Vụ sạt lở xảy ra tại tỉnh Enga, Papua New Guinea, rạng sáng 24/5, đã khiến hơn 1.200 người phải sơ tán. Hơn 150 ngôi nhà bị vùi lấp và 250 ngôi nhà khác bị bỏ hoang.
"Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp dưới lớp đất khoảng 8m. Vì vậy có khá nhiều mảnh vỡ cần được xử lý", Giám đốc quốc gia của nhóm viện trợ CARE International Justine McMahon cho biết với kênh ABC. Bà McMahon thông tin thêm, khoảng 4.000 người đang sống gần khu vực chịu ảnh hưởng của vụ sạt lở.
Đến nay, 6 thi thể đã được tìm thấy sau vụ sạt lở. Liên hợp quốc ước tính, con số này có thể sẽ thay đổi vì các nỗ lực cứu nạn dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều ngày.
Các đội ứng phó khẩn cấp do lực lượng quốc phòng Papua New Guinea dẫn đầu đã có mặt tại hiện trường nhưng các thiết bị hạng nặng cần thiết trong công tác cứu nạn vẫn chưa tới. Tuyến đường chính dẫn đến ngôi làng hẻo lánh xảy ra sạt lở vẫn bị chia cắt và cách duy nhất để tiếp cận khu vực này là di chuyển bằng trực thăng.
Theo thông tin mới nhất từ Liên hợp quốc, giới chức Chính phủ Papua New Guinea đang tập trung vào công tác dọn dẹp đống đổ nát và cải thiện khả năng tiếp cận ngôi làng.
Trong khi đó, Liên hợp quốc đang chuẩn bị di chuyển và phân phát nước, thực phẩm cho người dân. Cơ quan này cũng đang hỗ trợ dựng các trung tâm sơ tán.
Sống sót sau 8 giờ mắc kẹt
Truyền thông Papua New Guinea hôm nay đưa tin, người dân đã giải cứu một đôi vợ chồng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau khi nghe thấy tiếng kêu cứu. Johnson và Jacklyn Yandam chia sẻ với NBC News đây là điều kỳ diệu đối với hai vợ chồng và họ cảm thấy vô cùng biết ơn.
"Chúng tôi đã nghĩ chắc rằng mình sẽ chết, nhưng những tảng đá lớn không rơi vào chúng tôi... Thật khó để giải thích khi chúng tôi mắc kẹt gần 8 giờ và được cứu sống", Jacklyn nói.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết nước tiếp tục chảy dưới các mảnh vỡ, khiến việc dọn dẹp trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với người dân và đội cứu hộ. Ông Serhan Aktoprak, người đứng đầu phái đoàn IOM tại Papua New Guinea, khẳng định các đội cứu nạn sẽ tiếp tục để tìm kiếm những người sống sót cho đến khi người dân yêu cầu họ dừng lại.