Những điểm nhấn chính sách để nâng cao đời sống người có công

NDO -

Trong năm 2021, nhiều chính sách có ý nghĩa trong lĩnh vực người có công đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được điều chỉnh cao hơn so với trước. Những chính sách đột phá thực sự có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công và thân nhân của họ trên khắp cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại diện tiêu biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại diện tiêu biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. (Ảnh: Trần Hải)

Tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng với các đại diện tiêu biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực quan tâm đến người có công. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách.

* Cả nước ≈ 9,2 triệu người có công

≈ 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng

4.183 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đến tháng 5/2021)

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…

Thủ tướng bày tỏ, đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo. Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, vượt khó của các thế hệ đi trước là nguồn cảm hứng đến từng người dân để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch.

Những dấu ấn về chính sách với người có công

Ngày 24/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được nâng cao hơn so với trước.

Đây là một chính sách rất kịp thời và đầy tính nhân văn, giúp bổ sung thêm nguồn lực khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm dành cho việc thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Những điểm nhấn chính sách để nâng cao đời sống người có công -0
Mức chuẩn trợ cấp hằng tháng với người có công tăng dần trong 10 năm qua (Biểu đồ: Ngân Anh). 

Cụ thể, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2021 là 1,624 triệu đồng, tăng hơn so với mức chuẩn trợ cấp hằng tháng là 1,318 triệu đồng áp dụng từ năm 2015.

Đặc biệt, mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, tương đương 4,872 triệu đồng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến Ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc sự ra đời của Nghị định 75/2021/NĐ-CP là một chính sách lớn, đột phá và có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội nhấn mạnh, 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định tặng quà cho đối tượng có công với cách mạng, với giá trị mức quà tăng hơn 50% so với thời gian trước. Mức quà tặng cho người có công nhân ngày 27/7/2021 có hai mức 600 nghìn đồng và 300 nghìn đồng. Tổng kinh phí để tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng người có công trong đợt này là hơn 480 tỷ đồng.

Trên toàn quốc hiện có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% dân số, được hưởng chính sách ưu đãi. Trong số này, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ… Đời sống người có công không ngừng được nâng lên.

Đến cuối năm 2020, 99,7% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. Ngoài ra, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng cũng cơ bản hoàn thành, và không còn hộ người có công thuộc diện nghèo.

Nỗ lực đưa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng vào cuộc sống

Những điểm nhấn chính sách để nâng cao đời sống người có công -0
Dấu mốc sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồ họa: Bông Mai) 

Từ ngày 1/7/2021, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực thi hành.

Pháp lệnh lần này mang nhiều nội dung mới về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công và quy định bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2020 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện; với 7 chương và 58 điều. Trong đó, có bổ sung 2 Chương mới, 10 Điều mới và sửa đổi 41 điều của Pháp lệnh hiện hành, bổ sung.

Pháp luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của nhà nước và xã hội; Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2020 mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi như: người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng được tiến hành theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Theo đó, Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2020 chỉ xem xét công nhận liệt sĩ và thương binh thời kỳ đất nước hòa bình đối với những trường hợp: (1) Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của ndân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội; (2) Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục của Chính phủ quy định; (3) Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm; (4) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm. Đối với bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình: chỉ xem xét công nhận đối với trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong Pháp lệnh mới. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; xác định chế độ trợ cấp mai táng khi người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và con đẻ bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá. Quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, góp phần chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày càng tốt hơn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cũng chuẩn bị tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ bằng các hình thức phù hợp và thiết thực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.

Ngay trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ nay đến cuối năm là tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mục tiêu quan trọng bảo đảm từng bước nâng cao đời sống người có công, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, để “Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.

Giai đoạn 2016-2020
+ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương vận động ≈ hơn 16,8 tỷ đồng
+ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động ≈ 5.600 tỷ đồng
+ Tặng sổ tiết kiệm ≈ gần 103,5 tỷ đồng
+ Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa ≈ hơn 2.265 tỷ đồng.