Những bài học từ nền văn học cách mạng và kháng chiến     

Một thực tế hùng hồn và sinh động

Người ta đã chia khoảng thời gian mười lăm năm, 1930 - 1945, thành một giai đoạn văn học. Giai đoạn này có ba dòng văn học cùng tồn tại: văn học cách mạng (có từ những năm 1920), văn học hiện thực phê phán (đại diện tiêu biểu là Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan) và văn học lãng mạn, mà hạt nhân là Phong trào Thơ mới. Phong trào Thơ mới, đến nay vẫn được coi là một thời kỳ thăng hoa rực rỡ của thơ ca Việt Nam, làm xao động mạnh mẽ đến mọi trái tim của công chúng đương thời và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều năm sau. Thơ mới chỉ diễn ra trong vòng mười năm, từ 1932 - 1941.

Ðánh giá về sự đóng góp, cũng có thể nói là sự khác biệt của Thơ mới nói chung, của văn học lãng mạn nói riêng, chính là sự xuất hiện của cái tôi. "Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào, chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân" (Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân). Tố Hữu cho rằng, Thơ mới đã nói lên được "một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã". Con người trong văn học cũng như trong xã hội trước đây là cái ta, ta của chức phận, của con người hệ thống. Bây giờ là con người cá nhân, riêng biệt, là một thế giới, một vũ trụ:

Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta

                  (Xuân Diệu)

Cái tôi, khi đẩy lên cực đoan, sẽ là tiêu cực, nhưng sự phát hiện, khơi dậy cái tôi cá nhân đã đem lại cho văn học và xã hội một sức mạnh mới, một tiếng nói mới, một giá trị nhân văn mới, đem lại quyền sống tự nhiên, tự do cho con người; thấy rõ sự sống là vật báu mà thiên nhiên ban tặng.

Nhưng cái tôi không cứu được sự bế tắc của văn học lãng mạn vì nó chính là một phần của nguyên nhân. Giữa lúc đó, Cách mạng Tháng Tám nổ ra rồi kháng chiến trường kỳ. Không chỉ có các văn nghệ sĩ, mà tất cả mọi dãy núi, mầu mây và dòng sông đều cuốn vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong cuộc "nhào nặn" đó, đã làm bật ra, tuôn trào một dòng văn học mới căng tràn nhựa sống.

Cũng đúng 10 năm (1945 - 1954) dòng văn học mới đã mang cái tôi đang có nguy cơ thiếu dưỡng khí hòa vào cái ta rộng lớn, làm cho nó trở nên mạnh mẽ hơn trong dòng chảy từ truyền thống thấu suốt tới tương lai. Khác với cái ta xưa khuôn mình trong bổn phận, cái ta nay là sự hài hòa rất đẹp với cái tôi, cất nên tiếng ca mới lảnh lói, trong lành. Con người cá nhân tìm thấy chỗ đứng giữa nhân dân, văn học tìm thấy chỗ đứng cao cả trong sự nghiệp dân tộc. Nhiều tác phẩm được viết trong thời kỳ này sống mãi với thời gian: Ðôi mắt của Nam Cao, ký sự của Trần Ðăng, Làng của Kim Lân, Việt Bắc của Tố Hữu, Ðất nước của Nguyễn Ðình Thi, Núi Ðôi của Vũ Cao, Bên kia sông Ðuống của Hoàng Cầm, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Nhớ của Hồng Nguyên, Ðồng chí của Chính Hữu, Ðêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Thăm lúa của Trần Hữu Thung...

Những bài học cho hôm nay

Văn học Việt Nam cũng như các loại hình nghệ thuật khác trong thời kỳ đất nước đổi mới, nói rộng ra là từ năm 1975 đến nay, có khá nhiều thành tựu, bồi bổ thêm nhiều phẩm chất mới; tuy nhiên, chưa có được những thành tựu nổi bật, chưa có những tác phẩm tương xứng so với lịch sử và đòi hỏi của thời đại.

Ta có thể học tập được những bài học gì của nền văn học cách mạng và kháng chiến?

Trước hết, theo chúng tôi đó là một nền văn học thống nhất, thống nhất trong lý tưởng, trong một đội ngũ, trong những mục tiêu được xác định. Những mục tiêu đó được chỉ dẫn bởi tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ. Trong "Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ" ngày 25-5-1947, Người viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc". Ở "Thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai", ngày 15-7-1948, Người lại khẳng định: "Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng... Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc của con cháu đời sau". Ðến "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951", Người xác định rõ hơn: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có một nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Ðể làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm lại là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết".

