- Hạ tầng thiếu đồng bộ
Gần 10 năm qua, cứ mỗi lần mang theo kiến nghị của 200 hộ dân ở Tổ dân phố (TDP) Tiền Tiến, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực cống đập Bợt, ông Dương Kim Tẻo, Tổ trưởng TDP Tiền Tiến đều nhận được lời hứa sẽ xử lý của thành phố Hà Tĩnh. Và cứ sau mỗi lần nhận được cam kết từ lãnh đạo thành phố và tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đập vẫn… đâu nằm đấy.
Theo chân ông Dương Kim Tẻo “mục sở thị” khu vực đập Bợt, trước mắt chúng tôi là cánh đồng sình lầy rộng chừng 14 ha với nguồn nước thải đen ngòm, đặc quánh, đầy ruồi nhặng chảy quanh khu vực sinh sống của nhân dân. Cả cánh đồng rộng lớn giờ phải nhường chỗ cho bèo tây, cỏ tạp. Nước thải tràn ngập cả cánh đồng, len lỏi vào tận vườn nhà các hộ dân. Ông Dương Kim Tẻo cho biết, khu vực này vốn là vùng đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Tuy nhiên, do nguồn nước thải chưa được xử lý của thành phố thường xuyên chảy về đây, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, đất đai bỏ hoang.
“2/3 nước thải của thành phố dồn về đây không chảy được đi đâu. Mùa hè nước bốc mùi hôi thối, côn trung sinh sôi nảy nở. Mùa mưa, nước không tiêu thoát được, cả khối phố Tiền Tiến, Tiền Giang bị ngập lụt, nước tràn vào nhà dân kéo theo một lượng lớn rác thải, côn trùng, tác động xấu đến tâm lý, sức khỏe của bà con”, ông Tẻo bức xúc nói.
Ghi nhận phản ánh chính đáng của người dân, Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, Điện Văn Minh cho rằng, với hiện trạng hạ tầng thoát thải như hiện nay, vấn đề cải thiện, xử lý môi trường ở khu vực đập Bợt sẽ khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Theo Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, tình trạng ngập lụt không chỉ diễn ra ở TDP Tiền Tiến, Tiền Giang mà diễn ra ở hầu khắp các khu vực dân cư trong toàn phường. Dù mức độ ngập lụt ở Thạch Quý không nặng nề như ở phường Bắc Hà, Trần Phú, Nguyễn Du… nhưng năm nào người dân cũng phải đối mặt với những phiền toái, thiệt hại về kinh tế do mưa lụt gây ra. Tình trạng mạnh ai nấy làm, không tham vấn ý kiến cộng đồng khi khảo sát, thiết kế xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án, khu dân cư được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra bất cập này.
Lý giải về thực trạng ngập lụt tại thành phố Hà Tĩnh thời gian qua, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP Hà Tĩnh, Tô Thái Hòa cho biết: Về khách quan, thành phố nằm ở khu vực đồng bằng được tạo thành do bồi tích của sông, biển, có cao độ nền thấp hơn khu vực phía đông và phía tây từ 2 đến 6m, với hệ thống sông ngòi khép kín, bao quanh thành phố. Dưới áp lực của mưa lớn và thủy triều dâng cao, mỗi khi hồ Kẻ Gỗ xả tràn, lượng nước đổ về thành phố lớn, gây ngập lụt diện rộng.
Thời gian qua, mặc dù thành phố đã đầu tư xây dựng một số dự án thoát thải chính, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nhiều tuyến thoát nước chính của thành phố như T1, T3, T8 vẫn chưa được hoàn chỉnh; nhiều khu vực ở Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Trung… chưa có tuyến thoát nước chính; một số khu vực nội ở vùng lõi Bắc Hà, Nam Hà chưa có mương thoát nước nên tình trạng ngập lụt ở nhiều khu vực thành phố ngày một trầm trọng.
Cũng theo phản ánh của lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh, trong khi nhu cầu đầu tư, khắc phục khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng của thành phố rất lớn nhưng nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh đối với thành phố không nhiều, thậm chí ít hơn mức bình quân chung của các địa phương trong tỉnh. Thành ra nhiều công trình hạ tầng đô thị, nhất là các tuyến giao thông chính, hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị, các công trình công cộng chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời, tạo nên những “nút thắt” trong phát triển đô thị tại trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh.
