Cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân
Những năm gần đây, tỉnh Nam Định đẩy mạnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối thuận lợi các hành lang kinh tế của tỉnh với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, tạo động lực phát triển, trong đó có dự án tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường vành đai biển với chiều dài 25 km, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Để triển khai dự án quan trọng này, tỉnh Nam Định huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong số đó, đồng chí Lê Văn Vịnh, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Dương, xã Xuân Hòa (nay là xã Xuân Phúc), huyện Xuân Trường, được cấp ủy, chính quyền từ xã đến tỉnh ghi nhận là đảng viên người Công giáo tích cực, có nhiều đóng góp.
Bí thư Chi bộ Lê Văn Vịnh chia sẻ: Ở xã Xuân Hòa, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 45%. Khi tỉnh tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến đường Nam Định-Lạc Quần-Đường vành đai ven biển, có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 83 hộ là người Công giáo, với diện tích phải giải phóng mặt bằng lên tới 57.000 m2; cùng thời điểm giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy may Sông Hồng-Xuân Trường 2, có 85 hộ là người Công giáo, với diện tích phải giải phóng mặt bằng 59.000 m2.
Với trách nhiệm của một đảng viên, ông Vịnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã thành lập các tổ, nhóm tại khu dân cư gồm những người có uy tín; bản thân ông Vịnh tích cực tham gia các tổ, nhóm đó, thường xuyên tới các hộ gia đình làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, động viên, giải thích rõ chủ trương, lợi ích của các dự án. Nhờ đó, những nút thắt, điểm nghẽn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dần được tháo gỡ; các hộ dân trong vùng dự án đồng thuận, tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tụy (bên phải), Phó Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vân Trường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) thường xuyên trao đổi với Linh mục chánh xứ Bắc Trạch về các hoạt động đồng hành với chính quyền địa phương. (Ảnh: Mai Tú) |
Miền quê Vân Trường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có khoảng 70% số dân có đạo. Từ bao đời nay, bà con lương-giáo ở đây gắn bó, giữ vững an ninh địa bàn, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đóng góp vào phong trào chung của địa phương có công sức của đồng chí Nguyễn Xuân Tụy, Phó Hội đồng mục vụ Giáo xứ Vân Trường, một đảng viên người Công giáo.
Đồng chí Tụy thường bàn bạc, trao đổi với linh mục chánh xứ Bắc Trạch phát động mọi người trong giáo xứ ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, không phân biệt tôn giáo. Vào dịp lễ, Tết, ông Tụy trực tiếp cùng Ban Bác ái đi thăm hỏi, tặng quà, động viên những gia đình nghèo vươn lên trong cuộc sống. Khi các tỉnh miền trung chịu cảnh bão lụt, ông Tụy cùng Ban Hành giáo vận động giáo dân san sẻ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai.
Gần đây, ông cùng với linh mục chánh xứ thông qua các buổi lễ tại nhà thờ vận động giáo dân thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, tránh lãng phí. Nhiều năm qua, xứ họ đạo Bắc Trạch không có tệ nạn xã hội nhờ việc thành lập những tổ tự quản, cũng như sự tham gia truyền giảng thường xuyên của linh mục cùng Ban Hành giáo.
Đồng chí Trần Công Lý (thứ hai từ trái qua), đảng viên theo đạo Công giáo xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương. (Ảnh: Mai Tú) |
Đồng chí Trần Công Lý, đảng viên theo đạo Công giáo ở xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), là Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Quan Khê năm nay 62 tuổi đời và có 37 năm tuổi đảng. Trước đây, đồng chí làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Từ năm 2016 đến 2021, đồng chí là Phó Trưởng ban Kinh tế-xã hội Hội đồng nhân dân huyện Hưng Hà. Tháng 7/2021, đồng chí được nghỉ chế độ.
Là một đảng viên hưu trí, được cộng đoàn tín nhiệm bầu vào Hội đồng giáo xứ, đồng chí đã chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với cấp ủy chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trong thôn và trong giáo xứ, hoàn thành tốt công việc được giao. Trong khi xây dựng nhà thờ Giáo xứ Quan Khê, xã Tân Lễ, ông Lý và gia đình đã đóng góp hơn 300 ngày công lao động và nhiều hiện vật trị giá hàng chục triệu đồng, từ đó là động lực để bà con giáo dân chung sức góp hơn 20.000 ngày công, 15 tỷ đồng tiền mặt góp phần hoàn thành ngôi thánh đường.
Được linh mục ủng hộ, ông cùng Hội đồng mục vụ gây dựng Quỹ khuyến học của giáo xứ; hằng năm trích quỹ 30 triệu đồng tặng thưởng các cháu học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; tổ chức cho các cháu đi dã ngoại, góp phần khích lệ các gia đình đầu tư cho con em học tập, mở mang tri thức.
