Những người gắn bó với rừng

Công việc giữ rừng rất gian nan, vất vả, lại thường đối mặt với hiểm nguy thế nhưng nhiều cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng, người dân tổ bảo vệ rừng thôn, bản ở Mường Phăng, Mường Chà luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi được bảo vệ các cánh rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà trên đường làm nhiệm vụ.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà trên đường làm nhiệm vụ.

Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề rừng, anh Lò Văn Chính cán bộ chuyên trách Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, vẫn luôn yêu rừng tha thiết. Anh Chính chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại xã Mường Phăng, thành phố Ðiện Biên Phủ (tỉnh Ðiện Biên) nên tuổi thơ anh gắn bó với các cánh rừng nơi này. Với anh Chính, rừng như là “ngôi nhà” thứ hai, cho anh cuộc sống ấm êm và cho cả những giấc ngủ an lành.

Năm 2011, được phân công về công tác tại Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, anh Chính vui mừng khôn xiết dẫu biết rằng, việc quản lý bảo vệ rừng Mường Phăng không thuận lợi như nơi khác. Anh Chính cho biết: Khu rừng đặc dụng Mường Phăng giáp ranh với nhiều khu vực dân cư đông đúc; nằm liền với khu sản xuất, đất canh tác của người dân, vì thế nhiều năm liền Mường Phăng luôn là “điểm nóng” của tình trạng chặt phá rừng. Là người địa phương, nắm rõ địa thế rừng, tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, anh Chính dành thời gian đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ rừng. Trước mỗi mùa làm nương, chẳng kể ngày nắng hay mưa, anh Chính đến từng điểm bản hướng dẫn người dân cách làm đường băng cản lửa, đốt nương chọn lúc không gió lớn để không làm cháy lan sang rừng.

Với nam giới, việc giữ rừng đã vất vả là vậy, song với phụ nữ thì việc giữ rừng còn khó hơn bội phần. Chị Ðiêu Thị Cương, cán bộ Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng là người có hơn 10 năm gắn bó với nghề rừng, chị Cương hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của nghề. Chị Cương chia sẻ: “Ðược phân công quản lý, bảo vệ hơn 200 ha rừng, mỗi tuần tôi cùng các cán bộ ban đi tuần tra rừng hai lần. Những khi trời mưa, đường rừng trơn trượt, rất nguy hiểm. Nhưng không vì thế mà tôi chùn bước”.

Chỉ cho chúng tôi những mũi khâu chi chít trên vai, cánh tay trái và dưới bàn chân phải, chị Cương nói: Ðây là “sản phẩm” của những chuyến đi tuần tra rừng đấy. Ðường trơn, dốc cao, cái xe máy nó không nghe theo điều khiển của mình, toàn làm mình ngã sõng soài trên đường. May là ngã nhiều nhưng có cây đỡ, không bị rơi xuống vực.

Cùng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, song việc tuần tra, quản lý bảo vệ rừng tại huyện Mường Chà với anh Lò Văn Hùng, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà (tỉnh Ðiện Biên) có nhiều khó khăn hơn. Anh Lò Văn Hùng cho biết: Ban được giao quản lý, bảo vệ hơn 12 nghìn ha rừng thuộc địa bàn 3 xã (Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài), đây đều là nơi có nhiều núi cao, địa hình chia cắt phức tạp, việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả, nhất là khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn bất ngờ... Người dân sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cho nên công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác của người dân nằm xen kẽ trong rừng nhiều nên tình trạng chặt phá, lợi dụng canh tác nương rẫy để mở rộng đất rất khó kiểm soát. Ðể bảo vệ diện tích rừng được giao, hằng tháng, cán bộ Ban phải lên kế hoạch chi tiết, phân công lịch tuần tra rừng cụ thể từng tuần. Có những chuyến tuần tra, anh Hùng cùng đồng nghiệp, người dân các xã phải đi cả tuần, ăn ngủ dựng lán luôn trong rừng. Về đêm, trời có mưa, lại thêm địa hình núi đá, trơn trượt nên các thành viên trong tổ luôn cẩn trọng. Tuy nhiên việc trượt ngã chảy máu, chấn thương là điều khó tránh khỏi.

Không chỉ có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, những năm qua ở khắp các bản vùng cao ở Mường Chà, thành phố Ðiện Biên Phủ còn có hàng nghìn người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số âm thầm góp sức bảo vệ rừng, như anh Lò Văn Thân ở bản Pom Cại, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà); anh Lò Văn Thắng, Lò Văn Hợp ở xã Mường Phăng; anh Cầm Văn Kiên ở xã Pá Khoang… Anh Lò Văn Thân, Trưởng bản kiêm Tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng bản Pom Cại, xã Mường Tùng cho biết: Nhận khoán, bảo vệ hơn 429 ha rừng, mỗi tháng bản đều tổ chức họp để lập kế hoạch, phân công 8 thành viên trong tổ bảo vệ rừng của bản luân phiên đi tuần tra rừng. Riêng vào mùa khô hoặc thời gian cao điểm mùa làm nương thì ít nhất hai người trong tổ thường xuyên đi tuần tại các địa bàn giáp ranh, khu vực đốt nương của bà con để kiểm tra, nhắc nhở, phát dọn thực bì cùng mọi người.

Nhờ công sức, tâm huyết của mỗi cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và những người dân suốt thời gian qua, cho nên mỗi năm Mường Chà, thành phố Ðiện Biên Phủ có thêm nhiều héc-ta rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt. Tỷ lệ che phủ rừng ở Mường Phăng luôn đạt 100%; diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà tăng từ 57,5% (năm 2021) lên 57,8% (tháng 4/2022). Nhờ rừng được bảo vệ tốt, mỗi năm ở hai địa bàn này có thêm hàng nghìn gia đình được hưởng dịch vụ môi trường rừng; người dân và chính quyền địa phương có thêm nguồn lực tuần tra, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.