Giới chuyên gia mới đây cảnh báo, nếu các trường học không khẩn trương bù đắp lỗ hổng kiến thức của học sinh và sinh viên trong thời gian đại dịch thì thế hệ trẻ có thể đứng trước nguy cơ bị giảm thu nhập sau này. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trung bình mỗi học sinh, sinh viên tại châu Á mất khoảng nửa năm học hiệu quả. Và vấn đề thiếu hụt kiến thức này sẽ làm giảm năng suất lao động của họ, kéo theo mức thu nhập giảm. Cụ thể, mức thu nhập của học sinh thuộc nhóm các gia đình nghèo nhất ước tính sẽ giảm nhiều hơn 30% so với học sinh thuộc nhóm các gia đình giàu nhất tại châu Á. Thu nhập trong tương lai của các nữ sinh có thể thấp hơn 28% so với mức của nam sinh.
Trong suốt hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, mô hình dạy và học trực tuyến đã được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Song, không thể phủ nhận rằng, việc học trực tuyến còn tồn tại những hạn chế và không thể thay thế hoàn toàn cho hình thức học trực tiếp. Học sinh nghèo thường gặp nhiều khó khăn khi học từ xa do thiếu trang thiết bị như máy tính, internet, thiếu sự hỗ trợ của phụ huynh, thiếu môi trường học tập thích hợp tại nhà.
Chính vì thế, không ít học sinh phải bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình eo hẹp. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bỏ học ngày càng gia tăng ở trẻ em trai. Theo UNESCO, nguy cơ trẻ em trai bỏ học hiện đang cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latin và Caribe, cùng các nước Arab. Theo một nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2020, trong số 160 triệu trẻ em phải lao động, có tới 97 triệu trẻ em trai. Những con số này phản ánh hệ lụy dai dẳng và nghiêm trọng của đại dịch đối với giáo dục toàn cầu, đồng thời hối thúc các quốc gia chú trọng chăm sóc trẻ em một cách toàn diện để bảo vệ các "mầm non" trước "cơn bão lốc" Covid-19.
Nhiều sáng kiến được đưa ra để giúp trẻ em bù đắp lỗ hổng kiến thức. Giới chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước phải bảo đảm an toàn khi mở cửa trở lại trường học. Mỗi khi có làn sóng Covid-19 mới bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi đầu tiên phải đóng cửa. Bởi lẽ đó, để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn của việc gián đoạn học tập, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch và tiêm vắc-xin là yếu tố cốt lõi.
Các trường học phải bảo đảm giãn cách xã hội, thông khí tại lớp học, lắp đặt nhiều địa điểm rửa tay và vệ sinh, sắp xếp thời gian ăn uống sao cho tránh tập trung đông người và theo dõi sát sao triệu chứng Covid-19. Ngoài ra, các trường học nên áp dụng phương pháp giảng dạy đổi mới, phù hợp trình độ của từng học sinh, theo dõi thường xuyên, sát sao mức độ tiến bộ trong học tập của người học. Những chương trình như bữa ăn học đường, trợ cấp giáo dục… cũng là chìa khóa giúp giảm tỷ lệ bỏ học ở học sinh nghèo và khuyến khích người đã bỏ học quay trở lại trường.
Vi-rút SARS-CoV-2 vẫn không ngừng biến đổi và là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Trong bối cảnh đó, mở cửa trường học an toàn là bước đi cần thiết, song chưa đủ. Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng hệ thống giáo dục mang tính linh hoạt, có khả năng trụ vững trong tình huống khẩn cấp và áp dụng phương pháp giáo dục đổi mới để bù đắp những khoảng trống về kiến thức sau một thời gian dài học từ xa, qua đó ngăn những hệ lụy kéo dài đối với thế hệ trẻ - mầm xanh tương lai của nhân loại.