Nghĩa trang chia cắt đô thị
Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị, các trục đường chính như đường Hải Thượng Lãn Ông kéo dài, đường Nguyễn Du kéo dài, đường Nguyễn Huy Lung... sau khi đưa vào khai thác vẫn chưa thể phát huy hết công năng bởi sự chia cắt của các nghĩa trang. Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, Điện Văn Minh cho biết, do hai trục đường chính kết nối giao thương quan trọng của phường đi giữa hai khu nghĩa trang Đồng Chăm và Hoàng Trù nên việc thu hút các dự án phát triển thương mại, dịch vụ, nhà ở đô thị gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ tạo nên trở ngại trong thu hút đầu tư, mở rộng không gian đô thị, sự tồn tại của các nghĩa trang trong lòng thành phố đang gây ra nhiều bất tiện cho các hộ dân “bất đắc dĩ” phải làm “hàng xóm” với người chết ngay tại khu vực nội đô. Ông Trịnh Văn Tam, TDP Tiền Tiến cho biết, sau khi mai táng cho người quá cố, nhiều hộ dân vô tư xả rác, xác vòng hoa, đốt nhà táng, vật dụng tạo nên khói bụi và mùi hôi rất khó chịu.
“Cứ mỗi lần có đám tang, gia đình chúng tôi phải đóng kín cửa, khách đến chơi không giám vào nhà, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn…”, ông Phân Văn Sơn, thôn Kênh Nam (Thạch Hưng), hộ dân sống cạnh nghĩa trang Hoàng Trù cho biết thêm.
Không riêng gì người dân ở Thạch Quý và Thạch Hưng, nhiều cụm dân cư ở phường Nguyễn Du, Hà Huy Tập, Thạch Linh, Thạch Trung… cũng đang gặp phải những tình huống dỡ khóc, dỡ cười khi sống cạnh các nghĩa trang. Theo số liệu thống kê, thành phố Hà Tĩnh hiện có 20 nghĩa trang phân bố ở 8 phường, xã trên địa bàn. Các nghĩa trang này xuất hiện cùng với quá trình hình thành các khu dân cư. Mặc dù thành phố đã khoanh vùng, đóng cửa một số khu vực, song trên thực tế, người dân đang tổ chức mai táng cho người quá cố tại đây.
Theo phản ánh của lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn, nếu thành phố không sớm quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang chung thì một vài năm tới nhiều khu dân cư sẽ không còn chỗ để mai táng cho người chết. Quan trọng hơn, không gian đô thị thành phố vẫn bị chia cắt mỗi khi các nghĩa trang vùng nội đô chưa được di dời.
Trong khi thành phố vẫn chưa tìm ra phương án để giải quyết thấu đáo sự tồn tại của các khu nghĩa trung vùng nội đô thì gần chục năm qua, một khu sản xuất, trưng bày bia mộ nằm án ngữ cửa ngõ phía nam thành phố được hình thành, phát triển với quy mô ngày càng lớn. Hầu hết người dân địa phương và du khách quan đường đều tỏ ra ái ngại bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này không chỉ gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng khác như: ăn uống, thương mại dịch vụ của một số hộ dân lân cận.
Đánh giá về quá trình xây dựng đô thị tại thành phố, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, bên cạnh những chuyển biến đáng ghi nhận, hiện nay nhiều tiêu chí xây dựng đô thị loại 2 ở thành phố Hà Tĩnh còn thiếu bền vững, thậm chí một số tiêu chí về hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước, thoát bẩn, xử lý nước thải, công viên, cây xanh... có khối lượng phải thực hiện lớn.
Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế nêu trên một phần do sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh cho Thành phố chưa tương xứng, nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, phân cấp, phân quyền cho thành phố một số lĩnh vực chưa triệt để, nhưng nguyên nhân chính là thành phố còn lúng túng trong xác định mục tiêu và các giải pháp chủ yếu trong xây dựng đô thị.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức địa phương đang đối diện, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh, Dương Tất Thắng cho rằng: Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, thời gian tới thành phố sẽ chủ động phối hợp các cấp, các ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch thành phố gắn với mở rộng không gian đô thị, giải quyết các bất cập về quy hoạch hiện nay. Chú trọng quy hoạch phát triển liên vùng, kết nối đô thị với nông thôn, mở rộng không gian đô thị gắn với các tuyến giao thông quốc gia và phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao - đô thị - thương mại - dịch vụ logistics về phía tây; kết nối với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển… đưa thành phố sớm trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.