Đó là những nét đáng ghi nhận ban đầu của mùa lễ hội xuân năm nay, khi nhiều lễ hội được tổ chức sau mấy năm gián đoạn, nhiều địa điểm tâm linh, tín ngưỡng không phải cách ly, giãn cách, hạn chế số người để phòng dịch bệnh, do đó, dự đoán sẽ đông đúc, quá tải, kéo theo những nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Đáng chú ý là có những nơi dù nhiều người nhưng không, hoặc chưa xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Một phần vì chưa đến mức quá đông, và nhiều người dân vẫn có tâm lý phòng dịch, tiếp tục đeo khẩu trang khi đi lễ. Và phải thấy rằng, công tác tổ chức đã được nâng cao hơn trước khi việc bố trí các bến bãi gửi xe, khu vực dịch vụ bán đồ lễ và ăn uống, khu soạn lễ… được thực hiện khá quy củ. Việc nhắc nhở khách thập phương không thắp thêm hương, không thả tiền lung tung, gài tiền bừa bãi trong đền, chùa cũng được chú ý hơn. Lực lượng an ninh, bảo vệ cũng túc trực tại nhiều vị trí, cùng với việc phát loa thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo khách thập phương, du khách… Nhờ đó mà tình hình, quang cảnh chung có vẻ thong thả, nhẹ nhàng.
Cũng phải thấy rằng ý thức người dân khi đi lễ, đi hành hương đã được cải thiện nên không, hoặc chưa thấy các hiện tượng nói to, nói tục, chửi bậy, sự đi lại, ứng xử cũng thêm phần lịch sự, trang nhã. Lại cần trân trọng cả sự chuyển biến của các hàng quán khi không còn thấy cảnh chèo kéo, tranh giành khách, giá cả dịch vụ có thông báo, thuận mua vừa bán. Đó là những “điểm cộng” của người đi hội và người làm dịch vụ cần được khuyến khích phát huy, cùng những nỗ lực nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức.
Nhưng cũng cần chấn chỉnh mấy điểm để bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh hơn. Như có nơi nhiều người bán hàng còn đứng hẳn ra đường phố vẫy khách trong khi xe cộ đi lại với lưu lượng lớn, như ở gần đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Có nơi như ở khu vực chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), do đường xuống cấp nên rất gập ghềnh, cùng với hoạt động chế tác đá ngay trong khu vực danh thắng, dẫn đến tình trạng bụi bặm, ô nhiễm. Ngoài ra còn có tình trạng bãi rác lớn tập kết ngay cạnh không gian danh thắng, trông rất phản cảm.
Việc duy trì, bảo đảm sự trật tự, văn hóa, văn minh lễ hội sẽ đòi hỏi nhiều công sức, sự kiên trì của các cơ quan chức năng các địa phương cơ sở. Bởi nỗ lực, cố gắng trong vài ngày là một chuyện. Nhưng để thường xuyên liên tục, trở thành ý thức thường ngày của mỗi người dân lại là vấn đề khác. Chính vì thế, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức, nếp sống văn hóa của người tham dự lễ hội, những hạt sạn, những biểu hiện tiêu cực khi được phát hiện, rất cần sớm được xử lý, chấn chỉnh.