mà biết phía trước có gì chứ? Mình nghỉ học tận 4, 5 ngày và nói dối bố mẹ: Con bị ốm.

Mình không dám nói là mình sợ sương mù.

Nhưng bố mẹ cứ bắt đi học lại, mình vẫn phải bước ra khỏi nhà. Mình lấy hết can đảm rồi bước và nhận ra rằng cứ đi về phía trước một tí thì đường sẽ rõ hơn một tí. Cứ đi như thế thì mình sẽ thấy con đường ở trước mặt.

PV: Liệu cảm giác đó có giống của Di không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Chắc cũng giống.

Mình hiểu cảm giác không biết phải làm gì cho tương lai của Di.

PV: Diễm có nhắc tới một ngôi nhà nhỏ ở trong rừng. Vậy Diễm đến từ đâu và lớn lên như thế nào vậy?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Mình sinh ra ở một ngôi làng rất nhỏ ở vùng núi, phía Bắc Việt Nam. Nhà mình ở cuối một thung lũng. Căn nhà đắp bằng đất, vách bằng nứa, mái bằng cọ. Khi nghỉ hè, không đi học thì 1, 2 tháng trời mình không nhìn thấy người lạ là chuyện bình thường. Đó là một cuộc sống hoàn toàn tách biệt, có phần giống như của Di.

PV: Di cũng là con gái, Diễm cũng là con gái. Có hoàn cảnh và xuất phát điểm tương tự, Diễm nghĩ gì về cuộc sống của các bé gái người dân tộc thiểu số?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Khi quay và sống cùng gia đình Di thì mình nhận thấy một điều đơn giản như thế này: Học bằng tiếng Việt chương trình rất nặng với một cô bé H’Mông. Mình nghĩ đó là khó khăn chung của những đứa bé như mình hay Di.

Có lúc là Di nói với mình là:

- Chị ơi, Di cảm giác là Di không học được đâu. Di cảm thấy là Di không làm được đâu.

- Xung quanh Di thì không có nhiều phụ nữ được đi xa, được học xa. Nhưng Di có thể nhìn vào chị, vào cô giáo của Di ấy. Vì bọn chị đã từng là trẻ con, bọn chị làm được, sao Di lại không làm được?

Rồi những đứa trẻ như Di phải đối mặt những rào cản về văn hoá, về kinh tế. Có thể là thiếu thốn. Có thể là đói kém.

Vào mùa đông, các em rất lạnh và đói. Ngay cả những trường nội trú được tài trợ, ăn vẫn không đủ no. Nhiều bạn vẫn nhịn bữa sáng để tới trường đi học.

Là người dân tộc thiểu số, giọng của các em sẽ bị hơi lơ lớ. Ra đường, các em lại bị kỳ thị tới mức xấu hổ và không muốn đi học nữa.

Kết hôn sớm ở một số vùng cũng là rào cản. Đấy, cứ những cái nho nhỏ như thế thôi.

PV: Những cái nho nhỏ đó có gây ra tác động nào lớn không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Có chứ, nhiều bạn nghỉ học mà.

PV: Lúc bắt đầu dự án này Diễm mới 25 tuổi. Có lẽ đó không phải là một điều dễ dàng. Vậy Diễm đã gặp những khó khăn gì?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Lúc bắt đầu làm thì mình không nghĩ xa đâu. Muốn làm phim ý thì hy vọng có phim là được rồi.

Hồi đấy là: Thiếu cái gì thì đi mượn cái đó. Không biết thứ gì thì hỏi cái đó. Thiếu máy quay thì đi mượn máy quay, thiếu chân máy thì đi mượn chân máy. Ai có cái gì là mình đi mượn hết.

Rồi tiền lên trên đó đi lại, ăn ở cũng không nhiều. Mình ở nhà Di, bố mẹ Di không lấy tiền. Bố Di còn bảo là:

-      Gạo thì nhà có sẵn rồi. Con lên đây muốn ăn cái gì thì tự mua, tự nấu thôi.

Thực ra có muốn ăn cũng không có gì để chọn. Xuống hàng tạp hoá thì chỉ có lạc với cá khô, hiếm hoi lắm thì mới có trứng. Hôm nào sang nhất thì có thịt lợn tươi. Nên những đồ ấy cũng chẳng tốn tiền đâu!

Tốn kém nhất là khoản hậu kỳ phim và dựng phim.

PV: 5 năm trời rong ruổi theo nhân vật rồi làm phim mà khó khăn của Diễm chỉ ngắn gọn vậy thôi sao?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Thế thôi.

Mình nghĩ, nếu lúc đó mà tập trung vào việc mình khổ sở thôi thì chẳng bao giờ làm được phim đâu. Thật! Mình chỉ tập trung vào việc làm phim. Có phim là hạnh phúc!

Mình còn nhớ khi tập xe đạp, bố mẹ mình dạy là: Mắt con nhìn vào đâu thì con sẽ đi vào đấy. Nếu cậu chỉ nhìn vào ổ voi, ổ gà ý thì thế nào cũng lao vào! Mình chỉ nhìn vào cái mà mình muốn mà thôi.

