Những chuyện bịa đặt liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, vụ xả súng ở Mỹ trên mạng xã hội

NDO -

Trong tuần qua, nhiều câu chuyện và hình ảnh bịa đặt, vô căn cứ đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và tương tác. Dưới đây là một số câu chuyện đã được hãng thông tấn AP kiểm chứng.

Một bài đăng trên Twitter đưa tin sai sự thật về bệnh đậu mùa khỉ.
Một bài đăng trên Twitter đưa tin sai sự thật về bệnh đậu mùa khỉ.

Pfizer không phát triển vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Thông tin lan truyền: Vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ của Pfizer được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép chỉ một ngày sau khi Mỹ chi hàng triệu USD để mua vaccine phòng căn bệnh này.

Kiểm chứng: Chia sẻ với AP, phát ngôn viên của Pfizer Jerica Pitts cho biết, hãng dược phẩm Mỹ không hề phát triển vaccine đậu mùa khỉ hay có vaccine đậu mùa khỉ được phê duyệt bởi FDA. Bavarian Nordic (Đan Mạch) hiện là công ty duy nhất có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ được FDA cấp phép sử dụng tại Mỹ.

Vaccine Jynneos của Bavarian Nordic được FDA phê duyệt hồi tháng 9/2019 và dùng cho người trên 18 tuổi có nguy cơ cao nhiễm bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Đây cũng là một trong những loại vaccine nằm trong kho dự trữ quốc gia Mỹ để phòng trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Vaccine Covid-19 không gây bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ

Thông tin lan truyền: Vector adenovirus tinh tinh trong vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Những chuyện bịa đặt liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, vụ xả súng ở Mỹ trên mạng xã hội -0
Một bài đăng trên Twitter đưa tin sai sự thật về vector adenovirus tinh tinh trong vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Kiểm chứng: Theo các chuyên gia, vector adenovirus tinh tinh trong vaccine Covid-19 AstraZeneca không thể gây bệnh đậu mùa khỉ vì adenovirus và poxvirus không liên quan với nhau. Khỉ và tinh tinh cũng là hai loài khác biệt. Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sử dụng adenovirus tinh tinh vô hại và đã bị làm suy yếu để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Virus này đã được điều chỉnh để không thể lây nhiễm sang người cũng như không thể gây bệnh đậu mùa khỉ.

Giáo sư Mark Slifka, chuyên gia vi sinh và miễn dịch học tại Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Oregon, cho biết: “Adenovirus và poxvirus là hai họ virus hoàn toàn khác nhau và không có bất kỳ mối liên hệ nào. Không hề có phản ứng chéo giữa adenovirus và poxvirus liên quan đến phản ứng kháng thể”.

Giáo sư David Freedman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là chủ tịch đắc cử của Hiệp hội Y học nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ, khẳng định adenovirus sử dụng trong vaccine Covid-19 của AstraZeneca và các loại vaccine tương tự khác không thể gây nhiễm adenovirus hay poxvirus ở người.

Bệnh đậu mùa khỉ không liên quan đến bệnh zona hay vaccine Covid-19

Thông tin lan truyền: Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ thời gian qua thực chất chỉ là bệnh zona và do vaccine Covid-19 gây ra.

Kiểm chứng: Các chuyên gia cho biết, bệnh zona và bệnh đậu mùa khỉ không giống nhau và do các loại virus khác nhau gây ra. Bên cạnh đó, vaccine Covid-19 cũng không thể gây bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ với AP qua email, Giáo sư Jonathan Ball chuyên ngành khoa học đời sống tại Đại học Nottingham lý giải: Bệnh zona khởi phát do sự tái hoạt của virus varicella-zoster - loại virus herpes gây bệnh thủy đậu. Nếu một người mắc thủy đậu, virus vẫn nằm im trong hệ thần kinh và có thể tái xuất hiện và gây bệnh zona nhiều năm sau đó. Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp liên quan đến cùng họ virus với bệnh đậu mùa, nhưng có các triệu chứng nhẹ hơn. Bệnh bắt nguồn từ động vật hoang dã như các loài gặm nhấm và linh trưởng.

Tiến sĩ Seth Blumberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California (San Francisco, Mỹ), cho biết cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh zona đều gây phát ban với các mụn nước nhỏ. Bệnh đậu mùa khỉ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong khi bệnh zona thường chỉ ảnh hưởng đến một dải da hẹp ở một bên của cơ thể.

Tiến sĩ Blumberg cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 không gây ra bệnh đậu mùa khỉ. “Bạn chỉ có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với virus gây bệnh qua người bị nhiễm bệnh hoặc động vật bị nhiễm bệnh”.

ABC News không sử dụng hình ảnh đã chỉnh sửa về kẻ xả súng trường học ở Texas

Thông tin lan truyền: Trong chương trình “Good morning America” (Chào buổi sáng nước Mỹ), kênh ABC News đăng hình ảnh đã được chỉnh sửa về Salvador Ramos (18 tuổi), thủ phạm vụ xả súng trường tiểu học mới đây tại thành phố Uvalde, bang Texas. Trong bức ảnh, màu da của tay súng này được chỉnh sáng lên, kèm theo các đặc điểm khuôn mặt bị thay đổi.

Kiểm chứng: Một phát ngôn viên của ABC News xác nhận với AP rằng kênh truyền hình này không hề chỉnh sửa cũng như không sử dụng bức ảnh nói trên trong chương trình “Good morning America”. “Tuyên bố này là sai sự thật”, ông Van Scott, Phó chủ tịch truyền thông của ABC News khẳng định.

Hình ảnh chỉnh sửa đã được chèn vào ảnh chụp màn hình một dòng tweet của ABC News. Các dòng tweet thực tế của ABC News nói về vụ xả súng cho thấy kênh truyền hình này chỉ sử dụng hình ảnh gốc chưa chỉnh sửa về Salvador Ramos.