Một sáng cuối tháng 10, như thường lệ, bà Bùi Thị Vân trở dậy từ sớm. Sau khi dọn dẹp lại nhà cửa, người phụ nữ 79 tuổi lọng cọng kéo cửa, xách làn ra chợ làng Định Công. Hôm nay, bà sẽ trực tiếp vào bếp, chuẩn bị cho gia đình bữa ăn nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Biết chúng tôi tới để hỏi chuyện… ngày xưa, bà Vân bật cười, mắng: Các anh, chị cứ lẩn mẩn. Nói vậy, nhưng rất nhanh, bà lại dốc lòng chia sẻ về quãng đời bà gọi bằng cụm từ “chẳng thể nào lãng quên” của mình.
NỮ TÀI XẾ TRƯỜNG SƠN TUỔI ĐÔI MƯƠI
Trở lại lịch sử, khoảng thời gian 1966-1967, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền bắc. Không quân Hoa Kỳ dốc sức ngăn chặn các tuyến giao thông vận tải chi viện cho miền nam, đặc biệt ở trục vượt khẩu lên tây Trường Sơn.
Trước tình hình đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra Nghị Quyết “Củng cố lực lượng, dồn dịch số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm vào sâu các hướng chiến trường”; đồng thời đưa ra một quyết định táo bạo, có một không hai: Thành lập đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn để hỗ trợ các kho trạm, lực lượng cửa khẩu.
Ba năm trước thời điểm này, khi mới 16 tuổi, cô gái trẻ măng Bùi Thị Vân đã… trốn nhà, tình nguyện xin vào lực lượng thanh niên xung phong để được góp một phần sức trẻ cho Tổ quốc.
Biết chúng tôi tới hỏi chuyện… ngày xưa, bà Vân bật cười, mắng: Các anh, chị cứ lẩn mẩn. Nói vậy, nhưng rất nhanh, bà lại dốc lòng chia sẻ về quãng đời bà gọi bằng cụm từ “chẳng thể nào lãng quên” của mình. |
“Ngày ấy, chưa đủ điều kiện, tôi đã khai tăng thêm 2 tuổi để được lên đường. Tôi chỉ nghĩ mình không thể ngồi yên khi chiến trường đang ác liệt. Ngày rời nhà đi, cha mẹ tôi khóc hết nước mắt vì thương con còn bé quá”, bà Vân hồi tưởng.
Trong vài năm tiếp theo, cô gái nhỏ quê Xuân Thủy, Nam Định lăn lộn với việc làm đường, xây sân bay Yên Bái. Lần đầu tiên trong đời, Vân ý thức được hết sự khốc liệt của chiến tranh. Có những sớm thức dậy, trước mắt cô chỉ toàn là hố bom đen ngòm, lỗ chỗ và vẫn còn nghi ngút khói.
Năm 1968, chiến sự càng lúc càng leo thang. Quân đội Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay bắn phá các tuyến đường trọng điểm với ý đồ cắt đứt huyết mạch chi viện cho miền nam. Thời gian này, bà Vân đã tình nguyện chuyển sang bộ đội để tiếp tục cống hiến.
“Trên đường hành quân đến Quảng Bình, đúng lúc Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong khỏe mạnh, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Tôi may mắn được Binh trạm 12 tuyển chọn, đồng thời cũng đúng với nguyện vọng mong muốn của tôi khi ấy”, bà Vân nhớ lại.
