Những điểm nhấn trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh

Xây dựng “thành phố thông minh” là mục tiêu của Thủ đô Hà Nội từ nay đến năm 2030. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đã cơ bản hình thành các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Dù khó khăn còn nhiều, nhưng Hà Nội sẽ tiếp tục vươn mình, vững vàng vị trí trong Mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN và các nước trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục hành chính được trả kết quả ngay sau 5-10 phút tại UBND phường Hàng Bồ. (Ảnh THIỆN TÂM)
Người dân đến làm thủ tục hành chính được trả kết quả ngay sau 5-10 phút tại UBND phường Hàng Bồ. (Ảnh THIỆN TÂM)

Bài 1: Hình thành chính quyền điện tử

Cho đến nay, thành phố Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Trong đó, từng bước chuyển đổi số để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền thông minh, thiết lập hệ thống hạ tầng và cơ sở dữ liệu theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung. Qua đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để hướng tới mục tiêu “xây dựng thành phố thông minh”, hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu thiết lập hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố và giữa thành phố với cả nước. Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, thành phố đã tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Mới đây, huyện Gia Lâm bắt đầu triển khai đồng loạt Mô hình “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết 28 thủ tục hành chính như đăng ký tạm trú, tạm vắng, chứng thực, đăng ký kinh doanh, khai sinh, khai tử, kết hôn... tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn. Trước đây, để giải quyết 28 thủ tục này đều phải mất từ một ngày đến năm ngày làm việc, nay rút ngắn xuống chỉ còn trong hai giờ làm việc. Chị Đào Hồng Nhung, ở khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm cho biết: “Đến bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, tôi đã được cán bộ phòng một cửa hướng dẫn quét mã QR để tra cứu những thủ tục hành chính thiết yếu và chưa đầy ba mươi phút sau, tôi đã chứng thực xong giấy tờ, rất nhanh chóng và thuận tiện”.

Tại bộ phận một cửa của quận Hà Đông, công dân đến làm việc không cần để ý thứ tự xếp hàng hay bấm số thứ tự như trước. Tại đây, chính quyền đã đưa vào vận hành hệ thống nhận diện khuôn mặt, công dân chỉ cần đứng trước máy chọn lĩnh vực thủ tục cần làm là hệ thống tự động nhận diện khuôn mặt và dữ liệu của giao dịch được lưu trữ. Các thông tin căn cước công dân, dữ liệu công dân được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin người giao dịch. Hệ thống cũng tự động nhận diện thông tin ở lần giao dịch sau, giúp việc giao dịch của công dân nhanh hơn. Nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo đột phá trong cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Như chuyên đề “các thủ tục hành chính không chờ” tại quận Hoàn Kiếm; mô hình Năm thủ tục hành chính không chờ, không giấy hẹn tại phường Trung Liệt; mô hình thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy...

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, đến nay, 100% thủ tục hành chính của Hà Nội được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố cũng đạt 100%. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ cho nên đã hạn chế việc nhũng nhiễu, chậm trễ.

Tập trung thực hiện Đề án 06

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố Hà Nội đã hội tụ đủ yếu tố nền tảng quan trọng trong cuộc chuyển đổi số, từ sự sẵn sàng của hạ tầng số tới sự sẵn sàng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ, chuyển dịch trở thành công dân của một thành phố thông minh. Phần lớn người dân Hà Nội đã tiếp cận nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh với hơn 12 triệu thuê bao điện thoại di động, 2,39 triệu thuê bao internet cố định; 10,68 triệu thuê bao internet băng rộng di động. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 75%... Bên cạnh đó, Hà Nội đang đứng thứ hai cả nước về Chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin Vietnam ICT Index (gồm chỉ số sản xuất công nghệ thông tin; chỉ số dịch vụ công nghệ thông tin; chỉ số kinh doanh, phân phối công nghệ thông tin)...

Do đó, thành phố Hà Nội là địa phương được Chính phủ tin tưởng lựa chọn thực hiện điểm Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06). Ngay khi nhận nhiệm vụ này, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng quán triệt, chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, bài bản. Đến nay, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết gần ba triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; thu nhận được hơn sáu triệu dữ liệu, cấp gần 40.000 căn cước công dân gắn chíp kèm định danh điện tử cho các em học sinh (sinh năm 2004 và 2007). Đã có hơn 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để khám, chữa bệnh tại hơn 400 cơ sở y tế. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục duy trì, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã rà soát, “làm sạch” ba cấp đối với gần tám triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%).

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội xác định việc thực hiện Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, trọng tâm là việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố gắn với việc thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với vị trí, vai trò của Thủ đô, Hà Nội đã và đang đi đầu trong các địa phương triển khai tốt chính quyền điện tử, nền tảng cơ bản và quan trọng của thành phố thông minh.

(Còn nữa)