Những ngả đường về lễ hội
Ba mùa lễ không có hội khiến cho nhu cầu của người dân được quay trở lại với loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần truyền thống nhân dịp đầu năm mới càng tăng cao. Tại lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), không chờ khai hội mà từ những ngày đầu năm mới, lượng khách đổ về di tích này đã rất đông. Cao điểm vào ngày khai hội mồng 6 tháng Giêng (ngày 27/1/2023), lượng khách lên tới gần bốn vạn người, khiến mọi nẻo đường hướng về chùa Thiên Trù, động Hương Tích chật kín. Hàng loạt các dịch vụ, hạ tầng phục vụ lễ hội cũng được huy động hết công suất, gần năm nghìn đò được hạ thủy để phục vụ nhu cầu đi lại trên suối Yến.
Chùa Hương mở cửa đón khách từ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần (ngày 21/1). Tính đến ngày khai hội, lượng khách đạt khoảng 150 nghìn người. Lượng khách sau ngày khai hội liên tục tăng và đặc biệt tăng cao vào dịp cuối tuần. Đây là thực tế đã được dự báo từ trước. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức, Ban tổ chức lễ hội đã chủ động triển khai kế hoạch cùng nhiều phương án dự phòng nhằm tránh ùn tắc giao thông. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết: "Lễ hội chùa Hương năm 2023 có nhiều điểm mới, nổi bật là chuyển đổi cách thức thanh toán tiền vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò: Ban tổ chức đã in vé, hóa đơn điện tử và hoàn thiện hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR Code với 10 lối kiểm soát, tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hành hệ thống kiểm soát vé, bảo đảm thành thạo kỹ năng và công tác phối hợp giữa các công đoạn".
Tại tỉnh Quảng Ninh, dù lễ hội Xuân Yên Tử chưa chính thức khai mạc nhưng lượng du khách đã tăng mạnh từ ngày mồng 1 Tết (ngày 22/1). Những ngày cuối tuần, lượng khách tăng cao và có thể đông hơn nữa từ sau ngày khai hội. Sau hai năm "lỡ hẹn", năm nay, lễ hội Xuân Yên Tử khai hội vào ngày 10 tháng Giêng (ngày 31/1) và kéo dài suốt ba tháng. Điểm mới của mùa lễ hội Xuân Yên Tử năm nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức nhiều hoạt động tâm linh vào ban đêm như lễ cầu an, lễ chúc phúc…
Dự kiến năm nay sẽ có hơn một triệu Phật tử, người dân địa phương và khách du lịch về Yên Tử. Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Để mùa lễ hội diễn ra bình an, lành mạnh, mong rằng sẽ có sự chung tay, đồng hành của các tăng ni, phật tử, du khách thập phương, đặc biệt trong việc tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh, an ninh trật tự, an toàn trong lễ hội".
Đông đảo du khách đến lễ hội Chùa Hương năm nay. Ảnh: Lê Sơn |
Bảo đảm an toàn, văn minh trong mùa lễ hội
Tại lễ hội Chùa Hương, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, kiên quyết đẩy lùi mọi hiện tượng tiêu cực. Tại Đền Trần (tỉnh Nam Định), sẽ có năm vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai ấn đêm 14 tháng Giêng (ngày 4/2) nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương cho biết: "Sau một thời gian dài tạm dừng mọi hoạt động đông người, năm nay, chắc chắn lễ hội tại các di tích sẽ rất đông, thậm chí đột biến về số lượng khách. Trước thực trạng này, ngay từ sớm, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn công tác tới một số địa phương có lễ hội lớn, quán triệt việc triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có nội dung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội".
Tại Công văn số 1240/VHCS-NSVH về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; có các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin trá hình, dịch vụ đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội. Đặc biệt, Công văn có nhấn mạnh nội dung xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Đặc biệt, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Cục Văn hóa cơ sở đã đồng hành với nhiều địa phương để cùng bàn thảo phương án tổ chức lễ hội đón xuân phù hợp, bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và lâu dài của địa phương, nhất là ở một số huyện có lễ hội còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hoặc tồn tại những lệ, tục không phù hợp với đời sống mới, như hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), hai lễ hội ở tỉnh Vĩnh Phúc: lễ hội Đúc Bụt (huyện Tam Dương) và hội Chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô)… Mùa lễ hội năm nay, một số địa phương đã gửi lên Bộ, Cục kịch bản, phương án tổ chức cụ thể. "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội. Đồng thời, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương có lễ hội thu hút đông đảo du khách này diễn ra thuận lợi, an toàn…" - bà Hương cho biết.
Để phần lễ giữ được giá trị thiêng liêng và phần hội vui, không thể chỉ trông chờ riêng vào nỗ lực quản lý của các ban, ngành, cơ quan chức năng mà rất cần nỗ lực của mỗi chủ thể - chính là người tham dự và tham gia vận hành mọi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Hy vọng mùa lễ hội sau ba năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 được thật sự trọn vẹn.