Bài 2: Giảm thời gian, tăng tiện ích

Những điểm nhấn trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh

Vừa thuận lợi cho người dân, vừa tiết giảm chi phí, lại quản lý tốt hơn, là hiệu quả nhìn thấy rõ khi Hà Nội tập trung đầu tư vào các lĩnh vực “sát sườn” với đời sống của người dân như giao thông, môi trường, y tế… theo hướng hiện đại, thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm điều hành xe buýt thông minh của Transerco. (Ảnh MINH HÀ)
Trung tâm điều hành xe buýt thông minh của Transerco. (Ảnh MINH HÀ)

Sử dụng xe buýt để đi lại hơn bốn năm nay, anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường La Khê (quận Hà Đông) cho biết, chất lượng dịch vụ xe buýt ngày càng được nâng lên. “Có hơi chậm so với xe máy khi tắc đường, nhưng bù lại xe bây giờ hiện đại hơn, chạy êm, đúng giờ cho nên khá tiện lợi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Nâng chất lượng phục vụ

Trong những năm qua, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã nâng cao chất lượng cả về nhân lực và phương tiện, công nghệ. Lãnh đạo đơn vị cho biết, công tác điều hành, quản lý tại Trung tâm điều hành xe buýt thông minh được phát huy tối đa hiệu quả. Hệ thống cơ sở dữ liệu GPS từ Trung tâm điều hành được kết nối với thiết bị thông báo điểm dừng cho khách hàng trên xe, các bảng điện tử thông báo giờ xe tại các nhà chờ chính.

Phần mềm thông minh còn có chức năng giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm tiêu chí dịch vụ như không dừng, đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến không đúng giờ, chạy quá tốc độ, mở cửa khi xe đang chạy…; những thông tin này được chuyển cho các đơn vị quản lý tuyến để chấn chỉnh, xử lý kịp thời, tối ưu hóa biểu đồ chạy xe. Transerco còn đưa vào khai thác phần mềm “Timbus.vn” và xây dựng ứng dụng (app) trên thiết bị di động nhằm tăng tiện ích cho hành khách. Đây là phần mềm công nghệ với nhiều tiện ích, cung cấp miễn phí cho hành khách đi xe buýt, có tính tương tác cao, được Tổng công ty đầu tư xây dựng phục vụ mạng lưới tuyến xe buýt chung của toàn thành phố. Hiện nay đã có hơn 800.000 người cài đặt với khoảng năm triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Sau gần một năm vận hành, đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ngày càng “hút” khách. Ngay từ khâu mua vé, hệ thống bán tự động được triển khai cùng với vé điện tử dùng để quẹt ra, vào ga không chỉ giúp hành khách sử dụng thuận lợi, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm nhân lực. “Từ ngày tàu điện đi vào hoạt động, tôi mua vé tháng, bỏ hẳn sử dụng ô-tô riêng để đi tàu điện, vừa an toàn, vừa tiết kiệm”, chị Lê Thu Hồng ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho biết.

Công tác quản lý giao thông cũng đang được nâng cấp theo hướng thông minh, hiện đại, tiện ích. Thành phố đã lắp đặt khoảng 600 camera giám sát tại 200 nút giao thông kết nối với Trung tâm Điều hành giao thông của Công an thành phố. Các phương tiện vận tải hành khách như xe buýt, ta-xi, xe hợp đồng, xe liên tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trung tâm điều hành của doanh nghiệp, Sở Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thay vì phải “rải” quân đi tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông thành phố sẽ căn cứ trên các camera giám sát để nắm tình hình, với các tuyến đường có nguy cơ ùn tắc sẽ thông báo cho đội quản lý địa bàn giải quyết ngay; đồng thời tiến hành “phạt nguội” với những trường hợp vi phạm.

Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2022, hệ thống camera kiểm soát giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã phát hiện 11.145 trường hợp lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ và đã gửi thông báo đến lái xe để thực hiện nộp phạt, qua đó tăng ý thức tuân thủ, chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với người dân.

Từ ngày 1/3/2022, Công an thành phố Hà Nội còn tạo điều kiện cho người vi phạm nộp phạt trực tuyến. Trước đây, người vi phạm giao thông phải đến ngân hàng, kho bạc nộp phạt, rồi quay lại Trụ sở Cảnh sát giao thông nơi lập biên bản vi phạm hoàn tất thủ tục, lấy giấy tờ về, thì hiện nay, người vi phạm chỉ cần nộp phạt online và đợi bưu điện chuyển trả giấy tờ. Chỉ trong ba tháng đầu triển khai, đã có 700 trường hợp thực hiện theo hình thức này, tiết kiệm thời gian cho chính mình và cả cơ quan chức năng.

Thêm nhiều tiện ích

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Y tế, tư pháp, xây dựng, quản lý đô thị, tài nguyên-môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả ba cấp (năm 2021) đạt hơn 89%. Hệ thống Sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ở lĩnh vực môi trường, thành phố đang vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động; sáu trạm quan trắc nước mặt; giám sát dữ liệu quan trắc của 29 trạm quan trắc nước thải, năm trạm quan trắc nước dưới đất và một trạm quan trắc khí thải của các khu, cụm công nghiệp. Các trạm này thường xuyên cung cấp những thông tin quan trọng cho cơ quan quản lý và người dân; xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, cách khắc phục phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Cùng với đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã xây dựng và cung cấp ứng dụng có tên gọi HSDC Maps trên điện thoại thông minh nhằm giúp người dân nhận biết các tuyến đường nội đô bị ngập lụt; cung cấp các tuyến đường thay thế, đường vòng để tránh địa điểm đang ngập. Hiện tại, hệ thống camera giám sát được lắp đặt tại 16 địa điểm thường xuyên úng ngập nặng nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. Hình ảnh tại các điểm được cập nhật 24/24 giờ nhờ công nghệ hồng ngoại. Toàn bộ hệ thống dữ liệu do camera ghi nhận sẽ được truyền về trung tâm giám sát. Thông qua hình ảnh thực tế cung cấp từ hiện trường này, Trung tâm sẽ điều phối nhân lực, thiết bị, máy móc để xử lý kịp thời, linh hoạt tình trạng úng ngập.

(Còn nữa)