Bài học thứ hai, muốn cho nền văn học được khỏe khoắn thì cảm hứng chủ đạo phải là cảm hứng về Tổ quốc, dân tộc, về sự nghiệp lớn của nhân dân.

Bài học thứ ba, là bài học về sự gắn bó với cuộc sống. Tính hiện đại, tính nhân bản của nghệ thuật chỉ có thể có được khi người nghệ sĩ có sự gắn bó máu thịt với đời sống, vì tính hiện đại nằm ngay chính trong đời sống thường nhật của quê hương mình, dân tộc mình. Cuộc đấu tranh cam go để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; cuộc đấu tranh đòi hỏi những gắng gỏi, hy sinh để bứt phá khỏi nghèo nàn, lạc hậu, sánh vai cùng các cường quốc năm châu chưa thấy hiện lên khỏe khoắn, hoành tráng trong văn học nghệ thuật.

Có những văn nghệ sĩ coi việc phản ánh chân thật cuộc sống là tầm thường. Việc cổ vũ sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân là việc của tuyên huấn, tuyên truyền. Quan niệm như vậy thật là một sự cứng nhắc, không thấu đáo. Nghệ thuật luôn hướng về cái đẹp. Tuyên truyền lý tưởng và nhân phẩm cũng luôn hướng về cái đẹp. Bởi vậy, ở đây có một sự thống nhất biện chứng.

Có những người lại cho rằng, nghệ thuật phải hướng tới vĩnh cửu, là hướng ra thế giới, hướng tới người đọc cao siêu của muôn sau nào kia, chứ không phải cho những người lao động hôm nay. Ðiều đó nếu có đúng, chỉ đúng một phần rất nhỏ. Về vấn đề này, đồng chí Trường Chinh trong bài "Mấy vấn đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật" đã nói rất có lý, có tình: "Văn nghệ sĩ nào có đủ điều kiện hoặc cao hứng, muốn sáng tác kỹ và lâu để cho nghệ thuật được "vĩnh cửu" xin cứ làm. Một điều chắc chắn là nếu văn nghệ sĩ đó trung thành với thời đại, đi sát cuộc chiến đấu của dân tộc và đời sống của nhân dân, thì tác phẩm của họ, nghệ thuật càng cao, càng có ý nghĩa tuyên truyền mạnh... Nếu tác phẩm của ta tả một cảnh sinh động thì nhất định quần chúng sẽ hiểu, sẽ cảm, sẽ biết thưởng thức và sẽ ưa thích. Cảm tình của quần chúng trong trẻo, chân thật và nồng thắm vô cùng".

Ðể kết thúc bài viết này, xin trích lời Nguyễn Ðình Thi, một nhà văn hóa lớn đã quá cố, như một lời nhắn gửi những người cầm bút hôm nay:

"Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới...

Trong muôn nghìn khó khăn cực khổ, cuộc sống kháng chiến của chúng ta vui sướng bao nhiêu. Ðời chúng ta chan chứa một niềm vui chói lọi, cái vui làm chủ được cuộc sống, cái vui khỏe người, cháy rực, dạt dào lòng yêu. Chúng ta yêu trời sao vô hạn và giọt sương buổi sáng. Chúng ta yêu đất nước tưới đẫm mồ hôi người, mỗi viên gạch, mỗi hòn đất nói lại bao nhiêu vinh quang hay tủi hờn.

Chúng ta đòi một văn nghệ mang được sự sống của những con người nơi ấy, chúng ta muốn giở những trang sách cháy bỏng đầu ngón tay".

Vậy đó, nghệ thuật chỉ có thể có được mùa hoa trái ngọt lành khi biết cắm rễ sâu vào hiện thực, hút nhụy mật từ cuộc sống sôi động và muôn sắc. Và chính người cầm bút không phải đứng ngoài, đứng trên, mà phải đứng giữa trung tâm cuộc sống, giữa sự nghiệp của nhân dân mình, dân tộc mình, phấn đấu quên mình cho thắng lợi của sự nghiệp đó. Không có thái độ ấy thì không thể có gì. Nhưng chỉ như vậy, đã rất lớn, cũng chưa đủ. Còn cần phải có tài năng, không chỉ bẩm sinh mà còn rèn giũa, bồi bổ được trong sự gắn bó con người, trong một tình yêu vĩ đại.