Bà Bùi Thị Vân hồi tưởng lại những ký ức xưa. |
Cuối năm đó, Vân cùng gần chục nữ đồng đội khác, khoác balo, leo lên thùng xe tải chạy về miền trung để chuẩn bị cho ngày vào tuyến lửa. Trên xe, họ vẫn không ngừng hát…
“Khi ấy, chúng tôi đều còn rất trẻ, có biết sợ là gì đâu, chỉ muốn được đóng góp cho Tổ quốc. Bởi vậy, nên vào chiến trường thật mà ai cũng vui như Tết”…
Một khóa huấn luyện cấp tốc kéo dài 45 ngày được tiến hành ngay sau đó. Mỗi buổi tập, những nữ tân binh sẽ có một người kèm. Những cô gái vốn chỉ quen với mở đường, lấp hố bom nay được “đặt lên” khoang cabin chật hẹp, nồng mùi xăng dầu. Các cô cũng phải làm quen với chiếc vô-lăng nặng trịch, thi thoảng lại muốn kéo ngược tay vần mỗi khi vào khúc cua khó. Đường lái lổm ngổm đá, đất bị bom cày xới, mấp mô như một thửa ruộng vỡ đất sâu sau vụ mùa. Nhiều khi, bước từ cabin xuống, vạt lưng áo loang lổ ướt.
Cực nhất phải kể đến việc “làm chủ” những chiếc động cơ khổng lồ. Do quá gày và nhỏ, bà Vân đã nghĩ ra cách kê một chiếc chăn dưới ghế ngồi cho đủ độ cao. Thế nhưng, bà vẫn lọt thỏm trên ghế lái. Cái khó ló cái khôn, cô gái gốc Nam Định lại “ôm theo” một can rỗng 20 lít… chèn sau lưng để đẩy người lên cho tay vừa khít với… cữ vô-lăng.
45 cô gái trong Trung đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng. (Ảnh: Tư liệu) |
Sau vài ngày “đánh vật”, bà Vân sau cùng cũng làm chủ được chiếc xe khổng lồ, khi cả hai tay đã tê rần vì mỏi. Các nữ đồng đội cũng sẵn sàng vào ga, chuẩn bị cho ngày ra mặt trận. Vân, khi ấy đã là đảng viên, lại có vóc dáng nhanh nhẹn nên được giao làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, phụ trách 5 xe GAZ 51 và GAZ 69 huyền thoại.
Ngày 18/12/1968, tại xã Hưng Phổ, Hương Khê, Hà Tĩnh, Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh chính thức ra đời với 45 cô gái miền Bắc đang căng tràn thanh xuân. Nhiệm vụ chính của Trung đội là chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền nam ra bắc an dưỡng, học tập. Có những lúc do yêu cầu nhiệm vụ, đội lái xe ấy còn phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.
Kể đến đây, bà Vân bỗng lặng phắc. Rồi bà lọng cọng tìm lại quyển sổ ghi danh sách đồng đội năm nào.
“Em út của chúng tôi là cô Xuân [Đặng Thị Như Xuân-PV] khi ấy mới 18 tuổi. Lớn nhất là chị Phóng [Nguyễn Thị Phóng - PV] cũng mới chỉ 23 tuổi. Thoáng cái, đã gần 50 năm rồi”…
NHỮNG NHÀNH HOA RỪNG TRÊN CABIN CHIẾC GAZ
Một tối mùa đông năm 1968. Miền trung đang vào độ cuối năm. Từ chiều, Vân đã nhận được lệnh, hôm nay, Trung đội cô sẽ đi chuyến đầu tiên sau ngày huấn luyện. Lòng cô nóng như lửa đốt. Vậy là cũng tới ngày ra trận. Sau khi nai nịt gọn gàng, trước khi trèo lên cabin, chị em dặn nhau phải bảo trọng rồi… ngồi im chờ đợi. “Dù đã chuẩn bị rồi, nhưng trong chuyến đầu tiên, chúng tôi vẫn sợ”, bà Vân vừa xiết chặt bàn tay gầy guộc, vừa nhớ lại.