Hơn nữa, mình thấy khi chưa làm được gì mà cứ đòi hỏi cái này, cái kia sẽ rất khó. Mình làm bằng những gì mình có, cố gắng hết mình, cố gắng hết sức.Với mình, cứ chăm chỉ là có phim, chưa cần biết hay dở.

Cũng có lúc dựng phim mình rất hoang mang. Ý tưởng ban đầu là như vậy nhưng thực tế có làm được không? Mình sợ lắm.

Sợ nhưng vẫn phải làm vì phim thì đã quay mất hơn 3 năm rồi!

PV: Có ai nói là Diễm ngoan cố hay bướng bỉnh theo đuổi thứ gì đó chưa?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Bướng á? Bướng là do tính cách rồi.

Mình nhớ là vào năm mình 16 tuổi, bố mẹ treo một cái võng ở gốc cây trứng gà. Buổi tối mình hay ra đu võng rồi nhìn lên trời. Ở quê thì có rất nhiều sao, trăng. Bầu trời cứ lấp lánh ánh sáng ý. Mình thấy cuộc đời con người thật nhỏ bé. Ở một cuộc đời như thế, mình muốn đi để nhìn xem thế giới bên ngoài cái gì? Mình không muốn sinh ra ở một chỗ rồi mất đi cũng ở một chỗ.

Mà muốn đi ra bên ngoài phải làm gì? Phải đi học đại học. Học đại học rồi đi làm phim.

PV: Lúc ấy bắt đầu làm phim tài liệu Diễm có đặt ra kỳ vọng gì cho mình về nghề nghiệp hay thu nhập không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Nếu muốn thật giàu mình sẽ học những ngành nghề kiếm được tiền luôn. Nhưng việc có thể thoả mãn ý thích của mình lại là làm phim tài liệu.

Sau khi tốt nghiệp, mình đi làm với mức lương khá tốt. Nhưng mình thấy: Có nhiều tiền, mình cũng tiêu hết. Có ít tiền mình cũng tiêu bằng sạch. Ít tiền thì mình sống khổ hơn một tí thôi.

Sống ít tiền mà được đi làm phim thì thích hơn.

Mình sẽ được lắng nghe người khác, được hiểu và được sống trong thế giới của họ.

Khi được sống trong thế giới của mọi người mình cảm thấy như thể mình được sống thêm một cuộc đời khác.

Mình nhận ra là một bộ phim tài liệu thì luôn mang lại cơ hội để mọi người đối thoại với nhau. Mình luôn tìm thấy gì đó mới ngay cả khi đã xem lại đến lần thứ 3.

PV: Để làm đạo diễn phim tài liệu, Diễm thấy là nữ hay là nam thì dễ hơn?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Nữ thì dễ hơn chứ!

Khi các bạn nước ngoài hỏi, Việt Nam có nhiều nữ đạo diễn làm phim tài liệu không? Mình trả lời có thì các bạn ấy ngạc nhiên lắm. Tất nhiên nữ đạo diễn thì cũng có những khó khăn nhất định. Như mình là không đủ khoẻ để cầm một cái máy quay nặng 4 - 5 kg. Nhưng bù lại thì đạo diễn nữ lại rất chịu khó và tỉ mỉ.

Phụ nữ cũng thường dễ thể hiện tình cảm hơn đàn ông nên mọi người cũng thích nói chuyện cùng hơn. Đó là thế mạnh của phụ nữ khi làm phim tài liệu.

PV: Lọt top 15 đề cử Giải Oscar hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc nhất là một sự kiện chưa từng có tại Việt Nam. Diễm cảm thấy thế nào khi đứa con tinh thần của mình được bước ra thế giới?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Rất là vui và tự hào.

Những đứa trẻ trong sương được công chiếu lần đầu tiên tại Hà Lan chứ không phải Việt Nam. Có nhiều người thích. Có nhiều người không thích. Có người bị sốc. Có nhiều người xem xong thì bỏ đi luôn. Bởi phim quá bạo lực với cảm xúc của các bạn ấy.

Sau khi mang phim đi chiếu ở các liên hoan phim ở nước ngoài thì mình thấy là mình tự tin hơn một chút. Làm phim, quay phim: À mình đều có thể làm được.

Việc đưa hình ảnh phim Việt ra thị trường quốc tế cần nhiều sự đóng góp của rất nhiều nhà làm phim trong nước chứ không phải một cá nhân riêng lẻ. Khi ở Hà Lan, mình chỉ muốn bay ngay về Việt Nam.  Vì mình thấy rõ, ở Việt Nam mình có ích hơn. Mình muốn làm những việc nho nhỏ, muốn kể về những câu chuyện, những cuộc đời, những con người mà bình thường chẳng ai để ý tới.

Việc làm phim giúp mình trưởng thành về cả mặt con người và nghề nghiệp. Bởi mình được học từ cuộc sống xung quanh, học từ Di và gia đình của Di. Học để có thể tiếp tục làm phim mới.

Diễm của bây giờ thì đã làm được những thứ mà Diễm 16 tuổi mơ ước. Rồi mình đắt đầu nghĩ, Diễm của bây giờ sẽ mơ ước điều gì nhỉ?

  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh
  • Thực hiện: Thi Uyên