Bản sắc ấy được giữ gìn qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã làm nên tính cách người dân nơi đây, như những cây sa mu bám đá, vượt lên kiên cường mà vẫn ấm áp tình người, sự lạc quan và hồn nhiên. Đó cũng là điều hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch đến với miền núi cao “phên giậu” của Tổ quốc.
Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cực bắc Tổ quốc có địa hình đa dạng, nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó có sáu dân tộc ít người (dưới 10.000 người) là Lô Lô, Pu Péo, Phù Lá, Cờ Lao, Bố Y, Pà Thẻn sinh sống đan xen nhau ở 10 huyện và thành phố. Dù ít hay nhiều, nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều ẩn chứa những nét nguyên sơ bản địa và sắc thái văn hóa riêng hòa vào dòng chảy văn hóa chung, tạo nên một vùng đất đầy sức hấp dẫn.
vùng tài nguyên nhân văn hấp dẫn
Người dân Hà Giang có câu “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” ngụ ý chỉ hai cung đường đi lại khó khăn bậc nhất trong các tuyến đường của tỉnh. Trải qua sáu giờ ngồi ô-tô, từ thành phố Hà Giang vượt qua dải núi Tây Côn Lĩnh, vượt lên những con dốc dài hiểm trở, chúng tôi tìm đến bản làng của người Cờ Lao, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì. Đây là nơi cư trú của tộc người Cờ Lao đông nhất cả nước.
Ông Min Phà Kháy, một già làng có uy tín tại địa phương, chia sẻ: “Dân chúng tôi rất vui mừng khi lễ cầu mùa của người Cờ Lao vừa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là tín ngưỡng nông nghiệp xa xưa cầu cho vụ mùa thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, nhắc người Cờ Lao biết ơn tổ tiên đã chinh phục và cải tạo thiên nhiên để có được và trao truyền lại cho con cháu những thửa ruộng bậc thang như ngày nay. Di sản đó giúp thế hệ trẻ biết yêu lao động, biết làm ra của cải từ quyết tâm và bao mồ hôi đổ xuống”.
Vào tháng 9 âm lịch hằng năm, đến Túng Sán ngắm ruộng bậc thang không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào người Cờ Lao giúp nhau gặt lúa, đập lúa trên nương của gia đình. Những vụ mùa bội thu chứng tỏ họ là một trong những dân tộc có trình độ canh tác trên đất dốc đạt mức cao.
Là một nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc ở địa phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân nhận định: “Sống ở những vùng núi cao, địa hình rất khó khăn nhưng bằng tình yêu lao động và khả năng mưu sinh mạnh mẽ họ đã khai phá ruộng bậc thang trên khắp các triền núi. Lễ cầu mùa theo quan niệm của đồng bào là vạn vật hữu linh nhưng ẩn sâu giá trị văn hóa là sức mạnh đoàn kết do bàn tay lao động”.
Các dân tộc anh em khác như người Lô Lô, Hà Nhì, Pu Péo, người H’Mông, người Tày, Nùng, Dao... trên các bản làng vùng đất biên cương Tổ quốc luôn tự hào và giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Sự đa dạng trong thống nhất đã tạo nên một vườn hoa muôn sắc màu, sinh động, hấp dẫn và khác biệt của Hà Giang so với nhiều nơi.
Điều đáng trân trọng nếu biết rằng bản sắc ấy được bảo tồn qua những thăng trầm và chiến tranh, như những cây sa mu bám đá, một biểu tượng ngạo nghễ, kiên cường trên vùng đất cao nguyên. Cũng vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Hà Giang là điểm đến thu hút đông đến thế lượng khách du lịch đổ về những năm qua.
Không chỉ là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, là thành quả lao động, bám đá, giữ đất hàng nghìn đời, đó còn là những phong tục, tập quán, lễ hội tốt đẹp... Ngoài lễ Cầu mùa của dân tộc Cờ Lao còn có lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, lễ cầu mưa của người Lô Lô… Tại những lễ hội này, trang phục dân tộc là một thành tố văn hóa quan trọng tạo nên hình ảnh đặc trưng và rất dễ nhận biết của từng tộc người.
Tuy có những lúc thoạt nhìn tưởng bản sắc đã mai một, ít hiển hiện trong cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, song nó đã ăn đậm, in sâu trong máu thịt người dân nơi đây. Trong chuyến công tác, gặp gỡ đồng bào, chúng tôi ít thấy họ mặc trang phục dân tộc. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Hoài giải thích: “Đối với một số dân tộc, trang phục truyền thống thường chỉ được sử dụng trong những dịp lễ quan trọng.
Những năm gần đây, kinh tế phát triển dẫn đến sự giao thoa, du nhập văn hóa và nhất là sự tiện lợi trong đời sống sinh hoạt, cho nên cũng có những thay đổi nhất định, nhưng về bản chất thì không như vậy.
Trong những dịp lễ lạt, kỷ niệm quan trọng, người dân mới mặc trang phục truyền thống và họ rất tự hào được khoe những nét độc đáo ấy. Nó chính là những thông tin mang giá trị lịch sử của từng tộc người, là mã văn hóa thể hiện trình độ, sự hòa hợp của con người với thiên nhiên và xã hội, đặc biệt là thông điệp của quá khứ để lại, trao truyền như mạch nguồn văn hóa không bao giờ ngừng chảy trong mỗi người, mỗi dân tộc”.
Đồng bào H’Mông hướng dẫn du khách nước ngoài trải nghiệm cây khèn truyền thống tại xã văn hóa Lùng Tám, huyện Quản Bạ. (Ảnh PHẠM PHƯỜNG) |
Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang sở hữu ba bảo vật quốc gia, 446 di sản văn hóa phi vật thể, 131 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 27 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đóng góp vào sự giữ gìn các giá trị di sản có phần công lao không nhỏ của các nghệ nhân ở các bản, làng. Trên toàn tỉnh hiện có 34 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Trong cộng đồng 19 dân tộc còn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú với các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, các tri thức canh tác nông nghiệp độc đáo. Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, đưa văn hóa trở thành mục tiêu, động lực và mục tiêu phát triển của vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.
Gìn giữ, phát huy bản sắc
Thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp đưa di sản thành tài sản và đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh; giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa với phát triển và hội nhập.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết: Trong tháng 5 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc. Với phương châm “gạn đục khơi trong” mục tiêu của Nghị quyết xác định “Đảng viên đi trước làng xã theo sau”, các cán bộ, đảng viên ở mỗi bản, làng phải là người gương mẫu tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng dân tộc thiểu số”.
Để bảo vệ, giữ gìn các phong tục, văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Thời gian qua, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, mời các già làng trưởng bản, nghệ nhân dân gian và người có uy tín trong cộng đồng để trưng cầu ý kiến. Bởi họ là những người “giữ lửa” trực tiếp tham gia lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chúng tôi đến thăm thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Dưới những mái nhà trình tường phủ nét thời gian trong bản, là cuộc sống của bao thế hệ người Bố Y. Bà Lộc Thị Liên - Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian của xã hồ hởi dẫn chúng tôi đến nhà nhiều người dân, thăm các thành viên đội nghệ nhân dân gian và các cơ sở dệt vải, sản xuất thổ cẩm truyền thống Bố Y.
Bà Liên cho biết, mỗi khi nông nhàn, bà thường cùng các nghệ nhân dành nhiều công sức chỉ bảo, uốn nắn cho chị em phụ nữ, nhất là các bạn trẻ những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống và cách dệt, nhuộm mầu, phối chỉ. Theo các nghệ nhân, người phụ nữ không những có trách nhiệm “giữ lửa” hạnh phúc, gắn kết các thành viên trong gia đình mà chính họ còn là người giữ gìn và trao truyền các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian và các ngành nghề cổ truyền cho các thế hệ sau này.
Cũng qua những hoạt động như vậy, việc tuyên truyền vốn sống, vốn hiểu biết, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Bà Liên lấy thí dụ như các buổi sinh hoạt tập hát dân ca chẳng hạn, thu hút rất đông người dân trong bản tham gia và từ đó có thể nói chuyện, vận động bà con xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan để xây đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng giàu bản sắc.
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, lãnh đạo tỉnh Hà Giang và ngành văn hóa đã tập trung khôi phục các giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một, nâng cao vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian, mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống trong trường học, đồng thời quan tâm làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình, kiến trúc nghệ thuật và tìm giải pháp phát huy các giá trị di sản, huy động sự tham gia chung tay của cộng đồng.
Điều đó có thể thấy qua thực tế ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nằm gần khu Cột cờ quốc gia Lũng Cú khi họ đã biết khai thác lợi thế bản sắc văn hóa, tạo dựng thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, sinh động. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết và các mùa hoa trong vùng, người Lô Lô trong thôn đều tổ chức các hoạt động gắn với đón khách du lịch như: Lễ cúng tổ tiên, múa trống đồng, thêu dệt vải truyền thống, trò chơi dân gian... Là người có uy tín trong cộng đồng Lô Lô ở đây, trưởng bản Sìn Gỉ Gai là người đầu tiên mở homestay đón khách du lịch.
Qua thời gian thấy làm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã vận động, hướng dẫn bà con trong thôn bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc để cùng anh làm du lịch. Hiện tại, nhiều nếp nhà trình tường xưa cũ trong bản đã trở thành phòng nghỉ đón đông các đoàn khách du lịch, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình với các dịch vụ kèm theo.
Cũng từ đây, hoạt động văn nghệ diễn ra sôi động, giúp du khách có dịp khám phá những làn điệu dân ca, dân vũ, thu hút người dân tham gia. Trung bình mỗi năm thôn Lô Lô Chải đón hơn 12.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Phải nói, du lịch đã làm thay đổi diện mạo và đời sống kinh tế của một vùng biên giới cực bắc.
Chia sẻ với chúng tôi trưởng thôn Sìn Gỉ Gai cho biết: “Bản thân tôi đã tự học và giúp người dân học tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài. Làm du lịch khó mà dễ, khó là làm sao để tạo sự hấp dẫn, mới mẻ, thu hút khách bằng sản phẩm du lịch độc đáo và chất lượng dịch vụ nâng cao. Dễ ở chỗ mình có sẵn tài nguyên du lịch, chỉ cần biết nắm bắt cơ hội và thị hiếu du khách là có thể thành công”.
Thật hiếm có làng văn hóa du lịch cộng đồng nào đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, vậy mà thôn Lô Lô Chải của Sìn Gỉ Gai đang nắm giữ danh hiệu ấy với toàn bộ 12 tiêu chí đánh giá đều đạt trong bốn năm liên tục. Chủ tịch UBND xã Lũng Cú Ma Doãn Khánh cho biết: “Sản phẩm du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được chứng nhận đạt 3 sao OCOP mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, xã đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao các tiêu chí, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Có thể nói, với những thành quả trong công cuộc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế đã và đang mang đến những thay đổi sâu sắc ở vùng biên cương cực bắc và là thế mạnh, tạo đà khai thác, phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đưa Hà Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.