Phát triển những “Hạt giống đỏ” là kết quả nổi bật của huyện Chợ Đồn trong nhiệm kỳ 2015-2020. Cấp ủy các cấp đã bồi dưỡng, kết nạp 837 đảng viên (chủ yếu là đảng viên trẻ, dân tộc thiểu số), bổ sung cho 295 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong toàn huyện. Lực lượng Đảng viên trẻ hiện chiếm khoảng gần 20% số lượng Đảng viên trong toàn huyện và luôn phát huy được vai trò, trách nhiệm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025...
Công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ được củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; đặc biệt là tăng tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tự chịu trách nhiệm của địa phương, đơn vị và mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn luôn được chú trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai đồng bộ, sáng tạo, quyết liệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành và quản lý của Nhà nước.
Báo Nhân Dân giới thiệu với bạn đọc một số tấm gương đảng viên trẻ tiêu biểu của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Trong những năm gần đây, diện mạo chính trị, kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có những đổi thay mang tính đột phá. Có được kết quả đó, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, các Chi bộ nông thôn ở các địa phương trên địa bàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, giải pháp cụ thể phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Từng đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, làm nông nghiệp cho một trang trại, đồng chí Giàng A Trừ (bản Tà Han, xã Xuân Lạc) đã học hỏi kinh nghiệm và có một số vốn, Trừ quyết định trở về quê hương, vận động 102 hộ dân trong bản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác, làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện nay đồng chí Giàng A Trừ là Bí thư Chi bộ bản Tà Han.
Đảng viên Hoàng Thông Đức, ít nói, hay làm và là người có “Bàn tay vàng” trong nghề xây dựng của thôn Nà Liền, Xã Nam Cường. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2012, Đức đã đăng ký theo học nghề xây dựng. Trở về quê hương, không chỉ tự mình xây dựng cho gia đình một căn nhà khang trang, thoáng mát, Đức còn cùng với Trưởng thôn Hoàng Nguyên Úy, tự bỏ công, hiến hàng nghìn m2 đất, làm gần 1km đường bê tông vào thôn Nà Liền. Hiện Hoàng Thông Đức là Bí thư Chi đoàn thôn Nà Liền.
Đảng viên Hoàng Văn Thiều, ở thôn Nà Hồng, xã Bằng Phúc, từng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, có nhiều cơ hội việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất... nhưng anh lại chọn con đường làm giàu trên chính quê hương mình. Thiều đã vận động thanh niên trong thôn, thành lập hợp tác xã trồng, chế biến chè Shan tuyết, vừa bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, phát huy thế mạnh địa phương, vừa góp phần đưa thôn Nà Hồng trở thành vùng chuyên canh chè nổi tiếng của huyện Chợ Đồn. Hiện đảng viên Hoàng Văn Thiều là Bí thư Chi đoàn thôn Nà Hồng, Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Hồng Hà.
Với lòng yêu trẻ, cô giáo Hứa Thị Hoa (giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Bằng Lũng) đã không ngừng nghiên cứu các phương giảng dạy, phù hợp, hiệu quả với trẻ mầm non. Và gần đây nhất đề tài và phương pháp giảng dạy “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” của cô giáo, đảng viên trẻ Hứa Thị Hoa đã được chọn làm đề tài tiêu biểu, được biểu dương và áp dụng cho công tác giáo dục của tỉnh Bắc Kạn.
Được kết nạp Đảng từ khi theo học Đại học ngành Y, qua hơn 3 năm công tác tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, đảng viên, bác sĩ Ma Thị Thùy đã cứu chữa, chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân.
Đảng viên Ma Văn Tuyền, Bí thư Chi đoàn thôn Bản Lạp, xã Nghĩa Tá là một tấm gương đi đầu tiêu biểu cho Phong trào Thanh niên lập nghiệp của huyện Chợ Đồn. Hiện trang trại của Tuyền có hàng chục ha rừng, hàng nghìn m2 ao thả cá, hàng trăm con trâu, dê, lợn... Ngoài ra Ma Văn Tuyền còn giúp truyền đạt kinh nghiệm, vốn, giống cho 56 hộ dân trong bản Lạp, để cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.