Đó là những hiện vật mà các nông dân vô tình nhặt được trong lúc cuốc rẫy ven triền phù sa cổ. Những dòng báo cáo nhanh của hai nữ cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đã ghi dấu mốc đầu tiên cho việc sau đó xuất lộ dần một quần thể di tích với hệ thống đền đài hoành tráng suốt gần 20 km bên bờ bắc thượng nguồn dòng sông Đồng Nai.
Năm 1997, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Di tích Cát Tiên là Di tích cấp quốc gia; năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Nhiều đợt khai quật và nhiều cuộc hội thảo khoa học quy mô lớn với sự tham gia của các nhà nghiên cứu đa ngành đã được tổ chức.
Bắt đầu từ đây đã hé mở về một quần thể di chỉ khảo cổ học vô cùng giá trị và những giả thiết khoa học cực kỳ thú vị. Nhưng, những gì cần quan tâm về di tích này, nhất là việc xác định chủ nhân, niên đại, phong cách nghệ thuật vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.
Lòng đất Cát Tiên với sự hiện diện của một "thánh địa cổ" phát lộ dần trong không gian cụm di chỉ khảo cổ học trải dài hơn 20 km dọc triền sông và ngay cả trong lòng sông vùng thượng nguồn Đồng Nai với số lượng hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng chất liệu và chứa đựng những thông điệp bí ẩn vẫn chưa được giải mã thấu đáo. Di tích Cát Tiên thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong và ngoài nước.
Biết bao nhiêu cứ liệu đã được đặt ra, bao nhiêu lời phát biểu trên các diễn đàn, cùng với những bài viết phân tích và cả tranh luận của những nhà nghiên cứu đầu ngành, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, di tích Cát Tiên vẫn hiện hữu những câu hỏi bỏ ngỏ. Với những kho tàng bí ẩn mỗi ngày lại phát lộ thêm tại di tích nổi tiếng này, thì đó là những thách thức khoa học đầy hứng thú nhưng cũng vô cùng khó khăn.
Nhớ lại, ngay sau báo cáo của Bảo tàng Lâm Đồng và những cuộc thăm dò, khảo sát đầu tiên, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đã cử những chuyên gia khảo cổ học uy tín lên vùng đất ven sông Đồng Nai mở những cuộc thám sát mang tính chuyên môn cao tại không gian di tích. Các nhà khảo cổ của Viện đã hết sức vui mừng khi phát hiện tiếp khu di tích nằm ở Dốc Khỉ thuộc địa bàn xã Quảng Ngãi. Đây là nơi đầu tiên xuất lộ một khu phế tích đền đài hoành tráng.
Cùng đó, trên đỉnh núi cao gần đó, một đền thờ có kiến trúc gạch hình ovan với diện tích 8 m x 13 m đã được tìm thấy. Trên sáu ngọn núi nhỏ chung quanh cũng đều có dấu hiệu của những kiến trúc gạch. Giữa các đền, tháp được nối liền với nhau bởi sàn gạch phẳng, nhiều phiến đá lớn có đục mộng, đục lỗ làm bệ tượng, một cột đá có khắc 8 cánh sen và 2 bệ linga cực lớn; các chuyên gia cho rằng đó là sân hành lễ...
Trong suốt hàng chục năm tiếp theo, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm khảo cổ học-Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức 8 cuộc khai quật. Dưới lòng đất Cát Tiên ngàn đời ngủ yên đã xuất lộ dần những di vật vô cùng quý giá mà tiền nhân gửi lại. Dọc bờ bắc sông Đồng Nai, trong suốt chiều dài hàng cây số, một quần thể di tích với hệ thống hiện vật đậm đặc dần dần hiện ra.
Đó là hàng chục ngôi đền tháp, đền mộ lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện trong kiểu dáng, vươn lên trong một không gian huyền diệu, thể hiện một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ. Tại những khu đền tháp, hình ảnh các vị thần được tái hiện qua các bức tượng, vật thờ, phù điêu với nhiều chất liệu. Đó là vô vàn những hiện vật quý báu: những cặp ngẫu tượng linga-yoni lớn nhỏ, biểu tượng của cư dân cổ xưa với tín ngưỡng phồn thực; là những bức tượng phúc thần Ganesha, Shiva, Uma... bằng chất liệu đá quý, thủy tinh và kim loại.
Đặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm lá vàng và phù điêu bằng vàng với kỹ thuật vẽ nổi và khắc chìm điêu luyện. Ở trên đó là những hình ảnh chung một chủ đề tôn giáo thần bí với tín ngưỡng "thần mẹ" như thần Shiva, nam thần, nữ thần...; hình ảnh các tu sĩ, vũ nữ, người dâng lễ, chiến binh...; muông thú dưới dạng vật tổ và hoa lá như bò thần Nandin, ngỗng thần Hamsa, voi thần Airavata, khỉ thần Hanuman, trâu, ngựa, lợn, chim, cá; các biểu tượng hoa sen, đinh ba, bánh xe luân hồi...
Qua những cuộc khai quật, hiện vật phát hiện được từ di tích Cát Tiên ngày càng nhiều và phong phú. Tất cả những gì hiện hữu đã phản ánh một thế giới tâm linh huyền bí, sống động mà ở đó, yếu tố đa thần, phồn thực là nét chủ đạo, coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của sự sống và sáng tạo.
Không thể thống kê hết, chúng tôi đành dẫn lại lời khái quát của TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học: "Đây là khu di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu có giá trị nhất không những ở vùng Đông Nam Bộ mà cả vùng đất phương Nam trong lịch sử. Quy mô kiến trúc, số lượng hiện vật hòa nhập với nhau thành một thể thống nhất đã khẳng định đây là một khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương Nam".
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban Quản lý di tích Cát Tiên củng cố thêm: "Thánh địa này là bằng chứng hùng hồn về một nền văn minh rực rỡ từng tồn tại dưới chân dãy Nam Trường Sơn cách nay nhiều thế kỷ...".
Du khách tham quan khu Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên. |
* * *
Như chúng tôi đã trình bày, sau gần bốn mươi năm được phát hiện, Di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên vẫn là một thách thức của giới lịch sử-khảo cổ học về sự khẳng định khoa học. Di tích ra đời từ niên đại nào và thuộc phong cách nghệ thuật nào? Cư dân nào là chủ nhân thật sự của di tích Cát Tiên?
Sau những phát hiện đầu tiên, các nhà khảo cổ học tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra phỏng đoán: Cát Tiên có thể là đô thị tôn giáo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ II-VII. GS Hà Văn Tấn - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, thì cho rằng: "Di tích Cát Tiên là điểm quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia, Nhà nước cổ đại phương Nam. Với những chứng tích và di vật từ Cát Tiên có thể khôi phục được lại giai đoạn lịch sử không thành văn mà Cát Tiên là một trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia cổ đại".
Cố GS Trần Quốc Vượng - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đưa ra một nhận định khác hẳn: "Có thể hiểu, người Mạ đã chiếm lĩnh phần cao nguyên Lang Bian và gần như toàn bộ trung lưu sông Đồng Nai, và trước kia cả ở hạ lưu sông Đồng Nai với vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Cần Giờ... Họ làm chủ cả một khoảng rừng rậm mênh mông giữa Biên Hòa và Phan Thiết... Vào khoảng cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII họ đã thành lập một Nhà nước Mạ có quan hệ một cách lỏng lẻo với các nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Tiểu vương quốc Mạ lấy con sông Đồng Nai làm xương sống của mình. Toàn bộ cuộc sống của vương quốc này đều xoay quanh một con sông Mẹ ấy. Chúng ta có thể hình dung ra một mô hình cho tiểu vương quốc Mạ và con sông Đồng Nai: bến cảng là vùng Cần Giờ, trung tâm hành chính là Biên Hòa và thánh địa là Cát Tiên...".
