Những điểm chính trong thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực Việt-Lào

Thời gian tới, Việt Nam và Lào cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua nhiều hoạt động. Đó là phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp…
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào ký kết Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực ngày 29/11 tại Quảng Ninh. (Ảnh: Molisa)
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào ký kết Thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực ngày 29/11 tại Quảng Ninh. (Ảnh: Molisa)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Lào mới diễn gần đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Mục đích của Thỏa thuận này nhằm cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp.

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, nội dung các lĩnh vực hợp tác bao gồm 11 điểm chính sau:

Thứ nhất, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách về phát triển nguồn nhân lực.

Thứ hai, hợp tác đào tạo dài hạn về phát triển kỹ năng nghề; huấn luyện chuyên gia và thí sinh Lào tham dự các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN.

Thứ ba, hợp tác xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; hợp tác phát triển chính sách, phát triển hệ thống đánh giá kết quả thực hiện việc phát triển kỹ năng nghề và các hoạt động liên quan nhằm công nhận lẫn nhau kỹ năng nghề cho lao động hai nước và tham chiếu khung tham chiếu ASEAN; đẩy mạnh công tác quản lý và hợp tác dịch chuyển lao động có tay nghề giữa hai nước.

Thứ tư, hợp tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên trong các trung tâm phát triển kỹ năng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nâng cao kỹ thuật cho cán bộ làm công tác lao động và phúc lợi xã hội.

Thứ năm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm phát triển kỹ năng nghề, các cơ sở đào tạo nghề ở Trung ương và địa phương hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và liên kết đào tạo trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Thứ sáu, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào và các liên doanh nước ngoài có trụ sở tại Lào và Việt Nam trong phát triển kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động của Lào.

Thứ bảy, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai đầu tư các dự án đào tạo nghề tại Lào.

Thứ tám, hỗ trợ thiết bị phục vụ thực tế việc phát triển kỹ năng và đào tạo nghề, thiết kế, xây dựng chương trình về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề, chuyển giao các chương trình đào tạo cho trung tâm phát triển kỹ năng nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ chín, hợp tác đào tạo tiếng Lào cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và đào tạo tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Lào và cán bộ làm việc trong ngành lao động và phúc lợi xã hội.

Thứ mười, nghiên cứu xem xét triển khai các dự án liên quan mà hai bên cùng quan tâm.

Và nội dung cuối cùng là hợp tác về phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ khu vực và quốc tế.

Việt Nam-Lào sẽ cùng nhau tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình, cơ chế hợp tác ở tất cả các cấp, trong đó đẩy mạnh các hình thức trực tuyến. Các hình thức cụ thể nhưng không giới hạn sẽ là: Hợp tác kỹ thuật, trao đổi chuyên gia; Đối thoại chính sách, trao đổi thông tin; Chuyển giao công nghệ về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề; Hội nghị, hội thảo, nghiên cứu/chương trình/dự án chung; Học bổng về phát triển kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp, cung cấp trang thiết bị phục vụ việc phát triển kỹ năng và đào tạo nghề; Liên kết đào tạo; Tham gia các sáng kiến chung và hỗ trợ nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian qua, hai nước luôn duy trì tổ chức các hội nghị Bộ trưởng định kỳ 2 năm một lần. Hoạt động này nhằm cùng thảo luận về kết quả và định hướng hợp tác về những mối quan tâm chung, giúp cùng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động và xã hội giữa hai nước. Trao đổi đoàn học tập và nghiên cứu, các hoạt động nâng cao năng lực về quản lý và kỹ năng cũng được thúc đẩy thông qua các học bổng dành cho đào tạo ngắn, trung và dài hạn, đào tạo cán bộ, thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN hằng năm, phát triển nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các trường nghề trực thuộc.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng đã có những hỗ trợ thiết thực cả về cơ sở vật chất giữa hai nước và hai bộ trong lĩnh vực lao động và việc làm. Điển hình như: xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Chỉnh phục hồi chức năng cho thương binh và người khuyết tật 686 Bản Cân, Viêng Chăn từ năm 2015; hỗ trợ trang thiết bị đào tạo cho Học viện Phát triển tay nghề Lào-Hàn Quốc trong các lĩnh vực về công nghệ ô-tô, điện, điện tử và công nghệ thông tin. Giá trị của các thiết bị được đưa vào giảng dạy, phục vụ đào tạo có tổng giá trị lên tới gần 4 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác này giúp hợp tác giữa hai bộ của hai quốc gia sẽ được tiếp tục thúc đẩy theo hướng cụ thể và thiết thực hơn, xứng với tiềm năng và mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai cơ quan trên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ giúp hợp tác giữa hai bộ của hai quốc gia sẽ được tiếp tục thúc đẩy theo hướng cụ thể và thiết thực hơn, xứng với tiềm năng và mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai bộ.