Những kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

NDO -

Mỗi lần trả lời một người nào đó về quê quán của tôi là xã Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, như muốn để người ta rõ hơn là chắc chắn có một địa danh như thế thì tôi thường thêm vào là quê của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả bài hát "Xa khơi". Chỉ cần nói như thế thì làng quê tôi bỗng trở nên rõ ràng hơn vì những người thế hệ 7x trở về trước, có mấy ai là không biết bài hát “Xa khơi”.

Ảnh tác giả Nguyễn Thiện Nam chụp tại nhà nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
Ảnh tác giả Nguyễn Thiện Nam chụp tại nhà nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Tối 10/2, tôi nhận tin ông đã hôn mê qua một người em. Sáng 11/2, trên đường trở ra Hà Nội, tôi đã được báo ông mất lúc 9 giờ 7 phút. Thế là trái tim của một nhạc sĩ tài năng, người làm rạng danh quê hương tôi đã ngừng đập. Không thể gặp lại ông nữa rồi.

Những hồi ức từ thơ ấu

Từ bé, tôi đã nghe những người lớn trong làng tôi nói chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhưng tôi chưa để ý lắm. Tôi chỉ nhớ là khi tôi còn mới 4-5 tuổi (năm 1964-1965), những buổi chiếu phim ngoài Cửa Đền ở làng tôi, từ buổi chiều, đội chiếu bóng đã phát đi phát lại qua loa bài hát “Lời ca gửi noọng” với những câu hát “Xuân đã về tươi thắm noọng ơi, Xuân đã về tươi thắm noọng ời”.

Sau mới biết bài hát đó là của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, rồi cả bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” và “Xa khơi” nữa. Hồi tôi còn bé, mẹ tôi kể là vào những năm kháng chiến, mẹ tôi tham gia hoạt động thanh niên cứu quốc xã và huyện và được ông Nguyễn Tài Tuệ tập văn nghệ cho cả đội. Ông Tuệ đánh đàn măng-đô-lin. Anh Hiền thổi sáo.

Anh Hiền là cố PGS sinh học Nguyễn Như Hiền của Đại học Tổng hợp Hà Nội, người anh trong họ của tôi và là người bạn rất thân từ hồi nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, thời đó mọi người kể là, anh Tuệ thì gẩy đàn măng-đô-lin, anh Hiền thì thổi sáo. Hai người thường đi diễn với nhau trong phong trào văn nghệ ở quê nhà trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Riêng tôi thì tôi có những kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi tôi dạy tiếng Việt ở Trường đại học Y Dược Nha Phnom Penh còn ông là chuyên gia cho Nhạc viện Hoàng gia Campuchia vào năm 1989-1990.

Lần gặp đầu tiên

Tôi vẫn nhớ, hồi đó, tôi ở một mình tại khách sạn Bộ Y tế Campuchia. Một hôm tôi xuống đoàn chuyên gia đại học, nơi có nhiều giáo viên tiếng Việt của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đang dạy tại Trường đại học Tổng hợp Phnom Penh và Đại học Kinh tế Phnom Penh thì gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ở đó.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông. Ông đến đó chơi với mấy người quen. Sau khi biết tôi người cùng xã (tôi làng Đại Định, ông người làng Thượng Thọ) và có những người quen chung như GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Nguyễn Như Hiền, đồng thời còn dây mơ rễ má họ hàng và quan trọng hơn là nhà ông ở Phnom Penh lại khá gần nhà tôi, cách khoảng 700-800m thì ông thường xuyên qua chỗ tôi chơi.

Thường ăn trưa với nhau

Tôi nhớ là tôi chỉ đến chỗ ông vài lần còn ông đến nhà tôi tuần 3-4 lần vào buổi trưa. Ông và tôi thường ăn trưa tại nhà tôi. Thông thường, tôi đi dạy về lúc 11 giờ 15 phút thì ông đã ngồi ngay ngắn trên một chiếc ghế nhựa cứng màu xanh ngay cửa khách sạn tôi ở trên phố Monivong, nhìn ra đường.

Nhiều bữa tay ông xách toòng teng gói cơm bọc lá sen ông mua ở chợ đem về ăn chung với tôi. Nhiều bữa thì về tôi nấu. Vì chỗ tôi ở là một căn hộ nhiều phòng, có phòng khách và phòng ăn to và tôi nấu nướng khéo nên có nhiều hôm tôi xào nấu, còn ông tranh thủ tắm luôn ở nhà tôi. Vì ông là bạn thân với anh Hiền là anh bà con gần với tôi nên tôi xưng hô với ông bằng anh-em.