Thế nhưng, khi các nhà nghiên cứu đang đưa ra những giả thiết như chúng tôi dẫn trên thì từ di tích Cát Tiên lại tiếp tục hiện diện những bất ngờ mới. Trong các đợt khai quật mới nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện một phế tích kiến trúc bằng gạch của một đền thờ có hình vuông (3,35 x 3,35 m), tiền điện xây theo hình bán nguyệt, mà theo họ là "chưa hề thấy trước đây".
Cũng tại lần khai quật này còn phát hiện tượng Phật cũng "chưa hề xuất hiện trong những lần khai quật trước". Đặc biệt là một hộp kim loại hình bầu dục dài cỡ 9 x 18 cm bằng bạc trên nắp chạm một con sư tử oai vệ, rồi con dấu bằng đá có khắc chữ cổ và máng nước thiêng (somasutra)...
Từ những gì đã thấy, các nhà khảo cổ học cho rằng, ở đây có yếu tố văn hóa bên ngoài, rất giống văn hóa Lưỡng Hà. Nhiều nhận định mới cũng đã được đưa ra: Những hiện vật phát hiện lần này là một bằng chứng cho thấy, cư dân chủ nhân của vùng đất Cát Tiên cổ xưa đã có sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, và khung niên đại của di tích này có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV-VIII, so với nhận định trước đây là thế kỷ VIII đến X...
* * *
Hàng chục năm qua, di tích Cát Tiên đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Nhiều hội thảo khoa học và diễn đàn đã được mở ra, nhưng việc xác định chủ nhân và niên đại của di tích quốc gia đặc biệt này vẫn là điều bí ẩn. Có người bảo đây là chứng tích của vương quốc người Mạ, người khác nói có thể là di sản của một tiểu quốc thuộc đế chế Phù Nam, cũng có ý kiến cho rằng, di tích này thuộc về một quốc gia nào đó trong lịch sử từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp.
Những giả thiết nêu trên vẫn còn bỏ ngỏ, như một thách thức treo trong đầu các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. "Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích Cát Tiên, vấn đề này không hề đơn giản", xin dẫn lời phát biểu của cố GS Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại cuộc hội thảo tổ chức tháng 12/2008 để khái quát cho khó khăn này.
Tại cuộc hội thảo nêu trên với sự chủ trì của Cục Di sản-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu về văn hóa Phù Nam, Chân Lạp, Champa và Cát Tiên. Hội thảo đã có hàng chục tham luận, ý kiến, thảo luận chung quanh các vấn đề: Vị trí và giá trị của di tích văn hóa Cát Tiên trong mối quan hệ với văn hóa Óc Eo-Phù Nam, Chân Lạp và Champa; niên đại của di tích Cát Tiên; chủ nhân văn hóa Cát Tiên; khả năng và hướng tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở khoa học xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa di tích vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Các nhà khoa học đều thống nhất rằng, di tích Cát Tiên không chỉ có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ nước ta mà còn có giá trị trong khu vực.
Dù một vài nhận thức có chỗ khác nhau, nhưng ý kiến chung đều cho rằng, khu di tích Cát Tiên là một thánh địa của tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ; Cát Tiên có mối quan hệ với Phù Nam nhưng không phải là thuộc quốc của Phù Nam, rất gần với dòng Champa nhưng không phụ thuộc vào Champa. Văn hóa Cát Tiên đứng giữa giao lưu hỗn dung cả ba nền văn hóa: Phù Nam, Chân Lạp và Champa. Các cuộc hội thảo tiếp theo vào năm 2014 và 2016 thì các nội dung nêu trên vẫn tiếp tục được đặt ra và cuối cùng… vẫn chưa thể kết luận.
Xác định phong cách nghệ thuật, niên đại và chủ nhân của di tích Cát Tiên là một công việc vô cùng khó khăn nhưng đó chính là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vì nó chính là tiền đề cho sự hoạch định những công việc tiếp theo. Đặc biệt, đó là yếu tố cấp thiết nhằm có cái nhìn thống nhất giúp các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn đưa ra phương án tốt nhất cho việc bảo vệ, tu bổ và phát huy những giá trị của di tích. Việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là Di sản văn hóa thế giới cũng từng được đưa ra nhưng chưa thể thực hiện khi chúng ta chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề cơ bản đó.