Cuộc sống của các vận động viên tại Làng Olympic

NDO -

Olympic Tokyo 2020 sẽ trở thành kỳ thế vận hội đáng nhớ nhất trong lịch sử khi màn khai mạc cũng như những nội dung thi đấu bị hoãn tới một năm. Cùng với đó là những màn thi đấu thiếu khán giả và những quy định phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Mỗi máy chạy đều được ngăn cách bằng tấm chắn tránh tiếp xúc.
Mỗi máy chạy đều được ngăn cách bằng tấm chắn tránh tiếp xúc.

Thế vận hội trong bối cảnh dịch bệnh

Với những điều kiện khắt khe, Làng Olympic của các vận động viên dường như trở thành một “hoang đảo” khi nằm tại quận ven sông Harumi, bao quanh ba phía là Vịnh Tokyo. 

Những vận động viên Olympic và Paralympic tại Thế vận hội sẽ có một trải nghiệm độc đáo so với những kỳ Thế vận hội trước, bởi lẽ trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, họ sẽ phải tuân thủ những quy định hoàn toàn mới. 

Mọi người cũng khó có thể tiếp cận được với những vận động viên nổi tiếng và xuất sắc nhất tại Thế vận hội, vì khi kết thúc nội dung thi đấu của mình, họ được khuyến khích hạn chế tiếp xúc và tụ tập đám đông.

Đây chỉ là một vài những quy định mới được đặt ra tại Làng Olympic, theo cuốn “Sổ tay” được Ban tổ chức ban hành vào tháng 6. “Những hướng dẫn này giúp tạo nên biện pháp đối phó hiệu quả nhằm bảo đảm tất cả mọi địa điểm tổ chức Olympic, kể cả nơi ở của vận động viên, đều đạt được sự an toàn tuyệt đối. Như vậy thì những vận động viên và ban giám khảo đều có thể chuẩn bị kĩ nhất cho những buổi thi đấu”, một đại diện của Ban tổ chức Thế vận hội cho biết. 

Làng Olympic được chuẩn bị tốt nhất cho các vận động viên

Tất cả mọi công trình tại Làng Olympic đều mang một sắc xanh chàm, và những chung cư dành cho các vận động viên - được chia thành bốn khu vực mang tên Sun, Park, Port, Sea - mỗi khu đều có một màu sắc chủ đạo riêng. 

Cùng với đó, cờ của từng quốc gia cũng được treo bên ban công trước phòng của các vận động viên. Đặc biệt, sau khi những vận động viên Paralympic rời Thế vận hội vào tháng 9, Làng thể thao sẽ trở thành khu tập thể cao cấp. 

Cuộc sống của các vận động viên tại Làng Olympic -0
Quốc kỳ Việt Nam tại Làng vận động viên Olympic Tokyo. 

Trong Làng có 20 tòa nhà, cao từ 14 đến 18 tầng, có tới 3.600 căn phòng cùng 18.000 chiếc giường làm từ các khung carton tái chế và nệm làm từ polyethylene. Theo ông Takashi Kitajima, một thành viên Ban điều hành Olympic chịu trách nhiệm về Làng Olympic, những chiếc giường đặt sự thân thiện với môi trường lên hàng đầu, nhưng vẫn bảo đảm được sự thoải mái.

Cuộc sống của các vận động viên tại Làng Olympic -0
Những chiếc giường của vận động viên tại Tokyo mang ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế, mục đích bảo vệ môi trường. 

Những chiếc giường “làm bằng giấy” đã từng rộ lên nhiều lời đồn, chủ yếu rằng mục đích của chúng là để tránh sự thân mật giữa các vận động viên với nhau. Tuy vậy, một thành viên trong đội tuyển Ireland đã đưa ra bằng chứng bác bỏ giả thuyết ấy khi vận động viên này nhảy mạnh liên tục trên giường nhưng vẫn rất chắc chắn. 

Trước những câu hỏi về chiếc giường, Asleigh Johnson, thủ môn của đội bóng nước tuyển Mỹ cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi ngủ trên một chiếc giường từ bìa carton, chúng thoải mái hơn bạn nghĩ”.

Johnson còn chia sẻ trải nghiệm Thế vận hội của mình rằng: “Những trải nghiệm của tôi tại Làng Olympic thật đáng nhớ. Đối với tôi, việc đến với Làng Olympic là một trong những biểu hiện cao quý nhất của hòa bình. Quả thật là một vinh dự khi được so tài với những vận động viên tài năng khác, luôn sẵn sàng thi đấu hết mình ở mọi hoàn cảnh.” 

Mỗi phòng chung cư thông thường rộng xấp xỉ 110 m2 và có thể chứa tới tám thành viên khác nhau, cùng với đó còn có những căn phòng cỡ nhỏ hơn nữa. Các đội sẽ tự phân chia bao nhiêu người có thể ngủ tại các phòng, cố gắng phân cách họ ra xa nhất có thể. 