Có hôm tôi đang lúi húi trong bếp, còn ông cầm mấy cuốn “Tiếng Việt cho người Campuchia” (in roneo) của tôi lên đọc, sau ông cầm cuốn sách chạy vào bếp và nói với tôi: “Mình không ngờ, ung giỏi lắm. Không đùa đâu, mất sức lắm”. Tôi nói: “Thì học trò đông quá, hàng nghìn trò, không có sách nên em mới phải mày mò thôi ạ”.

Nhà ông từng bị Polpot ném mìn vào sân

Chuyện này xảy ra đúng tuần đầu tiên sau khi Quân đội Việt Nam rút toàn bộ khỏi Campuchia vào cuối tháng 9/1989. Tôi vẫn nhớ tối hôm đó, tôi đạp xe qua nhà ông nhưng không ghé vào mà đi thẳng xuống nhà ông bán cao trăn trên cùng trục đường.

Đang sắp đến nhà ông bán cao trăn thì bỗng nghe nhiều tiếng nổ liên tiếp phía sau, với nhiều ánh chớp lóe sáng, tôi vội rẽ ngay sang lối đoàn chuyên gia khoa Tiếng Việt và Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân và đêm đó tôi ngủ luôn tại chỗ thầy Đào Văn Hùng và thầy Vũ Thanh Tùng mà không dám về nữa.

Ngay lúc đó, xe tăng của quân đội chính phủ tràn ra chốt hết các vị trí trọng yếu trong thành phố. Sáng hôm sau thì biết Polpot ném vài chục quả mìn vào một số nhà hai bên đường, trong đó, sân nhà anh Tuệ bị hai quả và nhà ông bán cao trăn bị một quả. Nhưng không có thương vong.

Trưa hôm sau, anh sang nhà tôi và hai anh em cũng có lo lắng về tình hình của những ngày sắp tới, tuy nhiên, tình hình đã ngày càng tốt hơn.

Cùng hát “Xa khơi” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” tại một buổi uống bia

Một kỷ niệm nữa là một tối tôi đón anh Trịnh Kim là chuyên viên của Bộ Đại học và Trung học sang công tác ở Campuchia cùng anh Tùng giáo viên tiếng Việt lên chơi chỗ tôi, anh Tuệ cũng qua nhà tôi.

Tôi mời cả ba người sang nhà hàng ở tầng 1 Khách sạn trắng, (tiếng Khmer là Xon thạ kia xo) để uống bia. Anh Trịnh Kim vô cùng phấn khích vì bất ngờ được gặp tác giả "Xa khơi" ngay tại Phnom Penh và sau khi uống bia, 4 anh em chúng tôi gồm cả nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã cùng hát vang 2 bài hát Xa khơi và Tiếng hát giữa rừng Pác Bó.

Tôi nhớ là hồi ấy tôi nói, sau này về Hà Nội anh dạy cho em hát bài Xa khơi nha. Ông cười nói: "Muốn hát "Xa khơi" thì phải biết hát dân ca Nghệ Tĩnh". Tôi nói: "Em hát dân ca Nghệ Tĩnh được mà". Rồi tôi hò luôn cho ông nghe. Ông nói: “Chạ chạ, được được”.

Ông bất ngờ khi phát hiện ra khả năng tài chính của tôi

Mặc dù ông qua lại nhà tôi nhiều lần nhưng ông không nghĩ là tôi có khả năng “đánh quả” lớn. Hồi đó, anh chị em đi công tác ở Campuchia, ai cũng tranh thủ kết hợp mua bán thêm để cải thiện so với đồng lương 60 USD một tháng. Tuy nhiên, việc mua bán kết hợp thì cũng chỉ tương đối, giúp cải thiện phần nào. Chỉ có một số người có vốn, có kinh nghiệm, có một số điều kiện nữa thì mới có thể “đánh lớn”.

Tôi ngoài việc chăm chỉ chuyên môn thì cũng thuộc vào nhóm rất ít này và nhiều người có đồn đại về tôi. Một bữa, có lẽ ông đã nghe các giáo viên trong đoàn nói về “năng lực tài chính” lúc đó của tôi nên khi hai anh em vừa gặp nhau ở căn hộ của tôi vào buổi trưa thì ông nheo mắt cười, chỉ vào tôi và nói. “Gừi chạ, bựa ni tau mì biết, có thằng Đại Định, ghê gớm thật” (úi giời ơi, hôm nay tao mới biết).

