Những người nối nhịp cầu đưa kỷ vật liệt sĩ trở về

Trong số hơn một triệu liệt sĩ hy sinh ngoài mặt trận, có hàng chục nghìn liệt sĩ ra đi không để lại kỷ vật gì cho gia đình. Nhiều thân nhân liệt sĩ cũng không hay biết, có một nơi ở bên kia bán cầu vẫn lưu giữ một phần ký ức của các liệt sĩ. Cho đến một ngày, những ký ức thiêng liêng ấy được đánh thức và trở về bên gia đình sau nhiều nỗ lực của thế hệ hôm nay với tấm lòng tri ân người nằm xuống.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/3, anh Lâm Hồng Tiên đăng thông tin và hình ảnh cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số trên blog và facebook Kỷ vật kháng chiến.
Ngày 23/3, anh Lâm Hồng Tiên đăng thông tin và hình ảnh cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số trên blog và facebook Kỷ vật kháng chiến.

Ngày 25/3/2024, chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bất ngờ nhận được thông tin từ người cháu họ cho biết bản chụp cuốn sổ nhật ký của cha chị - liệt sĩ Nguyễn Quang Số, được đăng trên trang facebook của anh Lê Tiến Dũng, ở thành phố Vinh (Nghệ An), với nội dung tìm thân nhân liệt sĩ. Ngay sau đó, chị Hoa đã kết nối với anh Dũng để tìm hiểu. Và món quà vô giá của người cha thân yêu ra đi từ hơn nửa thế kỷ trước đã bất ngờ trở về bên mẹ con chị như một giấc mơ. Cầm trên tay hồ sơ di vật của người cha đã hy sinh cách đây 55 năm, chị Nguyễn Thị Hoa nghẹn ngào khóc. Những giọt nước mắt của nhớ thương, của nỗi đau hòa cùng niềm vui như chị được đón cha trở về sau bao năm lưu lạc.

Trước đó, anh Lâm Hồng Tiên, một người đam mê nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tìm thấy bản chụp cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số và những thông tin liên quan hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ trong kho tư liệu đồ sộ về chiến tranh Việt Nam được lưu trữ trên website của Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ.

Thông tin từ phía quân đội Mỹ cho biết: Sáng 26/2/1969, bộ đội đặc công Việt Nam tấn công góc Tây Bắc căn cứ Củ Chi (Đồng Dù), là căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ trú đóng. Phía Mỹ có 9 trực thăng CH47 bị phá hủy, 2 trực thăng hư hỏng. Có 31 bộ đội Việt Nam hy sinh. Sau trận đánh, tại một khu hầm ngầm ở phía đông nam căn cứ Đồng Dù, quân Mỹ thu giữ một số giấy tờ thể hiện phiên hiệu Tiểu đoàn 3 đặc công Miền. Cụ thể: Một sổ ghi chép, thời gian ghi từ 30/12/1967 đến 7/10/1968 của đồng chí Nguyễn Quang Số, tức Thanh Chương, quản lý đơn vị d3 B16 Đoàn 129 (tức Tiểu đoàn 3 Phòng đặc công Miền). Cuốn sổ ghi chép các thông tin từ khi đồng chí Số vào nam chiến đấu. Trang đầu cuốn sổ có ghi tiêu đề “Nhật ký chiến tranh-Tập I”, gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Ngày 23/3/2024, anh Tiên đăng những thông tin này cùng hình ảnh cuốn nhật ký trên blog và facebook Kỷ vật kháng chiến, đồng thời nhờ tình nguyện viên Lê Tiến Dũng ở Nghệ An hỗ trợ tìm giúp thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Được sự giúp đỡ của cán bộ chính sách ở địa phương, chỉ vài tiếng sau, anh Dũng đã tìm và liên hệ được với cháu của liệt sĩ...

Ngày 23/3/2024, anh Tiên đăng những thông tin này cùng hình ảnh cuốn nhật ký trên blog và facebook Kỷ vật kháng chiến, đồng thời nhờ tình nguyện viên Lê Tiến Dũng ở Nghệ An hỗ trợ tìm giúp thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Được sự giúp đỡ của cán bộ chính sách ở địa phương, chỉ vài tiếng sau, anh Dũng đã tìm và liên hệ được với cháu của liệt sĩ...

Chị Hoa xúc động như thể được gặp lại cha mình, những dòng nước mắt cứ thế tuôn trào trên các con chữ: “Hoa con! Hôm nay, Ba thấy cần phải tâm sự cùng con. Nếu như mai này thống nhất, Ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này - nó đã ở bên Ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt. Và nếu như Ba có hy sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong chiến đấu với quân thù) thì ban chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây con sẽ hiểu biết phần nào về Ba của con... 26 năm qua, kể từ ngày sinh, 15 năm qua kể từ ngày Ba đi, Ba đã sống rất mãnh liệt, Ba không hề quản ngại gian khổ bao giờ. Ba đã sống theo tâm hồn, ước mơ của Ba... dù có phải qua bao gian khổ, đắng cay...”.

