Nhìn nhận để phát triển

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, thành phố chỉ đạt 78,38%, xếp hạng 43 trong số 63 tỉnh, thành phố, giảm bốn bậc so với năm 2021 và thấp nhất trong năm thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài con số biết nói, công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ có hai nội dung “đáng báo động” mà Thành phố Hồ Chí Minh cần có ngay giải pháp để chấn chỉnh, đó là: tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu người dân chiếm tỷ trọng cao (khoảng 31%); còn tồn tại hiện tượng công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định (30%). Đó là chưa kể chỉ số dịch vụ hành chính công của thành phố chỉ đạt 79,68%, xếp thứ 38 trong số 63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ người dân chưa đồng tình với nộp hồ sơ qua mạng còn cao…

Công bố nêu trên được đưa ra sau thời gian dài Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nỗ lực nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Các giải pháp được thành phố áp dụng như: thực hiện thủ tục liên thông một cửa, khảo sát chỉ số hài lòng của người dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức… gần như chưa phát huy được nhiều tác dụng.

Vẫn còn đó tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi hết ngày này qua ngày khác để giải quyết thủ tục hành chính; hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp chuyển lòng vòng từ sở này qua sở khác mà không biết ngày hoàn thành; nhiều dự án chậm tiến độ hàng chục năm cũng chỉ vì thủ tục. Chưa bao giờ cụm từ "cán bộ sợ ký" được nhắc tới nhiều trên địa bàn thành phố như hiện nay.

Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp thấp; tăng trưởng kinh tế không cao, nhiều ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%), gia tăng doanh nghiệp ngưng hoạt động… là những “con số buồn” nhưng lại là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật để sửa sai, để phát triển.

Dám nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, thiếu sót không chỉ giúp bộ máy công quyền thành phố tìm ra các giải pháp đúng, trúng mà còn tạo được niềm tin trong nhân dân ở bộ máy công quyền. Bên cạnh đánh giá bên ngoài, mỗi cơ quan hành chính cũng phải tự tổ chức đánh giá thái độ, quy trình của chính đơn vị mình.

Việc tự đánh giá này là hết sức quan trọng, bởi chính từng đơn vị là nơi ban hành các quy định, thủ tục thì phải tự đánh giá xem những quy định, thủ tục mà mình ban hành liệu có hợp lý, có thật sự mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hay chỉ mang lại lợi ích cho bản thân đơn vị? Việc tự đánh giá phải được làm thường xuyên, phát hiện những gì còn trở ngại cho người dân, doanh nghiệp thì phải kiên quyết cắt bỏ.

Để hạn chế tình trạng hồ sơ của người dân, doanh nghiệp chuyển lòng vòng, lãnh đạo thành phố cần có những giải pháp khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức. Để xóa tan nghi ngại, các lãnh đạo cấp cao của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ chủ động, sáng tạo ứng phó với những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt “phá rào” mới trong phát triển kinh tế.