Và ông vừa nheo mắt cười vừa chỉ vào tôi và nói tiếp: “Gừi chạ, thằng Đại Định, thằng Đại Định”(Đại Định là làng tôi, còn làng ông và GS Nguyễn Tài Cẩn là làng Thượng Thọ, cách nhau chừng 2 cây số), rồi hai anh em cùng phá lên cười và tôi có kể thật cho ông một vài kỷ niệm “đánh quả” của tôi.

Sau đó tôi có về Hà Nội chơi và tranh thủ “đánh quả” mấy hôm, tôi cũng cầm giúp ông quà cho vợ ông. Sau đó vợ ông cũng gửi quà cho ông qua tôi.

Ông định làm mối cháu của ông cho tôi

Hồi đó tôi còn độc thân, 29 tuổi, một hôm ông nói với tôi: "Mình có 2 đứa cháu gái con bà chị ruột ở Đô Lương, khi mô về mình giới thiệu cho, ung thích lấy đứa mô thì lấy. Bà chị mình thì nổi tiếng nhứt ở Đô Lương. Ung buôn giỏi, vô nhà chị mình hợp lắm đó”.

Tôi thì đã từng nghe mẹ tôi kể về người chị buôn bán giỏi, giàu có của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ rồi, bà lấy chồng họ Nguyễn Cảnh ở Đô Lương, người trong gia đình bà nội nhà tôi nên tôi đã giải thích là: "Em biết rồi, bà con, không lấy được đứa mô cả mô anh ạ".

Trở về Hà Nội

Sau này, khi về Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm ông hoặc gặp ông trong những buổi đàm đạo của bà con quê nhà tại Hà Nội. Nhiều lần tôi đi một mình, có lần tôi đi cùng anh Nguyễn Hùng Vĩ, có lần đi với anh em ở Nghệ ra.

Có đợt tôi đang học tiếng Hàn nên khi gặp ông, tôi đã nói tiếng Hàn với ông và ông lại phá lên cười rồi ông động viên tôi: “Chan hết xọi y ô” (tốt lắm - ông từng tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên những năm 60 thế kỷ trước).

Khi tôi in cuốn “Tiếng Việt nâng cao” (song ngữ Việt-Anh, NXBGD (quyển 1) tôi mang đến tặng ông và kể với ông đây chính là bản chỉnh sửa của quyển “Tiếng Việt cho người Campuchia” (quyển 2) mà ông đã cầm lên khen tôi khi tôi còn lúi húi trong bếp ở căn hộ khách sạn của tôi trong một trưa mùa mưa Campuchia năm xưa, ông rất vui.

Tôi cũng biết luôn khắc khoải trong ông là nỗi nhớ thương da diết miền quê bên dòng Lam yêu dấu của ông, nơi chất chứa cả một trời tâm sự của ông. Đài Truyền hình Nghệ An cũng đã kịp làm một chương trình đặc sắc có tên “Đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ - Tình quê” nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp to lớn của ông đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Trong một dịp tôi về giỗ Cố nội tôi là cụ Cử nhân Nguyễn Như Hạp thì người anh họ con o ruột của tôi là anh Nguyễn Đình Ba, giảng viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh đã nghỉ hưu cũng về dự và đi cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Tôi và ông tình cờ gặp nhau tại quê nhà, vui mừng khôn xiết.

Anh Ba kể: “Tui biết anh Tuệ về và rủ anh Tuệ ra Đại Định chơi nhân có giỗ. Anh Tuệ còn bận lo việc nhà thờ. Tuy nhiên tui nói: Nếu anh đi thì em sẽ cho anh một món quà. Anh Tuệ hỏi “quà chi”. Anh Ba nói: món quà đó là Nguyễn Thiện Nam. Bựa ni Nam cụng về. Thế là anh Tuệ đi ngay.”

Anh Tuệ ơi, em lan man những dòng ký ức vui vẻ này trong ngày mất Anh, vì em vẫn nhớ đôi mắt nheo nheo khi cười của Anh, vì em vẫn nhớ chuyện anh định giới thiệu 2 đứa cháu gái của Anh cho em mà như Anh nói “ung muốn lấy đứa mô thì lấy”, vì em vẫn nhớ những lời tốt đẹp Anh dành cho em mà chính là để truyền cảm hứng cho con cháu quê nhà ở Thanh Văn, Đại Đồng. Những dòng ký ức này xin được như là nén hương tiễn Anh về miền mây trắng, nơi có những đồng nghiệp tài ba của Anh, nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người xưa cùng làng của Anh và em.

Hà Nội đêm 11/2/2022