Đó là những dòng tâm sự của liệt sĩ Nguyễn Quang Số gửi cho con gái, ngày 19/9/1968. Dù nhật ký được viết trong hoàn cảnh chiến tranh, đói khát, bom đạn bủa vây, cái chết cận kề, nhưng những nét chữ luôn ngay ngắn, thẳng hàng và đẹp đẽ. Có những trang nhật ký công tác, những lời thề quyết tâm đánh giặc, có những tâm sự nhớ thương người thân, có cả những trang thơ của Tố Hữu, Giang Nam, Thư gửi các cán bộ, chiến sĩ của Hồ Chủ tịch.

Chị Hoa cho biết, cuốn nhật ký này vô cùng quý giá với chị, bởi đó là tất cả những gì còn lại của cha. Từ những trang viết, chị mới biết được cha mình đã từng sống, chiến đấu dũng cảm và hy sinh thế nào. Chị kể, khi chị lên một tuổi thì cha đi bộ đội. Hình ảnh về người cha cao, đẹp, thông minh, học giỏi dần hiện lên trong những câu chuyện của mẹ, của ông bà kể. Dù đã có giấy gọi vào đại học nhưng ông vẫn gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Trong suốt 5 năm kể từ khi nhập ngũ cho đến lúc hy sinh, ông chỉ về thăm nhà được một lần. Ông hy sinh ngày 26/2/1969 nhưng đến năm 1971, gia đình mới nhận được giấy báo tử, ngoài ra không có di vật gì.

Anh Lâm Hồng Tiên cho biết, căn cứ vào các thông tin dữ liệu thu thập được, có thể xác định được liệt sĩ Nguyễn Quang Số hy sinh tại căn cứ Đồng Dù, hiện nay là căn cứ Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Cuốn sổ nhật ký bị lính Mỹ thu sau một ngày liệt sĩ hy sinh (27/2/1969) ở khu hầm ngầm ngoài căn cứ Đồng Dù vài km.

Đây có thể là manh mối để tìm mộ liệt sĩ.

Có những thứ tưởng chừng đã hóa vào cát bụi, không bao giờ gặp lại được bỗng một ngày trở về, mang đến niềm vui bất ngờ, là món quà tinh thần vô giá cho thân nhân liệt sĩ. Đến nay, anh Lâm Hồng Tiên đã tìm và trao lại hàng chục bản chụp hồ sơ liệt sĩ cho thân nhân. Trong đó, có bức thư thấm máu và cuốn sổ nhật ký ghi chung của liệt sĩ Trần Minh Tiến với người yêu - bà Vũ Lưu Liên; có lá đơn xin vào Đảng của liệt sĩ Hoàng Văn Hội viết trước khi hy sinh; có giấy tờ của liệt sĩ Phạm Năng An với những dòng chữ: “Nếu đang làm dở công tác mà không may tôi hy sinh - các đồng chí hãy báo cho gia đình tôi nhé...”. Dù chỉ là bản chụp những dòng chữ, ký ức của liệt sĩ, song đó cũng là cách để đưa những người liệt sĩ trở về đoàn tụ với gia đình sau hơn nửa thế kỷ hy sinh.

Dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh Tiên tìm được bản chụp giấy chứng minh của liệt sĩ Trần Đức Ngạn, quê Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình. Anh nhờ chị Nguyễn Thanh Thủy, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình tìm thân nhân và trực tiếp trao tặng gia đình liệt sĩ Trần Đức Ngạn. Sau khi nhờ chính quyền xác minh thông tin và kết nối với thân nhân liệt sĩ Trần Đức Ngạn, chị Thủy còn nhờ một nhóm bạn trẻ phục dựng bức ảnh chân dung liệt sĩ Trần Đức Ngạn để trao tặng gia đình.

Gần 1.500 bài thông tin về liệt sĩ mà anh Lâm Hồng Tiên đã tìm kiếm và đăng tải trên blog và trang facebook cá nhân trong suốt hơn 10 năm qua, trong đó có nhiều hồ sơ kỷ vật chiến tranh, nhiều tài liệu có tọa độ nơi an táng ban đầu của các liệt sĩ là nguồn thông tin quý giá trong việc tìm mộ liệt sĩ và tìm hiểu lịch sử.

Trong nhịp sống hiện đại, việc đi tìm những ký ức, di vật chiến tranh, kết nối với thân nhân liệt sĩ tưởng như không mấy người trẻ quan tâm. Nhưng với những gì anh Lâm Hồng Tiên, anh Lê Tiến Dũng, chị Nguyễn Thanh Thủy và nhiều người trẻ đang làm là những việc vô cùng ý nghĩa, không chỉ để tri ân những người nằm xuống mà còn để lưu giữ một phần lịch sử, minh chứng cho sự hy sinh, lòng dũng cảm của thế hệ ông cha...■