Tọa đàm nằm trong kế hoạch xây dựng Bộ hồ sơ về 70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên Xô/LB Nga do Bộ Quốc phòng triển khai, nhằm khẳng định hiệu quả hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Liên Xô/LB Nga gắn với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Với sự tham gia của nhiều đại biểu là nhân chứng lịch sử cho mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, thủy chung, son sắt Việt Nam - Liên Xô/LB Nga, Tọa đàm đã làm rõ nét, sâu sắc hơn những thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm quý giá trong suốt 70 năm chiều dài quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua hai phần "Dấu ấn vinh quang" và "Tương lai rộng mở".
Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động Việt Nam, Anh hùng Liên Xô, khẳng định: Với tình quốc tế cao cả, tình yêu đất nước, con người Việt Nam, tình hữu nghị anh em sâu đậm, Liên Xô/LB Nga đã giúp chúng ta đào tạo rất nhiều phi công chiến đấu chất lượng cao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng hồi tưởng: "Huấn luyện phi công chiến đấu đối với chúng ta khi đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Không chỉ vì điều kiện cơ sở vật chất, mà thực tế thể trạng, thể lực con người Việt Nam thời bấy giờ chưa thể đáp ứng được các yêu cầu cần thiết".
"Tôi còn nhớ như in lúc chúng tôi vừa tốt nghiệp, sắp trở về Việt Nam để tham gia kháng chiến cứu nước, các thầy còn dặn đi dặn lại: "Ít kinh nghiệm bay thì khi chiến đấu nhớ phải thường xuyên quan sát 360 độ!" Câu nói mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc như người nhà", Anh hùng Phạm Tuân xúc động nói.
Là một trong những phi công tiêm kích SU-27 đầu tiên ở nước ta, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, chia sẻ: "Trên đời hiếm có mối quan hệ chí tình, chí nghĩa đến vậy. Quân dân hai nước gắn bó với nhau từ lúc hàn vi, khó khăn nhất, nay ngày càng khăng khít lạ lùng".
"Trong những giờ học bay ở Liên Xô, thầy giáo mắng chúng tôi rất nhiều, mắng tới mức tưởng như con cái trong nhà. Nhưng chính nhờ đó, chúng tôi mới có động lực cố gắng vượt mức để trau dồi, tiếp thu hiệu quả chương trình học, nhanh chóng trở về bảo vệ và xây dựng đất nước", Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể lại.
Sau này, trong một lần có cơ hội quay lại Belarus (Liên Xô cũ), Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã lập tức đến thăm người thầy dạy bay ngày ấy. "Gia đình thầy lúc này đã có hai con gái lớn, nhưng vẫn chung sống trong một căn hộ rộng chưa tới 60 m2, hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Vì thầy thẳng thắn từ chối, nên sau này tôi đã phải thông qua các con gái mới giúp được ông sửa nhà", Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói về tình cảm đặc biệt, như người thân trong gia đình ngày ấy.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ về những kết quả hợp tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trao đổi ngôn ngữ; tình cảm, sự tri ân của những cựu du học sinh Việt Nam tại Liên Xô/LB Nga; tiềm năng hợp tác đào tạo Việt Nam - LB Nga trên các lĩnh vực, đặc biệt là quân sự, quốc phòng.