Bảo vệ bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học

Bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu kết nối thông tin, hội nhập quốc tế đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đó cũng là nội dung chính của hội thảo về bảo vệ bản quyền do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giải pháp được đề cập tại hội thảo về bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Cục Bản quyền tác giả. (Ảnh LM)
Nhiều giải pháp được đề cập tại hội thảo về bản quyền trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Cục Bản quyền tác giả. (Ảnh LM)

Những vấn đề được tập trung thảo luận tại hội thảo bao gồm: Thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nhận diện tài sản trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, thực trạng quản lý, khai thác và bảo vệ các tài sản quyền tác giả, quyền liên quan; kinh nghiệm quốc tế và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.

Theo Tiến sĩ Trần Nguyên Cường, Trưởng khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trên thực tế, ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, vẫn còn tình trạng xâm phạm quyền tác giả, như: Sao chép trái phép khóa luận, luận văn, luận án… Những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ thể quyền tác giả mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục đại học đó.

Trong thời đại công nghệ số, việc vi phạm bản quyền tác giả được thực hiện dễ dàng, dưới những hình thức tinh vi, khó phát hiện, khó xử lý hơn. Thực tế này dẫn đến việc bảo hộ quyền tác giả trong đó có quyền sao chép tác phẩm ở các cơ sở giáo dục đại học ngày càng trở nên khó khăn. Để bảo đảm quyền tác giả được thực hiện đầy đủ, cần có giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhận thức của cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) dẫn ra thực trạng sao chép, chia sẻ trái phép tác phẩm âm nhạc trong các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu mà không có sự cho phép của tác giả. Nhiều giảng viên, sinh viên sử dụng các bài hát, bản nhạc nổi tiếng trong bài thuyết trình, hội thảo hoặc các hoạt động giáo dục mà không xem xét đến vấn đề bản quyền. Điều này vi phạm các nguyên tắc sử dụng hợp lý và ngoại lệ bản quyền. Ngoài ra, họ còn chia sẻ công khai trên mạng và nhiều trường hợp vi phạm các quy định về sao chép mà không nhận ra hành vi của mình là trái pháp luật.

Theo đại diện VCPMC, cần nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong hoạt động nghiên cứu, học tập và giảng dạy. Thí dụ, VCPMC đang là đơn vị tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn năm triệu tác giả âm nhạc trên thế giới.

Vì vậy, trong trường hợp các cơ sở giáo dục, nhà nghiên cứu, và tổ chức có nhu cầu sử dụng âm nhạc trong giảng dạy, học tập hoặc nghiên cứu, VCPMC sẽ cấp phép quyền sao chép, sử dụng tác phẩm âm nhạc bao gồm cả việc xuất bản sách, phát nhạc trong các lớp học, hội thảo, sự kiện học thuật, và chia sẻ tài liệu âm nhạc trong các khóa học trực tuyến... Điều này giúp các hoạt động đều tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, đại diện VCPMC nhấn mạnh, các tổ chức cần phối hợp các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tri thức một cách hợp pháp, cân bằng quyền lợi giữa tác giả và người sử dụng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giáo dục và nghiên cứu.

Về giải pháp cho các vấn đề bất cập nêu trên, Thạc sĩ Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật - Viện Phim Việt Nam đề xuất ba hướng triển khai thực hiện về pháp lý, công nghệ và tuyên truyền. Về mặt pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền tác giả; cập nhật, thực thi các luật về quyền tác giả để bảo vệ tác phẩm kỹ thuật số; tổ chức cần hỗ trợ tác giả trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm.

Giải pháp công nghệ cần sử dụng phần mềm quản lý quyền kỹ thuật số giúp kiểm soát việc sử dụng và phân phối các tác phẩm kỹ thuật số, bảo đảm rằng chỉ những người được cấp quyền mới có thể truy cập hoặc sử dụng tác phẩm. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain có thể được sử dụng để tạo ra các bản ghi không thể thay đổi về quyền tác giả, giúp theo dõi nguồn gốc của nội dung và xác minh quyền sở hữu. Ngoài ra cần áp dụng: Chữ ký số và mã hóa, công cụ và phần mềm phát hiện vi phạm bản quyền. Cuối cùng là nâng cao nhận thức, giáo dục ở các môi trường, trong đó điểm nhấn là giáo dục cộng đồng thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo tài liệu, tổ chức chiến dịch truyền thông…

Theo nhận định từ giới chuyên môn và của các đại biểu tại hội thảo, Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hộ cho các tác phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, xác định rõ ràng quyền sở hữu đối với tác phẩm do tổ chức và cá nhân tạo ra, cũng như ban hành hướng dẫn cụ thể về sử dụng hợp lý tác phẩm trong nghiên cứu khoa học.

Chỉ khi có một khung pháp lý chặt chẽ và linh hoạt, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học phát triển, khuyến khích sáng tạo và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của xã hội.