Kịp thời hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất

Bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tỉnh Yên Bái, làm thiệt hại hơn 3.097 ha lúa, hơn 929 ha ngô, 681 ha rau, 429 công trình thủy lợi bị hư hỏng... Việc cấp bách lúc này là cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, động viên nông dân sớm chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, kịp thời khôi phục sản xuất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) trồng ngô trên đất hai vụ lúa.
Nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái) trồng ngô trên đất hai vụ lúa.

Tại huyện Trấn Yên, bão số 3 khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại gần 400 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập và sinh kế của nông dân, cần thiết phải khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp, nhất là khôi phục những vùng sản xuất trọng điểm, cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện gồm cây dâu, sản xuất lương thực có hạt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Trần Ngọc Thư cho biết, với vùng dâu nuôi tằm gần 1.000 ha, ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã chỉ đạo khơi thông dòng chảy, đào rãnh để thoát nước nhanh, hạn chế cây dâu bị ngâm nước gây thối thân, thối rễ; tuốt bỏ phần lá bị bám nhiều bùn, bấm ngọn, vệ sinh ruộng dâu, tỉa cành tăm, cành bị gãy, khử trùng nhà tằm, chuẩn bị giống để nuôi tằm những lứa cuối vụ năm 2024 đối với vùng tận dụng lá dâu.

Với những diện tích lúa, màu bị thiệt hại không thể khắc phục được, kịp thời chuyển đổi gieo trồng ngô đông, rau màu các loại, thời vụ càng sớm càng tốt; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật làm ngô bầu để tranh thủ thời vụ trồng ngô đông, gieo trồng các loại rau ngắn ngày nhằm bù đắp thiệt hại.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Trấn Yên đã nhận hỗ trợ và chuyển ngay cho nông dân 784 kg ngô giống, tương đương với diện tích gieo trồng 738 ha; 253 tấn phân bón; 30.250 con gà giống... kịp thời giúp người dân tái thiết sau lũ bão.

Thành phố Yên Bái có Hợp tác xã Rau an toàn Tuy Lộc, với 40 hộ trồng rau an toàn trên diện tích 4,5 ha, chuyên cung cấp các loại rau xanh cho 15 bếp ăn tập thể thuộc các cơ quan, công ty, trường học và chợ đầu mối Yên Bái. Mỗi vụ rau cung cấp ra thị trường 70 tấn rau xanh các loại, lợi nhuận đạt khoảng 350 triệu đồng/vụ.

Lũ dâng cao trong bốn ngày làm vụ rau bị mất trắng, diện tích giàn làm bằng thép để trồng mướp, bầu, bí, su su với diện tích hơn 1,3 ha bị đổ gãy, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Theo đánh giá, nếu cải tạo, khôi phục lại được việc trồng cấy trên đồng ruộng thì cũng phải ba tháng nữa, nông dân mới bắt đầu có thu nhập. Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, do nằm sát sông Hồng, cho nên khi nước lũ tràn về đã khiến hầu hết diện tích lúa và hoa màu của xã bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn.

Sau khi nước rút để lại lượng bùn đất, phù sa rất dày trên đồng ruộng, hiện ruộng đã cao hơn hệ thống kênh mương nội đồng. Trước mắt, xã hướng dẫn người dân có diện tích sản xuất không bị ngập sâu, ít bùn, độ ẩm đất không cao, thì vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy, khẩn trương làm đất, tranh thủ trồng các loại rau ngắn ngày, cây gia vị, cây ưa nước.

Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, không thể khắc phục ngay, thì cày lật đất phơi ải, để hạn chế mầm bệnh tồn dư trong đất, giúp đất tơi xốp, chuẩn bị sẵn sàng gieo trồng vụ xuân 2025.

Tại xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, ngay sau khi nước rút, ngoài việc vệ sinh môi trường, xã chỉ đạo khôi phục diện tích lúa, ngô bị ảnh hưởng. Đối với cây dâu, xã khuyến cáo người dân ngắt bỏ lá, không thu hái lá ở các ruộng dâu bị ngập nước cho tằm ăn, hướng dẫn các hộ nuôi tằm áp dụng biện pháp sử dụng đường gluco pha nước để phun lên lá dâu cho tằm ăn, hạn chế tỷ lệ tằm chết, không đốn bỏ thân cây ở thời điểm hiện tại, chăm sóc cho cây phục hồi giữ lại phần cành để tạo nguồn hom giống nhân rộng tại địa phương. Đối với những diện tích đất lúa, ngô bị thiệt hại do ngập lụt, bồi lấp, ngay lập tức xử lý đất đúng kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng cây dâu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Phạm Trung Kiên cho biết, ngay sau bão đi qua, huyện thành lập chín tổ công tác xuống cơ sở kiểm tra, thống kê số thiệt hại trên tất cả lĩnh vực cũng như hộ gia đình.

Huyện huy động hơn 20 nghìn người từ các lực lượng tập trung xuống các thôn bản để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Đối với những diện tích lúa không thể khôi phục, huyện đã yêu cầu các hộ dân tập trung xử lý, cải tạo đất để trồng cây vụ đông với chủ đạo là cây ngô, cây dâu và một số loại rau màu với phương châm không để đất trống. Đến nay, đã bổ sung 967 ha ngô trên đất hai vụ lúa và đất đồi, soi bãi để bù đắp sản lượng thiệt hại do mưa lũ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái Hoàng Hữu Độ đánh giá, hiện các địa phương tiếp tục rà soát nguồn dự phòng ngân sách, các nguồn vốn khác để hỗ trợ tối đa cho công tác khắc phục thiệt hại, bảo đảm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã có chính sách mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; khẩn trương khắc phục các công trình đê, hồ đập, xử lý sạt lở do bão lũ gây ra, bảo đảm nước tưới cho sản xuất; khắc phục khẩn cấp công trình bị vỡ tám đoạn tại huyện Trấn Yên xong trước ngày 31/12 tới.