Năm 2004, quận Hoàng Mai chỉ khoảng 187 nghìn người, thì đến năm 2023, dân cư sinh sống trên địa bàn đã tăng lên 700 nghìn người. Trung bình mỗi năm, quận này tăng thêm 4.000 học sinh cho nên cơ sở vật chất của nhiều trường học không kịp đáp ứng. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Võ Xuân Trọng cho biết, dân số tăng nhanh dẫn đến quá tải hệ thống giáo dục trên địa bàn.
Số phòng học không tăng theo kịp so với số học sinh, cho nên sĩ số học sinh mỗi lớp tăng cao, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vào trường mầm non công lập đạt tỷ lệ thấp, nhiều học sinh tiểu học phải học luân phiên vào thứ bảy mới bảo đảm học hai buổi/ngày... Cũng vì những nguyên nhân này mà đến nay quận Hoàng Mai mới có 41 trong tổng số 59 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 69,5%.
Quận Đống Đa cũng là địa bàn đất chật, người đông. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa, Trịnh Đan Ly, thời gian qua, quận đã đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng và công nhận mới, công nhận lại trường chuẩn quốc gia ở các cấp học trên địa bàn. Nhưng đến tháng 7/2023, mới có 46 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong tổng số 69 trường (đạt tỷ lệ 66,67%).
Nguyên nhân là do một số trường đã được công nhận đạt chuẩn nay đến thời hạn phải công nhận lại, nhưng chưa đủ điều kiện như thiếu phòng học chức năng - phòng học bộ môn, diện tích phòng học không bảo đảm; thiếu trang thiết bị dạy và học... Một số trường do không thể đầu tư bổ sung vì vướng quy hoạch, không đủ nguồn lực hoặc diện tích đất không đủ... dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại.
Tại quận Ba Đình, dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao, đạt 82,7%, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Phạm Thị Diễm cho biết, một số trường trong diện cải tạo, sửa chữa phải di chuyển đến hai, ba địa điểm khác nhau để học tạm, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Một số trường có diện tích nhỏ, hẹp, không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia... Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Tri Phương, vì quá đông học sinh cho nên đến giờ thể dục, chỉ có một nửa số học sinh được xuống sân trường tập, số học sinh còn lại phải tập thể dục trên hành lang, trong lớp học.
Để mở rộng mạng lưới trường học đáp ứng nhu cầu học tập, đồng thời tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, các quận đều kiến nghị thành phố có những giải pháp phù hợp, kịp thời. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch các ô đất xây dựng trường học phù hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi bởi hiện có tình trạng, một số địa điểm quy hoạch trường học lại vào nghĩa trang hoặc khu dân cư...
Đồng thời, đề nghị thành phố tiếp tục thu hồi đối với những ô quy hoạch trường học ở các khu đô thị đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai; chỉ đạo quy hoạch các khu chung cư cao tầng đồng bộ với phát triển trường học để tránh việc quá tải trường, lớp... Khi phê duyệt quy hoạch các dự án, các khu đô thị, thành phố cần quy định tỷ lệ trường công lập đi kèm.
Đại diện quận Đống Đa cũng đề xuất: Nên bỏ quy định về việc khống chế tầng cao đối với các công trình giáo dục khi có các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng trường, lớp. Thành phố ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục để các quận có điều kiện mở rộng các trường học hiện có, xây mới các trường theo tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.
Gần đây, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã thành lập các đoàn khảo sát về công tác tuyển sinh đầu cấp; việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn một số quận, huyện.
Những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải, đoàn công tác sẽ tổng hợp đưa vào báo cáo để có những giải pháp phù hợp, nhất là trong bố trí quỹ đất và nguồn lực đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị, các địa phương phải ưu tiên hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, trong đó ngay từ khâu quy hoạch phải chú trọng rà soát kỹ, quy hoạch đúng vị trí, khả thi; đồng thời, có biện pháp, giải pháp với những dự án trường học chậm triển khai.