Đáng gọi là tiểu thuyết lịch sử, vì trong hư cấu nghệ thuật này có những con người có thật, cũng như có những sự kiện đã thật sự xảy ra vào thời đó, ví như Đức Phật - Đấng Giác Ngộ, đại vương Pasenadi của vương quốc Kosala, vua Udena của tiểu vương quốc Vamsa, hoàng hậu Samavati và quý phi Magandiya, v.v.
Một cốt truyện hấp dẫn với bề bộn những sự kiện, những chi tiết móc vào nhau, đan dệt thành những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật. Câu văn trong tác phẩm chủ yếu là câu kể, dưới dạng lời tự bạch và dòng tâm trạng của các nhân vật, ngắn gọn, rất ít mệnh đề phụ. Nhưng chỉ cần thế cũng đủ để tác giả phác dựng từ tiểu thuyết hình ảnh của một tiểu lục địa Ấn Độ thời cổ đại, với những liên minh chính trị rắc rối giữa các nước lớn và các nước nhỏ, những tranh quyền đoạt lợi tàn khốc chốn cung đình, những bất công xã hội truyền kiếp đẻ ra từ một chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt và vững chắc, những thảm kịch đầy nước mắt mà người phụ nữ phải hứng chịu trong một xã hội sùng thượng nam quyền, những phong tục tập quán khác lạ trong đời sống thế tục và trong sinh hoạt tôn giáo ở một nền văn minh phong nhiêu và lâu đời bậc nhất thế giới.
Người ta có thể đọc được trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đẫm vị “hương xa” (exotique) này những câu chuyện đời và những câu chuyện đạo. Chuyện đời, là chuyện tình yêu chung thủy của chàng võ sĩ Ekanga với công chúa Samavati, chung thủy đến mức khi Samavati trở thành hoàng hậu của nước láng giềng, chàng đã bỏ nhà đi theo, trở thành điệp viên đội lốt nhà sư Govinda, chỉ để được kín đáo ở gần và bảo vệ cho nàng. Chuyện đời, là chuyện của nàng Manju, do phải chịu quá nhiều áp bức trần ai mà đã từ một cô gái quê chất phác trở thành một nữ tướng cướp lừng danh, hiện thân của nữ thần trừng phạt Durga, kẻ cắt dương vật của bất cứ tên phú hào nào đã phạm tội cưỡng hiếp con gái nhà lành.
Và chuyện đạo. Thật ra, trong “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên”, chuyện đạo không chỉ là những chuyện về giáo đoàn của Đức Phật - được/bị dân chúng và các bậc vua chúa ủng hộ hay nghi ngại ra sao, sinh hoạt như thế nào ở thời kỳ mới thành lập, nảy sinh những mâu thuẫn rạn nứt gì trong nội bộ… - mà toàn bộ chuyện đời cũng đều bị hút về và hút vào chuyện đạo. Để phục vụ cho một luận đề ngầm ẩn. Rằng Đức Phật và tôn giáo giác ngộ, cứu vớt chúng sinh khỏi luân hồi khổ ải của ngài đã xuất hiện trên cõi thế, đã sẵn đấy soi đường, nhưng loài người thì muôn kiếp vẫn bất ngộ, vẫn đắm chìm trong lầm lạc u mê, vẫn bị thiêu đốt trong lửa tam muội.
Từ tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” của hơn mười năm trước đến tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên” của bây giờ, có thể thấy nhà văn Hồ Anh Thái đã trả được thêm, một cách đáng kể, món nợ tiểu thuyết với lịch sử Ấn Độ cổ đại nói riêng và nền văn minh Ấn Độ vĩ đại nói chung.