Đi đầu, dậy trước
Đồng chí Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết, trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Can Lộc đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, thành lập chính quyền Xô-viết ở 130 làng xã trong huyện, làm lung lay chế độ thực dân phong kiến.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện mô hình chính quyền cách mạng của nhân dân lao động. Tại đây, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy cầm quyền cai trị của thực dân, phong kiến từ tỉnh lỵ đến làng, xã đã bị phá vỡ hoặc vô hiệu hóa. Ở nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, chính quyền Xô-viết đã hoạt động công khai và bán công khai.
Kế thừa tinh thần đấu tranh của quê hương Xô-viết anh hùng, trong các thời kỳ cách mạng, người dân huyện Can Lộc tiếp tục tiên phong đi đầu, bước trước nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Bùi Huy Cường cho biết, không chỉ đi đầu trong phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho nhân dân, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tích tụ ruộng đất…, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, địa phương đã có những phương pháp “phá rào” như thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới đối với xã Thiên Lộc do có tư tưởng chùng lại trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
Nhờ “tuýt còi” kịp thời, cấp ủy chính quyền và nhân dân Thiên Lộc đã thay đổi nhận thức, cách làm cũng cố, nâng cao các tiêu chí nên chỉ một năm sau địa phương đã “lấy lại” bằng công nhận đạt chuẩn một cách thuyết phục. “Người Can Lộc khẳng khái, quyết liệt nhưng luôn coi trọng thực chất, hiệu quả, không chạy đua với thành tích”, đồng chí Bùi Huy Cường nhấn mạnh.
Nhờ biết khơi dậy truyền thống, đặc biệt là bài học tập hợp lực lượng, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, ngày 17-10-2019, huyện Can Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước một năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Tiếp tục đổi mới tư duy
Theo chia sẻ của đa phần cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, mặc dù đã có được những bước chuyển lớn, song kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; trong đó, việc chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất hiệu quả chưa cao.
Theo số liệu từ Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc, từ 179.995 thửa ruộng trước năm 2007, sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp giai đoạn hai, số thửa ruộng trên địa bàn giảm xuống còn 62.016 thửa; trong đó, số hộ sản xuất một thửa là 6.274 hộ, đạt 22,33%, số hộ sản xuất hai đến ba thửa 20.028 hộ đạt 71,27%, số hộ sản xuất bốn thửa trở lên 1.798 hộ đạt 6,40%. Sau chuyển đổi, đã góp phần nâng cao được giá trị trên đơn vị diện tích; tỷ lệ mô hình tăng lên; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phân phối lao động...
Tuy nhiên, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của huyện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; giá trị gia tăng chưa cao; chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh còn thấp; sản xuất chưa gắn kết thị trường, chưa khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, lợi thế của đất đai.
Nhận thức được những hạn chế, yếu kém trên, ngay sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ huyện khóa 36, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc đã bắt tay vào thực hiện khâu đột phá bằng việc ban hành Nghị quyết 01 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tập trung ruộng đất, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2025.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Bùi Huy Cường cho biết, nhằm khắc phục tình trạng manh mún, bỏ hoang đất sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, thửa ruộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, địa phương đã lựa chọn ba phương án thực hiện, đó là: Xây dựng vùng sản xuất tập trung, nông dân góp đất, thành lập tổ hợp tác cùng sản xuất chung; Xây dựng khu sản xuất tập trung, các tổ chức, cá nhân thuê lại quyền sử dụng đất của hộ dân để sản xuất; Chuyển đổi ruộng đất, gắn với tập trung ruộng đất sản xuất tập trung.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các địa phương đã bắt tay triển khai đề án. Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện, Lê Sỹ Thái cho biết, từ kinh nghiệm, kết quả thực hiện chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn hai và qua thăm dò, lấy ý kiến của người dân, Thuần Thiện sẽ tiếp tục thực hiện phương án chuyển đổi ruộng đất, gắn với tập trung ruộng đất sản xuất tập trung.
Đến nay, ngoài hai thôn Thuần Chân và Phúc Giang đã hoàn thành việc tập trung ruộng đất cho một hộ một vùng sản xuất trên diện tích 140ha, các thôn còn lại đang xây dựng phương án, tính toán tỷ lệ đất các vùng để thực hiện chuyển đổi.
Chia sẻ về lợi ích sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất, ông Phạm Bá Hồng, thôn Thuần Chân (Thuần Thiện) cho biết, trước đây gia đình có chín thửa ruộng tập trung tại chín vùng sản xuất khác nhau, mỗi mùa sản xuất gia đình tốn rất nhiều công sức để gieo rỉa, chăm sóc…, thế nhưng sau khi thực hiện chuyển đổi, tất cả 6.000m2 đất trồng lúa của gia đình đã được tập trung về một vùng. Đến mùa thu hoạch, thay vì phải mất cả chục ngày để gặt lúa, nay chỉ cần thuê máy gặt, chưa đầy hai giờ sau, toàn bộ lúa đã được gặt, đóng bao tập kết ở chân ruộng chờ thương lái đến mua.
Qua trao đổi với lãnh đạo huyện Can Lộc được biết, gắn với công tác chuyển đổi ruộng đất, nền sản xuất nông nghiệp ở Can Lộc đã có sự chuyển dịch theo hướng chuyển trọng tâm sản xuất từ số lượng sang chất lượng và giá trị thông qua việc quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp quy mô từ 50 - 150ha vùng, tại các xã vùng giữa: Kim Lộc, Trường Lộc, Tùng Lộc, Vượng Lộc, Khánh Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc,... kêu gọi nhà đầu tư, đầu tư dự án sấy thóc công suất 200 tấn/ngày gắn liên kết thu mua sản phẩm cho nhân dân; hình thành các vùng sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP (Thượng Lộc, Thuần Thiện, Thiên Lộc, Vượng Lộc quy mô 5 - 10 ha/vùng); đặc biệt, bước đầu xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tại các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc,...
Đến nay, ngoài 9.000ha trồng lúa hằng năm, Can Lộc có hơn 800ha (diện tích cam 550ha, bưởi 250ha), giá trị đạt 300 triệu đồng/ha; các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng tưới nhỏ giọt đang tăng nhanh, thương hiệu cam Trà Sơn đã được xây dựng thành công và ngày càng khẳng định chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường là hướng phát triển chủ lực của vùng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 893 mô hình sản xuất doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên; trong đó, 60 mô hình quy mô lớn cho doanh thu hơn một tỷ đồng/năm, 107 mô hình quy mô vừa cho doanh thu từ 500 triệu đến dưới một tỷ đồng và 722 mô hình quy mô nhỏ cho doanh thu từ 100 - 500 triệu đồng, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con nhân dân.
Từ những mảnh ruộng “vá chằng vá đụp”, phân tán nhỏ lẻ níu kéo cuộc sống với bao nhọc nhằn, vất vả của người dân, giờ đây với tư duy đổi mới, huyện Can Lộc đang trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng Nông thôn mới trên quê hương Xô-viết.