Đảng viên Công giáo làm kinh tế giỏi
Tại tỉnh Nam Định thời gian qua, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được đẩy mạnh, với mục tiêu xây dựng ngày càng nhiều “vùng quê đáng sống”. Đến nay, tỉnh đã có một huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt kế hoạch đề ra) và 28,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Anh Đinh Văn Thuận (người bên phải) kiểm tra sản phẩm từ tổ yến. (Ảnh: Trường Huy) |
Thực tế cho thấy, trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, đội ngũ đảng viên luôn giữ vai trò tiên phong, nòng cốt, có nhiều việc làm thiết thực, tạo sức lan tỏa, góp phần vào thành công chung của cả tỉnh. Điển hình trong số đó là đảng viên trẻ người Công giáo Đinh Văn Thuận ở xóm Nam Châu, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong phong trào xây dựng quê hương với mô hình trang trại kinh tế tổng hợp (nuôi yến, thủy sản, dược liệu, du lịch sinh thái), doanh thu hằng năm đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động; ủng hộ các công trình phúc lợi, phong trào địa phương khoảng 300 triệu đồng/năm.
Hằng ngày, anh Thuận thường ghi lại những hình ảnh đẹp về công việc, về sản phẩm, cảnh đẹp của trang trại tổng hợp, đăng tải lên mạng xã hội. Nhờ vậy, trang trại của anh được nhiều người biết, đến tham quan trải nghiệm miễn phí, hình thành điểm du lịch sinh thái. Anh Thuận cũng là người tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá, phân phối sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok và các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki…
Anh Đinh Văn Thuận (người bên phải) giới thiệu sản phẩm từ tổ yến với khách hàng. (Ảnh: Trường Huy) |
Ngoài phát triển kinh tế, anh Thuận tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội và nhận được nhiều khen thưởng như: Giải thưởng Lương Định Của (dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc năm 2018); Bí thư Chi đoàn tiêu biểu toàn quốc năm 2019; Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020; Tài năng trẻ Việt Nam năm 2020; Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2023 và tháng 10/2024 anh được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 hạng mục “Nông dân tỷ phú và chuyển đổi số”.
Ở Ninh Bình có một chi bộ của một doanh nghiệp ngoài nhà nước do một đảng viên người Công giáo là chủ doanh nghiệp kiêm Bí thư chi bộ, nhiều năm liền đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Đó là Chi bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa do Giám đốc Phạm Đăng Khuyến làm Bí thư. 30 năm trước, doanh nghiệp này vốn là tổ hợp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói, cây bèo, bẹ chuối...
Vượt qua nhiều khó khăn, doanh nghiệp từng bước lớn mạnh, khẳng định vị thế trên thương trường, nhất là từ năm 2006, khi Chi bộ công ty được thành lập. Cùng chi bộ, ban giám đốc, đồng chí Phạm Đăng Khuyến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong, có trình độ, tay nghề cao, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, đảm trách có hiệu quả các vị trí quan trọng, nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sáng tạo nhiều dòng sản phẩm mới, nâng cao quản trị nguồn nhân lực, tổ chức hợp lý quy trình sản xuất. Ban giám đốc công ty quan tâm sửa đổi, bổ sung các chính sách có lợi cho người lao động, như chế độ lương, thưởng, ăn ca, bảo hiểm, nhà tạm trú,...
Nhờ đó, công ty có quan hệ hợp tác kinh doanh với nhiều khách hàng lớn trong và ngoài nước. Mỗi năm, công ty xuất khẩu hàng triệu sản phẩm đến Tập đoàn IKEA của Thụy Điển và thị trường các nước Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch…
Ông Phạm Đăng Khuyến, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hướng dẫn công nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: Văn Lúa) |
Đồng chí Phạm Đăng Khuyến cho biết, lúc mới thành lập, chi bộ chỉ có ba đảng viên, đến nay có 22 đồng chí. Doanh nghiệp hiện có hơn 100 công nhân, lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn trong khu vực. Nhiều năm qua, công ty đạt doanh thu bình quân hàng trăm tỷ đồng/năm, luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, bảo đảm việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Bên cạnh đó, Giám đốc Phạm Đăng Khuyến thành lập Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Tâm, mỗi ngày tổ chức khám và điều trị cho hơn 150 lượt người; thường xuyên tổ chức cho đội ngũ y, bác sĩ của phòng khám tư vấn, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn ở các xã trong huyện, điều trị ngoại trú cho hàng nghìn lượt bệnh nhân ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô…
Doanh nghiệp còn trích hàng trăm triệu đồng/năm từ quỹ phúc lợi của công ty đóng góp nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần đưa huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với những thành tích nêu trên, mới đây, đồng chí Phạm Đăng Khuyến được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên đối với người theo Công giáo có nhiều khởi sắc. Tính đến nay, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có 2.056 đảng viên là người theo các tôn giáo (chiếm 2,5% tổng số đảng viên của tỉnh), trong đó, có 2.048 đảng viên là người Công giáo và 8 đảng viên theo đạo Phật. Tỉnh Thái Bình hiện có 774 đảng viên là người có đạo, trong đó có 766 đảng viên là người Công giáo, còn lại là đảng viên theo đạo Phật, đạo Tin lành.
Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã phát triển được gần 30 đảng viên là người có đạo. Tỉnh Nam Định hiện có hơn 110.000 đảng viên; trong đó có hơn 4.600 đảng viên là người tham gia các tôn giáo, trong đó phần lớn là đảng viên theo đạo Công giáo.
Theo nhận xét của cấp ủy các cấp ở ba địa phương trên, đội ngũ cán bộ, đảng viên là người Công giáo luôn gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao; xứng đáng là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào Công giáo, giúp cho nhiều chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.