Đúng tới giờ chỉ định, đoàn xe chầm chậm rùng rình. Để bảo đảm an toàn, Trung đội nữ được bố trí đi ở giữa đội hình, phía trước và sau đều có xe của các nam đồng nghiệp yểm trợ. Đoàn xe lặng im hướng về phía Vĩ tuyến 17 mà chạy. Ánh sáng duy nhất là ngọn đèn rùa dưới gầm hắt về phía trước một khoảng nhỏ mờ tỏ như trăng treo. Không ít chị em, vừa bật khóc, vừa cố ghì chặt đôi bàn tay đã rịn đầy mồ hôi vào vô-lăng, rướn mặt vào tấm kính xe GAZ để bám theo xe đồng đội.
Bà Vân bên trước GAZ huyền thoại của mình. (Ảnh: NVCC) |
“Được 1, 2 chuyến như thế thì bắt đầu quen”, bà Vân nói, rồi tìm tòi một lúc trong đống ảnh kỷ vật để lấy ra cho được hình chiếc xe GAZ cho chúng tôi hình dung ra.
“Xe cao như này, nhưng vì yêu cầu, chỉ có một chiếc đèn gầm được bật, nhiều khi còn phải bọc giẻ bên ngoài để tránh địch phát hiện trong đêm. Chị em vừa lái, vừa dò đường tránh bom, tránh vực, vượt ngầm. Chạy lâu thì thành… phản xạ. Bom thả phía sau thì xe tôi chạy về phía trước, thả phía trước thì rẽ sang đường khác. Những đoạn xe chạy sát mé vực thì phải căn rất kỹ vì chỉ cần lơ là thì cả người, cả xe sẽ gặp nạn”.
Lái xe đường Trường Sơn, không ai không biết tự sửa xe. Nhưng “thợ lái nữ” lại đặc biệt sợ khi phải dừng giữa rừng thẳm để khắc phục sự cố. Thế nhưng, họ dần phải làm quen. Quen đến độ tay sần chai lên vì mỏ lết. Đến độ, ngày xuất ngũ về địa phương, bà Vân vì nhớ nhung mà… xin luôn bộ dụng cụ làm kỷ niệm…
Cũng bởi vì quen xe, quen gian khổ, nên chỉ vài tháng sau những chuyến đi đầu, Vân đã tự tin mang lên cabin những chùm hoa rừng, vòng bồ kết ngát hương treo lên phía trước cửa kính để… trang trí. Thi thoảng, vào đoạn đường bon, nhành hoa đong đưa như một thoáng bình yên đang lặng lẽ tỏa hương trong bom đạn.
Bức ảnh kỷ niệm về những ngày lái xe vượt đường Trường Sơn được treo trang trọng tại nhà bà Vân. |
Nhưng không phải tất cả đều lãng mạn như thế. Bà vân chùng giọng kể lại trải nghiệm “sống và chết chỉ cách nhau một lằn ranh” của mình. Đó là vào lần chở thương binh từ miền nam về Nghệ An, xe của bà gặp máy bay Mỹ. Lúc này, trên thùng xe, gần chục bộ đội ta vỗ ầm ầm vào thành chiếc GAZ 51: “Các cô chạy đi, bỏ xe chạy đi. Chúng tôi bị thương rồi, có chết cũng không sao!”.
“Lúc ấy, tôi vừa hoảng vừa thương, chỉ nghĩ anh em đã chiến đấu đến mất một phần xương máu, gửi lại một phần cơ thể ở chiến trường rồi, giờ phải cứu họ bằng mọi giá, sao có thể bỏ lại đồng đội được”, bà Vân run run.
Không còn nghĩ được nhiều, bà, tăng ga chạy vào một nhánh đường nhỏ; phía sau tiếng máy bay, tiếng nổ vẫn ầm ầm. May sao, lúc này có đoàn công binh gần đó phát hiện xe nên đã chạy tới, cõng thương binh vào nơi trú ẩn an toàn…
… VÀ CHUYẾN XE ĐỊNH MỆNH MỘT ĐỜI
- Vậy, bà nhớ gì nhất trong những ngày gian khổ xưa? – chúng tôi tò mò hỏi.
