Những năm tháng chung chiến hào

Những ngày này, Chính phủ, quân đội và nhân dân Cam-pu-chia tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm Ngày đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979 - 7-1-2019). Nhân dịp này, Đại tướng Niêng Phát, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia (trong ảnh) chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân (PV) về những tháng năm cùng chung chiến hào với Quân tình nguyện Việt Nam đánh đổ chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ, mang lại nền hòa bình lâu dài cho dân tộc Cam-pu-chia.

Những năm tháng chung chiến hào

- PV: Khi quân đội Khmer Đỏ phản bội dân tộc, chiếm quyền kiểm soát đất nước ngày 17-4-1975, nhân dân Cam-pu-chia đã phải chịu nỗi thống khổ ra sao, thưa Đại tướng?

- Đại tướng Niêng Phát: Quân Khmer Đỏ đã thực hiện nhiều hình thức đày đọa người dân như tra tấn, giết hại người vô tội. Hơn ba triệu người bị chúng tước đoạt mạng sống. Nhiều hình ảnh vẫn còn lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng tội ác Khmer Đỏ ở thủ đô Phnôm Pênh. Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu, sách báo viết về tội ác của chế độ diệt chủng.

Đầu những năm 1970, tôi học ở thủ đô Phnôm Pênh và sống trong vùng giải phóng. Khi Khmer Đỏ lên nắm quyền ngày 17-4-1975, tôi trở về quê và bị chính quyền Khmer Đỏ bắt ép lao động. Năm 1977, tôi bị giam trong một nhà tù gần biên giới Việt Nam. Khi thấy lính Pôn Pốt giết hại hàng nghìn tù nhân, tôi cùng một người bạn bị nhốt chung xà lim tìm cách vượt ngục. Sau ba ngày đêm băng rừng, cho đến một sáng sớm tôi thấy bộ đội Việt Nam đang chiến đấu tại khu vực giáp biên giới. Tôi chạy vào lãnh thổ Việt Nam và được các anh bộ đội chăm sóc, điều trị bệnh. Sau đó, tôi được gia nhập bộ đội đặc công, dưới sự chỉ huy của Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen, tham gia công cuộc giải phóng đất nước Cam-pu-chia.

- PV: Xin Đại tướng chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tham gia Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia trong thời kỳ đó?

- Đại tướng Niêng Phát: Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen là người lãnh đạo các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đấu tranh giải phóng đất nước. Tôi là một trong 12 chiến sĩ đặc công (gồm sáu chiến sĩ Cam-pu-chia và sáu chiến sĩ Việt Nam) hoạt động trong vùng kiểm soát của Khmer Đỏ. Chúng tôi đều quyết tâm và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Niềm tin về sự sống trong thời kỳ Khmer Đỏ là rất ít, nhưng chúng tôi đều ý thức rằng, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là một điều có ý nghĩa lớn lao. Do đó, chúng tôi đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng các bạn Việt Nam cho tới khi giành được chiến thắng ngày 7-1-1979.

Để có được ngày đó, chúng tôi đã trải qua muôn vàn khó khăn, không thể kể hết được. Các bạn Việt Nam cùng chúng tôi làm nhiệm vụ bí mật trong lòng địch. Chung một chiến hào, anh em đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động. Tiếc thay, khi đến sát thủ đô Phnôm Pênh, thì xảy ra đụng độ với quân Khmer Đỏ. Trong trận chiến đấu ấy, đội chúng tôi có bảy người hy sinh, trong đó có ba chiến sĩ Việt Nam.

- PV: Sự hy sinh của các chiến sĩ vì sự nghiệp giải phóng Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng là vô bờ bến, được thế giới công nhận. Vậy mà khi Việt Nam đưa Quân tình nguyện sang giúp Cam-pu-chia giải phóng đất nước, lại có ý kiến của nước ngoài cho rằng Việt Nam xâm lược. Ý kiến của Đại tướng về vấn đề này như thế nào?

- Đại tướng Niêng Phát: Ý kiến của nước ngoài là chuyện của nước ngoài, còn chúng tôi xác nhận là bộ đội Việt Nam lúc đó vào lãnh thổ Cam-pu-chia là theo lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, dưới sự chỉ huy của các nhà lãnh đạo Cam-pu-chia là Xăm-đéc Hêng Xom-rin, Xăm-đéc Chia Xim và Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Chúng ta phải hiểu rõ về chuyện này, vì quân đội Việt Nam không tự ý sang đất Cam-pu-chia.

Sau Ngày giải phóng 7-1-1979, Khmer Đỏ chưa tan rã hoàn toàn, cho nên bộ đội Việt Nam còn ở lại để giúp nhân dân và quân đội Cam-pu-chia giữ gìn thành quả chiến thắng, ngăn chặn chế độ tàn bạo quay trở lại. Đến năm 1989, bộ đội Việt Nam rút quân về nước. Chính phủ, nhân dân và quân đội Cam-pu-chia đã tổ chức trang trọng lễ tiễn Quân tình nguyện Việt Nam, tràn đầy tình cảm lưu luyến với người bạn đã kề vai sát cánh chung một chiến hào, chiến đấu mang lại hòa bình cho đất nước Cam-pu-chia. Ngày nay, Cam-pu-chia đang phát triển mạnh mẽ và là một quốc gia thành viên ASEAN, có mối quan hệ đoàn kết với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

- PV: Đại tướng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979?

- Đại tướng Niêng Phát: Toàn thể nhân dân Cam-pu-chia luôn ghi nhớ, coi ngày 7-1 là ngày sinh lần thứ hai của chính mình, Nhà nước lấy đó là ngày nghỉ lễ toàn quốc. Có ngày này là công lao của các nhà lãnh đạo và chiến sĩ Cam-pu-chia, trong đó có Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen, đồng thời có sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam giúp đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng, mở ra trang sử mới.

Như chúng ta đã biết, trong những chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Xen thường có các cuộc gặp thân mật những gia đình có người thân hy sinh và các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại Cam-pu-chia. Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen luôn nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên. Những điều ấy góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tướng!