Ninh Bình là tỉnh có đông đồng bào công giáo. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có khoảng 20, 30%, đông nhất là huyện vùng biển Kim Sơn có gần 46% số dân là người theo đạo Thiên chúa. Những năm qua, Ðảng bộ và các đoàn thể nhân dân địa phương tổ chức nhiều phong trào thi đua phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới; qua đó không ít đoàn viên thanh niên ưu tú, trong đó có nhiều đoàn viên công giáo vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng.
Việc định hướng cho thanh niên tham gia các phong trào thi đua để tạo nguồn phát triển đảng viên luôn được các cấp ủy đảng ở Ninh Bình quan tâm. Nhiều thanh niên nói chung và thanh niên công giáo nói riêng đã hăng say tham gia vào các đội quân tình nguyện đến vùng khó khăn giúp đỡ người nghèo và mỗi năm, trong số những thanh niên, quần chúng tích cực ấy có gần một nghìn người được kết nạp Ðảng.
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên là người theo đạo Thiên chúa ở Ninh Bình còn nhiều hạn chế, số lượng được kết nạp còn thấp.
Nguyên nhân sâu xa là một số tổ chức cơ sở đảng tại xóm, thôn chưa quan tâm đúng mức việc tạo nguồn phát triển đảng viên. Hoặc không ít tổ chức, đoàn thể chưa đổi mới phương thức sinh hoạt, chưa cuốn hút được thanh niên tham gia. Một số cấp ủy tại cơ sở chưa thật sự coi trọng và dành ít thời gian xây dựng củng cố tổ chức cơ sở đảng cũng như mở rộng kênh thông tin tuyên truyền đường lối của Ðảng về công tác tôn giáo. Vấn đề giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lối sống chưa thật hiệu quả.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn ba thôn, xóm chưa có đảng viên, 29 chi bộ thôn xóm sinh hoạt ghép. Ở nơi có đông đồng bào công giáo trong tỉnh thường từ ba đến năm thôn, xóm mới có một chi bộ.
Theo bà Phạm Thị Lụa, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy thì khó khăn lớn nhất trong việc phát triển đảng viên ở vùng giáo là số thanh niên có trình độ thì đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, khi ra trường lại không về quê công tác. Một bộ phận không nhỏ đi làm ăn xa. Một số quần chúng tích cực nhưng trình độ văn hóa không đạt chuẩn, hoặc vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình. Xã Ân Hòa có 13/14 trưởng thôn, xóm chưa là đảng viên.
Ông Bùi Văn Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Từ nhiều năm, việc phát triển đảng viên là người theo đạo Thiên chúa luôn được các cấp ủy đảng quan tâm. Nhằm nâng cao nhận thức về Ðảng cho thanh niên, các cấp ủy đã tổ chức nhiều kênh tuyên truyền về chính sách tự do tín ngưỡng của Ðảng và Nhà nước; gắn với việc biểu dương những tấm gương tiêu biểu ở thôn, xóm.
Nhiều nơi tổ chức sinh hoạt tìm hiểu về Ðảng, chú trọng quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng đối với đảng viên người công giáo. Ngoài ra, mỗi đảng viên có nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho Ðảng. Bằng những giải pháp cụ thể, từ năm 2005 đến năm 2007, huyện Kim Sơn kết nạp 123 quần chúng ưu tú là người có đạo vào Ðảng.
Kim Mỹ là xã bãi ngang, thuộc diện đặc biệt khó khăn ở huyện Kim Sơn. Xã có 87% số dân theo đạo Thiên chúa, với 12 xóm, hai giáo xứ và 11 họ đạo. Kim Mỹ là nơi luôn biết bồi đắp tình đoàn kết giữa những người có đạo và người không có đạo. Xã có 154 đảng viên thì có gần 70 người theo đạo Thiên chúa. "Kim Mỹ làm thế nào để phát triển đảng viên là người công giáo?" - Tôi hỏi.
Ðiều cốt lõi là chủ động hòa nhập - ông Vũ Chiến Sự, Bí thư Ðảng ủy xã quả quyết. Vào ngày kỷ niệm thành lập đảng bộ huyện Kim Sơn, các linh mục thường đến chúc mừng. Khi nhà thờ có ngày lễ hội thì các đoàn thể của huyện, xã cũng tới chúc mừng. Chuyện vui, chuyện buồn của gia đình công giáo cũng như của gia đình bên lương, đại diện các hộ gia đình đều có mặt để chia sẻ. Ngày kết nạp đảng viên là người công giáo, cấp ủy bao giờ cũng mời con, em, bạn bè của đảng viên đến dự. Buổi lễ vừa trang nghiêm, vừa là dịp để đồng bào công giáo hiểu hơn về Ðảng. Cho nên ở Kim Mỹ, không ít con em các chức sắc là chánh trương, trùm trưởng làm đơn theo học lớp cảm tình để được đứng trong hàng ngũ của Ðảng.
Bên cạnh đó, nhiều đoàn thể, tổ chức quần chúng thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt, thảo luận những vấn đề sát với thực tiễn cuộc sống, hấp dẫn, thu hút được thanh niên, quần chúng tham dự.
Ngoài ra, Ðảng ủy xã Kim Mỹ còn khuyến khích đảng viên có điều kiện kinh tế, kinh nghiệm để tổ chức sản xuất tại chỗ, nhằm thu hút lực lượng lao động ở địa phương phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, tại xã có ba đảng viên mở xưởng sản xuất hàng may mặc và hai mô hình phát triển kinh tế vườn ao chuồng, mỗi cơ sở thu hút hàng chục lao động. Riêng cơ sở may của đảng viên Trần Thanh Quang, Chi bộ xóm 5 tổ chức sản xuất may đã thu hút gần 30 lao động, mỗi tháng thu nhập từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/người.
"Tôi cho rằng Ðạo ở trong dân và dân trong lòng dân tộc. Mỗi người trước hết phải thực hiện trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước, đối với quê hương. Dù là "đời" hay "đạo" thì cũng hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", đảng viên có gần 30 tuổi đảng, người gốc giáo Trần Thanh Quang tâm sự.
Trong chương trình hành động của Tỉnh ủy Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, khóa X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", đã có những giải pháp phát triển đảng viên trong thời kỳ mới, chú trọng phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào công giáo.
Sáu tháng đầu năm nay, tỉnh Ninh Bình kết nạp hơn 600 đảng viên trong đó đảng viên là người công giáo chiếm gần 3%. Việc kết nạp đảng viên luôn bảo đảm quy định về tiêu chuẩn theo Ðiều lệ Ðảng.