- Tôi nhớ chị em, đồng đội và những ngày chạy đêm giữa rừng. Cũng nhờ chuyến đi ấy, mà tôi gặp được ông chồng tôi bây giờ - nữ hoa khôi, người có bức chân dung được lấy làm ảnh bìa cho cuốn sách “Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn” sau này cười lành lẽ.
Đó là vào cuối năm 1970, 2 năm sau ngày Vân khoác màu áo “lính lái”. Bữa đó, Vân nhận lệnh đưa thương binh từ chiến trường về hậu phương điều trị. Trong chuyến đi “định mệnh một đời” này, bà gặp chàng trai Nguyễn Trần Đừng, quê Hà Nội. Đừng bị thương nặng ở chân, không thể đi lại được nên cô tài xế nhỏ đã tình nguyện cõng và hỗ trợ anh di chuyển.
Hình ảnh cô hoa khôi của Trung đội nữ lái xe vượt Trường Sơn đã khiến chàng trai gốc Hà Nội rung động. Mối tình như ủ lửa qua thời gian, qua chiến chinh gian khổ... (Ảnh: NVCC) |
Trên xe, chàng trai gốc Hà Nội đã ngỏ ý xin địa chỉ hòm thư của Vân. Rồi, anh bắt đầu viết, những dòng từ tận tâm can, gửi cho người con gái can trường trên con đường mòn đầy lửa đạn.
“Chỉ gặp một lần trên chuyến xe mà cứ nhớ nhớ thương thương”.
“"Trong chiến tranh rất nhiều bom đạn nhưng không hề sợ. Chỉ khi đối diện với người mình yêu thì có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không nói ra được".
Nhận thư phương xa, nhen nhóm trong lòng Vân là một ngọn lửa ấm áp và lạ lẫm. Nhưng cũng giống như ánh trăng trong đêm rằm, giống ngọn gió trái mùa ràn rạt thổi trên vạt rừng khô Trường Sơn, cô rung động mà không dám nghĩ nhiều tới tương lai. 45 chị em trên ca-bin từng phải làm lễ truy điệu sống trước ngày ra trận, chẳng ai lường trước được điều gì. Mối tình cảm âm ỉ bị lèn thật sâu xuống, như trang nhật ký cũ kỹ nhét sâu tận đáy balo bộn bề.
“Hồi đó, quân đội có kỷ luật riêng. Chúng tôi phải thực hiện 3 khoan: Khoan yêu, yêu rồi thì khoan lấy; lấy rồi thì… khoan sinh con. Tôi chấp hành rất nghiêm. Mãi tới năm 1974, sau khi chứng kiến nhiều lần anh đạp xe mấy chục cây số tới đơn vị thăm, cảm động trước tình cảm, tôi mới nhận lời và tổ chức đám cưới”, bà Vân cười xòa kể.
Bức ảnh chung của cặp vợ chồng nên duyên từ chuyến xe định mệnh. (Ảnh: NVCC) |
Tình yêu nảy nở trên chuyến xe tải thương, ông bà đến với nhau và có tận 5 người con. Gần 50 năm sau, họ đều đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Hằng năm, Trung đội nữ huyền thoại năm nào lại tụ lại với nhau, ôn lại kỷ niệm cũ.
“Điều may mắn nhất là tất cả 45 chị em chúng tôi không ai tử trận. Dịp này, tôi chỉ mong tất cả chị em mạnh khỏe để chúng tôi còn có dịp gặp nhau nhiều hơn nữa”, bà Vân bày tỏ.
Phía ngoài đường, những gánh hoa Tháng Mười đang bày bán dọc đường làng Định Công Hạ đang lặng lẽ tỏa hương…
Nói về các chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cảm nhận: “Gặp chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, tôi liên tưởng đến các nữ vệ quốc của Liên Xô, các nữ phi công Liên Xô chống phát xít Đức. Tôi thấy tự hào về phụ nữ Việt Nam”.
Năm 1970, trung đội nữ lái xe được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 28 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, nhiều người là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền.