Nhu cầu quản lý thuốc lá mới là cấp thiết

Hiện xã hội đang lo ngại sự hấp dẫn của các loại các sản phẩm thuốc lá mới là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đối với giới trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh cao gấp 4 lần so với sản phẩm thuốc lá mới khác.

Theo kết quả khảo sát mới đây do Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường Sức khỏe (CHERAD) thực hiện trên hơn 1.000 học sinh từ 12-17 tuổi, đang theo học THCS và THPT tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong 30 ngày gần đây cao gấp hơn 4 lần so với thuốc lá làm nóng (TLLN).

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ sử dụng TLLN thấp hơn nhiều so với TLĐT, dù cùng là thuốc lá mới, nghiên cứu của CHERAD đánh giá rằng điều này có thể do giới trẻ ưa chuộng các loại TLĐT vì giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, đa dạng, dễ tiếp cận. Ngược lại, TLLN có giá thành hiện tại cao gấp 2-4 lần so với thuốc lá điện tử nên ít phổ biến với học sinh hơn.

Kết luận này được PGS, TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc CHERAD chia sẻ tại tại tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới” do báo VietnamPlus tổ chức ngày 17/8 vừa qua.

Trước đó, theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ hút TLĐT năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng TLĐT tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24. Đồng thời, trong dữ liệu này không đề cập đến tỷ lệ sử dụng TLLN ở giới trẻ.

Đánh giá thực trạng học sinh cấp 2 - cấp 3 sử dụng thuốc lá mới, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế khẳng định: “Vì chưa được đưa vào quản lý nên dẫn đến việc giới trẻ dễ tiếp cận thuốc lá mới. Thực tế trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), việc ngăn chặn học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá đã có quy định rất đầy đủ”.

Do đó, một hành lang pháp lý phù hợp song hành cùng với việc tăng cường thực thi xử lý người dưới 18 tuổi hút thuốc sẽ giúp ngăn chặn sự tiếp cận của các đối tượng này đối với mọi loại thuốc lá.

Cần quản lý nhưng chưa thể đồng bộ mọi loại sản phẩm thuốc lá mới

Trước tình trạng phổ biến của các loại thuốc lá mới, phần lớn đại diện bộ ngành, chuyên gia đều đồng thuận cần quản lý thay vì cấm, bởi việc giới trẻ sử dụng thuốc lá không chỉ xảy ra đối với thuốc lá mới. Thực tế, trong suốt nhiều năm qua vấn nạn hút thuốc lá điếu ở giới trẻ luôn là nỗi lo lắng của ngành y tế. Thế nhưng, đến nay thuốc lá điếu và thuốc lá nói chung vẫn là ngành hàng kinh doanh có điều kiện dưới sự giám sát, điều phối của Chính phủ và các bộ ngành chức năng. Do đó, cấm thuốc lá mới là điều khiên cưỡng.

Tuy nhiên, để kiểm soát TLĐT, TLLN phù hợp với tính chất sản phẩm là không dễ dàng. Nguyên nhân do đặc tính sản phẩm của hai loại này khác biệt. TLLN có chứa nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu nên đang được phần lớn bộ ngành đồng thuận là phù hợp để đưa vào kiểm soát ngay theo Luật PCTHTL hiện hành. Trong khi đó, TLĐT chỉ có chứa tinh dầu, không có nguyên liệu thuốc lá như Luật PCTHTL đã định nghĩa nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý định danh sản phẩm.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật – Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định, TLLN có nguyên liệu là thuốc lá, đã được WHO công nhận là thuốc lá, phù hợp với Luật PCTHTL, Nghị định 67/2013. Do đó, theo ông Hải, Chính phủ có thể ban hành Nghị định sửa đổi để đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý ngay.

Trong khi đó, trong hội thảo "Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 18/8, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính chất vấn: “Nếu TLĐT không có lá thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, vậy làm sao để xác định đây là sản phẩm thuốc lá để áp dụng quy định hiện hành?”

Thực tiễn cho thấy, nhu cầu quản lý thuốc lá mới là cấp thiết, tuy nhiên để quản lý đồng bộ là chưa thể trong đó sự khác biệt về pháp lý của từng sản phẩm đang là rào cản lớn. Có thể nói, đối với TLLN thì không có khoảng trống nào về mặt pháp lý từ luật trong nước cho đến khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể WHO kêu gọi chính phủ các nước quản lý TLLN theo luật hiện hành của nước sở tại, theo đó đối với Việt Nam là Luật PCTHTL. Ngược lại WHO nhận định TLĐT có tính chất, cấu trúc phức tạp, thay đổi liên tục nên đã có hướng dẫn quản lý riêng đối với sản phẩm này từ Hội nghị Các bên lần thứ 7 (COP7).

Mặt khác, ngành y tế cũng đã nhấn mạnh hiện Việt Nam thiếu hụt nguồn lực y tế, hệ thống quản lý các sản phẩm này chỉ mới đang từng bước thăm dò, cần cẩn trọng trong việc hợp pháp hóa. Chính vì vậy, trong bối cảnh cấp thiết nhu cầu kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới, theo các chuyên gia nên từng bước quản lý đối với những sản phẩm đã sẵn sàng về mặt pháp lý như TLLN hay các sản phẩm chứa nguyên liệu thuốc lá.

Nhu cầu quản lý thuốc lá mới là cấp thiết ảnh 1

Hành động này cũng là phương án để giảm tải gánh nặng cho các bộ ngành khi từng bước kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý dựa trên cơ sở thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là tiền đề quản lý các loại thuốc lá mới khác trong tương lai cũng như là cơ sở pháp lý để áp dụng hoặc nâng mức chế tài thật nặng đối với người dưới 18 tuổi hút thuốc lá.