Nhọc nhằn nghề muối

Cái nóng mùa hè miền trung chẳng bao giờ dễ chịu với bất cứ ai. Nhưng với người dân làm muối trong kỳ chính vụ, họ lại cầu mong một tháng có thật nhiều ngày nắng thật to...

Thu muối trên cánh đồng muối thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Thu muối trên cánh đồng muối thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ở nơi người dân mong trời thật nắng

1 giờ trưa. Nhiệt độ ngoài trời có lẽ hơn 40 độ C, chúng tôi có mặt tại thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Nghĩ rằng, tầm này, chắc chắn những người làm muối đã về nhà ăn cơm, tranh thủ nghỉ trưa nên chúng tôi khá bất ngờ khi nhìn xuống cánh đồng muối nhấp nhô bóng người.

Trên mỗi khuông muối, có ít nhất từ một đến hai người. Tất cả đều đội nón, mặt che kín bằng khăn, chỉ chừa lại đôi mắt, quần áo đều mầu sẫm.

Tôi hỏi chuyện một người phụ nữ có nước da đen sạm vì hơi nóng gió Lào. Bà giới thiệu mình là Hồ Thị Phon, năm nay 63 tuổi. Thật khó tin ở cái tuổi như vậy, bà Phon trông vẫn rất khỏe mạnh, đôi tay gân guốc nhịp nhàng văng cát, miệng vui vẻ ngâm mấy câu thơ về nghề muối: "Người làm muối có nước da ngăm/Chắc vì nắng gió ghé thăm đêm ngày?/Còn vì cả những tháng ngày/Phơi dòng nước mặn thành khay muối nồng/Nên em… Hạt muối biết không?/Mặn vì thắm đượm bao công sức người".

Nghe tôi nói, để trời bớt nắng rồi hẵng làm tiếp, bà Phon cười và nói: "Làm muối mà sợ trời nắng thì đừng làm". Bà cho biết, làm muối rất vất vả, tay diêm dân ai cũng chai cứng vì cầm xẻng văng cát suốt ngày, da thì sạm đen vì nắng. Với họ, nắng và gió là bạn đồng hành. Khi mọi người đều đang ngủ ngon thì bà Phon và những người làm muối lại rời nhà từ 4 tới 6 giờ sáng. Khi tất cả tranh thủ nghỉ ngơi vào mỗi buổi trưa thì họ lại tiếp tục công việc của mình từ khoảng 13 giờ cho đến khi mặt trời xế bóng.

Sở dĩ họ ra đồng sớm là để đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô phơi cho kịp nắng lên. Nghe tưởng đơn giản nhưng làm việc này phải có kinh nghiệm mới có được những mẻ muối khô, trắng tinh. Nếu đổ quá nhiều, muối sẽ ngậm nước, không khô, không thể thu hoạch. Muối phải làm trong ngày, không để qua đêm. Vì thế, diêm dân luôn phải đi từ sáng sớm và trở về khi tối trời.

Trước đây, diêm dân ở đây thường làm muối theo cách truyền thống cho nên hiệu quả không cao. Từ ngày học được mô hình sản xuất muối của người Nam Ðịnh, năng suất tăng lên đáng kể. Theo ông Ðặng Danh Tuyên, 63 tuổi, trưởng thôn Nghĩa Bắc, nhờ học được cách làm mới, sản lượng của gần 200 hộ làm muối ở đây tăng lên nhiều, đỡ tốn công sức. Trước tiên, diêm dân sẽ văng cát (rải cát) ra các khuông đất để phơi khô. Chỗ cát này được tưới nước biển để thêm độ mặn. Khi cát khô sẽ được xúc vào dát (các ô được xây cao và dài) rồi đổ nước biển lên để lọc muối. Lượng nước sẽ thấm qua các dát để tăng thêm nồng độ muối. Nước này sẽ được lọc vài lần rồi chuyển sang giếng, sau đó múc lên phơi ở các ô. Khâu tiếp theo sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mà ở đây là nắng, gió và độ ẩm.

Theo bà Tô Thị Châu, 64 tuổi, thời điểm sản xuất được nhiều muối nhất là từ tháng tư đến tháng bảy, đó là những tháng nắng dữ dội. Ngày nắng to như thế, bà cũng chỉ làm được nhiều nhất là hơn một tạ muối, giá bán ra 120 nghìn đồng/tạ. Còn những ngày nắng yếu, bà làm được 60 đến 70 kg muối. Thu nhập trung bình của hầu hết diêm dân ở đây trong một ngày khoảng 100 nghìn đồng. Từ khoảng tháng một đến tháng ba khi mưa gió, nồm ẩm, diêm dân không thể làm muối, chỉ dành thời gian để tu bổ đồng muối đón vụ mới.

Mồ hôi mặn hơn muối

Vất vả là thế, nhọc nhằn là vậy nhưng điều đáng nói là công việc làm muối dường như không dành cho thanh niên. Trên đồng muối ở thôn Nghĩa Phú, tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay một vài cô gái, còn khắp các khuông muối toàn người già. Họ cần mẫn cầm xẻng văng cát, múc nước, đẩy xe muối dưới cái nắng chang chang. Trong các khuông muối còn thấp thoáng những cô bé, cậu bé trong độ tuổi học sinh nhưng đã làm việc thành thục như những diêm dân thực thụ. Tôi hỏi chuyện hai em Tô Thị Kim Tuyến và Tô Huy Vũ, mới 14 và 12 tuổi. Tuyến và Vũ vẫn đến trường mỗi sáng, còn lại là dành thời gian trên đồng muối để phụ giúp bố mẹ. Tuyến cho biết, nghề muối không đủ chi tiêu cho gia đình cho nên bố mẹ em phải đi làm thợ hồ để trang trải cuộc sống. Chỉ phần việc nặng như thu muối thì bố mẹ làm lúc xế chiều.

Ông Ðặng Danh Tuyên cho biết, ông làm muối từ khi còn nhỏ. Ở tuổi này ông vẫn chưa dứt được với những khuông muối, vẫn vác xẻng ra đồng. Xòe đôi bàn tay chai cứng, ông Tuyên tâm sự, mỗi khi văng cát hay múc nước, vết chai cứa rất đau nhưng rồi cũng quen. Ngồi nhà không chịu nổi, ông lại ra phơi mình dưới nắng. Tuy vậy, thu nhập từ làm muối thấp cho nên ông chăn nuôi thêm hươu để bảo đảm sinh hoạt.

Phần lớn diêm dân ở thôn Nghĩa Bắc đều làm thêm nghề phụ như: cắt đầu cá, làm vườn, chăn nuôi gia súc và nuôi hươu. Bà Châu cho biết, hầu hết diêm dân ở đây đều nuôi thêm hai tới bốn con hươu để lấy nhung. Một năm, thu hoạch hai lứa, mỗi bộ nhung bán được khoảng bốn triệu đồng. "Có tiền bảo đảm cuộc sống mới có sức mà gắn bó với nghề của cha ông", bà Châu giải thích.

Những người trong nghề cho hay làm muối công nghiệp (còn gọi là làm muối dân dụng), cho sản lượng cao và không cực khổ, nhưng chất lượng không ngon, muối có vị chát. Còn nếu làm muối theo cách truyền thống như ở thôn Nghĩa Bắc này thì muối sẽ đậm đà hơn. Có lẽ vì những hạt muối chất lượng như thế, diêm dân nơi đây không quản khó khăn, vẫn ngày ngày cần mẫn, cặm cụi dưới nắng để đổi lấy những cánh đồng muối trắng đến lóa mắt.