Nhóm nông sản kéo thị trường hàng hóa phái sinh suy yếu

NDO - Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, trong tuần giao dịch 31/7-6/8, đà giảm chủ yếu xuất phát từ thị trường nông sản, với 6/7 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa với mức giảm lên tới 10,12%,  giá ngô khép lại tuần vừa rồi với mức giảm 6,22%.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, tuần vừa qua, thị trường hàng hóa nguyên liệu sụt giảm mạnh 3 phiên đầu tuần, sau đó hồi phục trong 2 phiên cuối tuần. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,6% xuống 2.292 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định, trung bình đạt trên 3.800 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong tuần giao dịch 31/7-6/8, đà giảm chủ yếu xuất phát từ thị trường nông sản với 6/7 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Sau 4/5 phiên giảm mạnh, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa với mức giảm lên tới 10,12%, kết thúc chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó. Nguồn cung từ Nga trong niên vụ 23/24 dự kiến sẽ mở rộng đã gây sức ép mạnh lên giá lúa mì trong tuần vừa qua.

Liên minh Ngũ cốc Nga cho biết, nước này đã xuất khẩu 5,678 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 7, tháng đầu tiên của niên vụ 23/24, tăng 60% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các lô hàng lúa mì xuất khẩu của Nga trong tháng vừa rồi đạt 4,54 triệu tấn, tăng 50% so cùng kỳ năm trước.

Theo MXV, triển vọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của Nga được đẩy mạnh đã làm mờ đi những lo ngại về sự gián đoạn của nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen, qua đó gây áp lực lớn lên giá lúa mì.

 Nhóm nông sản kéo thị trường hàng hóa phái sinh suy yếu ảnh 1

Tương tự lúa mì, giá ngô hợp đồng tháng 12 cũng đã suy yếu liên tiếp trong 4 phiên đầu tuần. Nhịp giảm mạnh này đã đẩy giá ngô về sát vùng hỗ trợ mạnh, từ đó lực mua kỹ thuật giúp giá hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy vậy, giá ngô vẫn khép lại tuần vừa rồi với mức giảm lên tới 6,22%. Triển vọng xuất khẩu tiêu cực của Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá sụt giảm.

Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cho biết, nước này đã xuất khẩu 6 triệu tấn ngô trong tháng 7. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng mua ngô lớn nhất của Brazil trong tháng trước, với khoảng 1,3 triệu tấn đã được vận chuyển tới quốc gia Nam Á này. Tổng cộng, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,23 triệu tấn ngô từ Brazil trong 7 tháng đầu năm nay.

ANEC cũng dự báo các lô hàng ngô Brazil tới Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm. Đây là dấu hiệu cho thấy ngô Mỹ sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của ngô Brazil tại thị trường chủ chốt Trung Quốc, khiến giá ngô tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) chịu áp lực.

Bên cạnh đó, báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) tuần trước cho thấy, Mỹ bán được 107.521 tấn ngô niên vụ 22/23 trong tuần kết thúc ngày 27/7, giảm 65,8% so với một tuần trước. Dữ liệu bán hàng gây thất vọng của Mỹ trong tuần đánh giá cũng góp phần tạo áp lực lên giá ngô.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, tuần này sẽ là tuần rất sôi động đối với thị trường nông sản với loạt báo cáo quan trọng được công bố.

Vào tối thứ 5, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil sẽ phát hành báo cáo tháng 8, cung cấp các số liệu cung cầu với tính chính xác cao.

Sau đó 1 ngày, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng sẽ đưa ra các số liệu tổng quát và chi tiết đến từng quốc gia xuất nhập khẩu lớn, giúp nhà đầu tư đánh giá thực trạng và triển vọng cung cầu trong giai đoạn tiếp theo. Sau giai đoạn hạn hán kéo dài kể từ tháng 5 cho tới khi cây trồng bước vào giai đoạn sinh trưởng hiện tại, khả năng USDA có thể sẽ cắt giảm dự báo sản lượng ngô và đậu tương Mỹ niên vụ 2023/24 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá các mặt hàng.

Dự kiến, các mặt hàng nông sản sẽ biến động mạnh cả trước, trong và sau thời điểm phát hành các báo cáo.