Tuy vậy, không gian sống tại Thế vận hội không chỉ gồm những điều lệ nghiêm ngặt. Khu vui chơi giải trí cho phép cư dân trải nghiệm những trò chơi thực tế ảo bậc nhất thế giới

Diễn biến của dịch Covid- 19 sẽ quyết định mọi hoạt động diễn ra tại Làng Olympic, nơi mà tới 11.000 vận động viên Olympic và 4.400 vận động viên Paralympics lưu trú. Tại đây, họ bắt buộc phải đeo khẩu trang tất cả mọi lúc, chỉ trừ lúc ngủ, ăn uống hay thi đấu. 

Việc đeo khẩu trang là bắt buộc ngay cả khi luyện tập tại trung tâm thể hình bậc nhất được trang bị tại Làng. Thêm vào đó, họ phải rửa tay và khử khuẩn những trang thiết bị trước và sau khi dùng. BTC sẽ luôn định vị vị trí của những vận động viên, những người không có điện thoại thông minh sẽ được Ban tổ chức cung cấp. 

Nếu một vận động viên hay nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm kháng nguyên, họ sẽ được đưa đến phòng khám. Ở đó, họ sẽ trải qua bước xét nghiệm PCR và được đưa tới trạm cách ly nếu được khẳng định dương tính. 

Tất cả vận động viên sẽ được xét nghiệm hằng ngày ở Làng Olympic, và sẽ có những khu vực đặc biệt thu thập và xét nghiệm qua nước bọt. Hơn nữa, theo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), có tới hơn 80% vận động viên tại đây đã được tiêm vaccine đầy đủ. 

Việc ăn uống tại Thế vận hội

Cuộc sống của các vận động viên tại Làng Olympic -0
 Nhà ăn của các vận động viên.

Đáng nói nhất là vận động viên không còn được cùng ăn với những đối thủ quốc tịch khác nữa. Ngược lại, giờ đây họ được chỉ thị phải ăn một mình, với những tấm ngăn cách nhựa để giảm nguy cơ lây nhiễm. 

Tiệc tùng và uống rượu sẽ hoàn toàn bị cấm ở những địa điểm công cộng tại Thế vận hội. Dù vậy, Kitajima nói rằng vận động viên vẫn có thể uống trong phòng của họ. 

Sảnh ăn uống 2 tầng là một trong những cấu trúc quy mô lớn nhất của Làng Olympic. Hàng ngày, thực đơn sẽ được trình chiếu trên một ứng dụng điện thoại, và thực khách được khuyến khích kết thúc bữa ăn nhanh nhất có thể và rời phòng ăn ngay sau khi dùng bữa. “Vận động viên và ban quản lý vào những ngày không thi đấu nên điều chỉnh khung giờ, tránh những lúc đông người”, cuốn sổ tay hướng dẫn ghi rõ. 

Những biển chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức giãn cách được bày ở khắp sảnh ăn uống (mở cửa 24/7) cũng như mọi khu vực khác trong Làng Olympic. Thực khách nơi đây được chỉ thị tự lau dọn khu vực ăn uống của họ trước khi nhân viên tiến hành vệ sinh tổng thể. “Điều tôi thấy khó chịu nhất chính là những tấm chắn giữa mọi người tại sảnh ăn uống”, Gevvie Stone của đội tuyển Mỹ cho biết. 

Thực đơn bao gồm tới hơn 700 món khác nhau, bao gồm cả những lựa chọn từ chay cho đến không gluten. Một điều đáng chú ý nữa chính là không còn quầy đồ ăn nhanh vốn được ưa chuộng. McDonald’s và IOC đã kết thúc hợp đồng sau Thế vận hội mùa đông năm 2018 tại PyeongChang. 

Vẫn “rất sôi nổi” 

Làng Olympic Olympic, mặc cho những quy định nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm Covid-19, vẫn là một địa điểm náo nhiệt bởi lượng người khổng lồ di chuyển liên tục cho việc luyện tập và ăn uống. 

“Ban đầu tôi sợ bản thân sẽ bị phân tâm” Kristina Wagner, thành viên đội tuyển đua thuyền Mỹ cho biết. “Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra rất sôi nổi. Có tới cả ngàn người tại những sảnh ăn uống, với những màu da và quốc tịch khác nhau. Dù vậy tôi khá ngạc nhiên với cách những tuyển thủ khác giữ vững được sự tập trung cao độ của mình. Vậy nên tôi đã cố học hỏi mẹo từ những tuyển thủ già dặn, giàu kinh nghiệm hơn và cố gắng suy nghĩ thoải mái nhất có thể.”

Tuy nhiên, bảo đảm công tác phòng, chống dịch vẫn luôn là ưu tiên, do đó khi kết thúc Thế vận hội, mục tiêu của Ban tổ chức là đưa những vận động viên về nước sớm nhất có thể. Vận động viên sẽ phải xuất cảnh dưới 48 tiếng sau nội dung thi đấu cuối cùng. Điều này cũng áp dụng với ban quản lý của đội. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ (ví dụ như những vận động viên ở lại giúp huấn luyện).